Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Góp vốn mua đất gần 20 năm, gần 200 nhân viên của Tranimexco vẫn phải mòn mỏi chờ đợi

Bảo vệ người mua nhà

17/10/2018 07:58

Dự án đã giải toả, san lấp mặt bằng xong nhưng chưa thể thi công hạ tầng để bàn giao đất nền cho nhân viên của Tranimexco vì mâu thuẫn nội bộ.

Đất vẫn trên giấy

Hàng chục người góp vốn mua đất nền của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Công trình (Tranimexco) vừa kéo lên trụ sở của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM kêu cứu vì góp vốn mua đất tại dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Tranimexco đã hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa nhận được đất nền.

Ông Nguyễn Quốc Hương ở đường số 11, khu phố 9, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, trước năm 1999, Công ty Tranimexco được Cienco 6 giao lập dự án nhà ở cho cán bộ Cienco 6 và Tranimexco với vốn tự góp của những người tham gia dự án. Theo đó, Tranimexco chỉ đứng tên pháp nhân xin giấy phép thiết lập dự án và làm các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco.

Những người tham gia dự án phải trả toàn bộ chi phí thực hiện dự án và trả cho Ban quản lý dự án của Tranimexco 5% tổng trị giá chi phí thực hiện dự án. Ngoài khoản tiền này, Tranimexco không có quyền lợi gì từ dự án này. Dự án này thuộc tài sản của người góp vốn nên Tranimexco không được hoạch toán vào tài sản của công ty.

Những người mua đất ở dự án Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco kéo lên Sở Tài nguyên Môi trường kêu cứu.
Những người mua đất ở dự án Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco kéo lên Sở Tài nguyên Môi trường kêu cứu.

Sau đó, Tranimexco giao cho Công đoàn công ty thu tiền người góp vốn và thành lập Ban quản lý dự án để thực hiện các hạng mục trong Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Tranimexco tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Để thiết lập quỹ đất và làm các thủ tục pháp lý xin phép thành lập dự án, mỗi cán bộ nhân viên phải nộp 280 triệu/nền đất có diện tích trên dưới 150m2.

Ông Đinh Bá Kiên ở phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TPHCM, góp tiền mua đất theo hợp đồng số 04/TTGV/CĐ-Tra cho biết, từ năm 1999 đến 2003, có 191 cán bộ công nhân viên nộp tiền góp vốn tham gia với tổng số tiền hơn 56,7 tỷ đồng. Từng người tham gia dự án nộp tiền trực tiếp cho Công đoàn Tranimexco dưới hình thức thỏa thuận góp. Thời gian dự kiến thực hiện dự án là từ khi thỏa thuận đến khi cắm mốc bàn giao nền nhà là 18 tháng.

Sau khi thu tiền của 191 người góp vốn, Công đoàn Tranimexco liên hệ với các cơ quan chức năng xin giấy phép đầu tư dự án. Năm 2002, UBND TP.HCM ra Quyết định số 1694/QĐ-UB giao đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho Tranimexco thực hiện dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Tranimexco.

Năm 2011, dự án đã đền bù được 6,68ha đất trên tổng số 8,65ha. Do vướng quy hoạch đường Vành đai 2 nên Tranimexco đã xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Năm 2013, UBND TP.HCM ra Quyết định số 395/QĐ-UB điều chỉnh diện tích giao đất thực hiện dự án từ 81.705m2 còn 66.798m2. Đến nay, Tranimexco đã thiết lập được 66.798m2 đất và chi tư vấn dự án, san lấp mặt bằng, đóng thuế.

Theo báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Thái Bình Dương, hiện tại dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Tranimexco có tổng chi phí thực hiện là 55.372.969.732 đồng, gồm cả 5% chi phí thực hiện dự án ở giai đoạn này cho Công đoàn Tranimexco. Hiện tại, Công đoàn Tranimexco còn giữ 4.471.030.268 đồng của người góp vốn.

Tuy nhiên, Tranimexco chưa xây dựng được mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội bộ, vỉa hè, cấp thoát nước, điện, xây tường xung quanh bảo vệ dự án, công viên cây xanh... Do đó, Tranimexco chưa thể bàn giao nền nhà, giấy chứng nhận chủ quyền và các giấy tờ liên quan đến khu đất cho người góp vốn.

“Chờ đợi mòn mỏi, có người nản quá bán lại hợp đồng góp vốn. Có người bệnh tật không có tiền chữa chạy, lên Công ty Tranimexco than khóc thì được họ trả lại vài trăm triệu. Đã rất nhiều lần, chúng tôi gửi văn bản, họp với Ban giám đốc Tranimexco nhưng dự án vẫn còn nằm trên giấy”, ông Kiên nói.

Mâu thuẫn

Theo thỏa thuận góp vốn, thời gian bàn giao nền nhà là 18 tháng. Phương thức góp vốn chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 mỗi người góp 280 triệu đồng để làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, nộp thuế sử dụng đất.

Giai đoạn 2 là giải phóng nốt phần mặt bằng còn lại, xây dựng cơ sở hạ tầng. Số tiền cán bộ nhân viên phải đóng sẽ được thông báo 30 ngày trước khi thực hiện. Giai đoạn 3 là chi phí bàn giao nền và nhận sổ đỏ. Số tiền cũng sẽ được thông báo sau. Ở mỗi giai đoạn có nhiều kỳ góp vốn, tùy theo tình hình thực tế. Sau khi hoàn thành xong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Tranimexco sẽ ký hợp đồng mua bán.

Đến năm 2004, việc huy động vốn cho giai đoạn 1 đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ dừng ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. Gần 20 năm trôi qua, Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm.

Do đó, những người góp vốn liên tục yêu cầu Tranimexco thực hiện cam kết. Đến tháng 7/2017, Tranimexco công bố báo cáo kế hoạch thực hiện các hạng mục tiếp theo của dự án. Trong đó có chi phí hạng mục xây dựng hạ tầng đô thị với số tiền gần 236,5 tỷ đồng.

Tính ra, mỗi mét vuông hạ tầng ở dự án này có giá lên tới gần 11,2 triệu đồng. Trong khi đó, tại Quyết định số 1161/QĐ-BXD quy định suất đầu tư cho mỗi mét vuông hạ tầng kỹ thuật khu đô thị là 804.000 đồng. Những người góp vốn cho rằng, Ban lãnh đạo Tranimexco đã tính chi phí vượt so với quy định của Bộ xây dựng gần 200 triệu đồng.

Gần 20 năm sau, dự án Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa có hạ tầng.
Gần 20 năm sau, dự án Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa có hạ tầng.

Không đồng ý với mức chi phí này và thời gian thực hiện hợp đồng góp vốn đã hết nên cán bộ nhân viên đề nghị Tranimexco ủy quyền hoặc đấu thầu giao cho công ty khác thực hiện hạng mục này. Người mua đất vẫn trả cho Tranimexco 5% chi phí như thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hưng, Tổng giám đốc Tranimexco không đồng ý.

Phía Tranimexco cho rằng, đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có một số hộ dân không chấp nhận di dời. Ngoài ra, tuyến đường Vành đai 2 có đoạn cắt ngang khu đất này và được điều chỉnh từ rộng 60m lên 67m. Do đó, công ty phải điều chỉnh quy hoạch và diện tích dự án.

Tại tháng 7/2017, Tranimexco đã thu được tổng cộng 59,8 tỷ đồng từ những người mua đất. Tranimexco đã chi hết hơn 55 tỷ đồng. Trong đó, chi cho đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 30 tỷ đồng. Các số liệu dự toán thiết kế đã cũ, giá cả vật liệu có biến động lớn. Do đó, cần phải huy động thêm khoảng 236 tỷ đồng nữa thì mới có thể tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến tới quý I năm 2019 thì hoàn thành dự án.

Tranimexco đưa ra 2 phương án thực hiện. Phương án 1 là Tranimexco tiếp tục huy động vốn của cư dân thành 4 đợt. Phương án 2 là Tranimexco sẽ ứng trước khoảng 50 tỷ đồng để thực hiện. Công ty sẽ giảm số tiền góp vốn của người mua đất nếu nhận được tiền đền bù từ dự án đường Vành đai 2.

Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không nhận được sự đồng tình của những người góp vốn. Khách hàng mua đất cho rằng, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng bị đội lên tới 236 tỷ là quá cao, không thể chấp nhận được và họ không còn tin tưởng Tranimexco nữa vì dự án đã bế tắc gần 20 năm.

Tại buổi làm việc với đại diện Sở Tài nguyên Môi trường và UBND quận Thủ Đức về dự án Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tranimexco, khách hàng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết quyền lợi của những người góp vốn tại dự án này.

Người mua đất cũng kiến nghị không chi tiền bồi thường dự án đường Vành đai 2 cho Tranimexco mà phải chi trả trực tiếp cho những người góp vốn vì Tranimexco chỉ là đơn vị đại diện cho cán bộ nhân viên góp vốn.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement