27/04/2023 06:25
Hà Lan tăng lượng cao su nhập từ Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hà Lan đạt 3,03 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD, tăng 31,2% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.447 USD/tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu sang Hà Lan nhiều nhất, chiếm 53,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023. Tiếp theo, chủng loại Latex chiếm 19,65% và SVR 3L chiếm 18,63% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023.
Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hà Lan trong 3 tháng đầu năm 2023 hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là Latex giảm 22,7%; SVR 10 giảm 21,5%; SVR 3L giảm 20,1%; SVR CV60 giảm 18,3%…
Tại thị trường Hà Lan, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan và Bờ Biển Ngà. Do đó các doanh nghiệp cần dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường của Hà Lan để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành cao su Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách. Những điều này gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su cũng như các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.
Theo đó, ngành cao su Việt Nam phải được thực hiện thống nhất về quản lý chất lượng trên phạm vi cả nước, tăng cường áp dụng kỹ thuật tiến bộ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo yêu cầu thị trường, mở rộng đầu tư chế biến sâu, từng bước hình thành ngành công nghiệp cao su phụ trợ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại ngành cao su theo chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mặt khác, xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác, do vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Trong năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 10 cho Hà Lan với 8.820 tấn, trị giá 16,13 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 28,9% về trị giá so với năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 2,76% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hà Lan, cao hơn so với mức 2,02% của năm 2021. Qua số liệu cho thấy, tại thị trường Hà Lan, thị phần cao su của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Hà Lan. Trong khi đó, Hà Lan đã đẩy mạnh nhập khẩu cao su của Thái Lan, Trung Quốc nên thị phần cao su của hai thị trường này trong năm 2022 cũng cao hơn so với năm 2021.
Trong 10 ngày giữa tháng 4/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước vẫn giữ ổn định so với 10 ngày trước đó, tiếp tục duy trì quanh mức 225-288 đồng/TSC. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 270-280 đồng/TSC. Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 286-288 đồng/TSC. Tại Gia Lai, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 225- 230 đồng/TSC.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp