30/01/2017 08:35
Gợi ý lịch trình ba ngày du ngoạn mùa xuân cao nguyên đá Hà Giang
Du xuân Hà Giang những ngày sau Tết Nguyên Đán, du khách sẽ được ngắm nhìn những sắc hoa đặc trưng của cao nguyên đá đang thời điểm đẹp nhất.
Dưới đây là lịch trình tham quan du lịch Hà Giang trong 3 ngày 4 đêm (kết hợp giữa ô tô khách và xe máy) dành cho du khách. Lịch trình cụ thể và tiết kiệm sức lực cũng như thời gian nhất có thểcho hành trình 600km đi - về giữa Hà Nội và Hà Giang.
Di chuyển:
Từ Hà Nội lên Hà Giang nên chọn xe khách giường nằm xuất bến Mỹ Đình 20-21h hàng ngày. Bạn nên liên hệ trước 2-3 ngày hoặc mua vé tại bến.
Thuê xe máy ở Hà Giang
Ở Hà Giang có rất nhiều nhà cho thuê xe máy ngay bên cạnh bến xe Cầu Mè. Bạn có thể tham khảo trên mạng và liên hệ trước 2-3 ngày để đặt được xe chất lượng tốt. Khi thuê xe có thể hỏi mượn bản đồ đi kèm danh sách, số điện thoại các hàng sửa xe dọc đường để đề phòng trường hợp xe bị hỏng hóc.
Lịch trình cụ thể:
Ngày 1: Hà Giang - Quản Bạ - thị trấn Yên Minh - Phó Bảng - Sủng Là - Đồng Văn: 145km
- 7h: Ăn sáng xong thăm mốc 0 Hà Giang giữa trung tâm thành phố.
- 9h: Đến Quản Bạ (thị trấn Tam Sơn thuộc Quản Bạ nơi có núi đôi Cô Tiên). Các điểm tham quan cần ghé thăm trên đường từ Hà Giang đến Quản Bạ:
Phiên chợ lùi Quyết Tiến nằm tại xã Quyết Tiến.
Đèo Bắc Sum là chặng mở đầu cho hành trình cao nguyên đá. Con đèo này vẫn được mọi người nhắc đến qua câu "Dốc Bắc Sum - Hùm Cán Tỷ" để nói về độ hung hiểm của nó.
Cổng trời Quản Bạ: Điểm dừng chân ngắm núi đôi.
- 11h: Thị trấn Yên Minh
Du khách sẽ được chạy xe song song dòng sông Miện trong xanh như ngọc và khu rừng thông nổi tiếng của huyện. Thời điểm này đang vào mùa hoa gạo nở đỏ rực các con đèo, khúc quanh, lối về thị trấn Yên Minh.
- 12h: Ăn trưa và nghỉ ngơi tại thị trấn Yên Minh. Một đặc thù nữa là ăn, uống ngủ nghỉ ở Quản Bạ, Yên Minh hay Mèo Vạc rất hạn chế và giá khá đắt đỏ (so với địa phương khác).
Bắt đầu từ lúc này, quang cảnh sẽ cực đẹp với rất nhiều điểm đến trong cự ly ngắn. Bạn nên lưu ý đổ xăng đầy ở đây vì dọc đường không có cây xăng nữa và liên tục leo dốc.
- 13h: Phố Cáo. Điểm dừng Phố Cáo với hai bên lề đường là dãy nhà đá đặc trưng của Hà Giang. Lũ trẻ ở đây rất ngoan và hay chơi ngay trên đường đi. Để lên được Phố Cáo bạn sẽ phải vượt qua dốc Thẩm Mã.
- 14h: Phó Bảng: Vượt qua 1 con dốc cũng uốn lượn và còn cao hơn dốc Thẩm Mã là "Dốc 9 khoanh", đi tiếp đến một ngã ba. Ngã đi xuống là hướng về Sủng Là - Đồng Văn, hướng đi lên là đi vào Phó Bảng - thị trấn cổ lãng quên. Phó Bảng còn cổ hơn cả Đồng Văn nhưng vì ngược đường nên ít ai rẽ vào. Đi vào đây sẽ đi qua thung lũng hoa hồng của tỉnh Hà Giang và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc người Hoa rất đặc sắc.
- 16h: Sủng Là: Quay lại ngã rẽ trước để đi tới Sủng Là. Nơi đây là một trong những vựa hoa, điểm tham quán chính của hành trình. Nếu mùa hè sẽ là những cánh đồng ngô xanh mướt, mùa thu - đông là hoa tam giác mạch trứ danh thì thời điểm này là mùa của hoa mận, hoa lê và hoa đào bên hông bờ rào đá. Hạt nhân của Sủng Là là "nhà của Pao". Đây là ngôi nhà đặc trưng của cao nguyên đá với bờ tường đá, mái ngói âm dương.
- 18h: Thị trấn Đồng Văn. Chú ý buổi chiều muộn mặt trời xuống núi rất nhanh, toàn bộ cao nguyên đá sẽ chìm trong bóng tối. Bạn cần sắp xếp thời gian để khoảng 17h xuất phát về Đồng Văn cho kịp.
Ngày 2: Đồn Cao - Sà Phìn - Lũng Cú - Đồng Văn
- 7h: An sáng bánh cuốn trứng và quán cafe Phố cổ nổi tiếng ở trung tâm thị trấn Đồng Văn.
- 8h: Thăm làng văn hóa Quyết Tiến, thôn Thiên Hương kế bên hông Phố Cổ
- 9h: Leo lên Đồn Cao ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh thị trấn Đồng Văn
- 11h: Sà Phìn: Thăm di tích dinh vua Mèo (Vương Chí Sình), một trong những điểm thăm quan chính tại cao nguyên đá Đồng Văn. Kiến trúc 100 năm tuổi này là sự kết hợp độc đáo giữa ba dòng kiến trúc Pháp - Mông - Hoa. Đến đây bạn sẽ được nghe và tìm hiểu về nhân vật huyền bí bậc nhất lịch sử nước nhà, người cai quản hàng vạn đồng bào dân tộc Mông thế kỷ trước.
- 13h: Ăn trưa và nghỉ ngơi tại chợ Sà Phìn, bên hông di tích dinh vua Mèo
- 15h: Lũng Cú. Điểm tham quan có lẽ quan trọng nhất hành trình chính là cực Bắc linh thiêng của Tổ quốc: cột cờ Lũng Cú. Vượt mấy trăm bậc thang lên đỉnh núi Rồng, ngắm nhìn biên cương thu vào tầm mắt, học thêm các bài học lịch sử bảo vệ đất nước và tham quan bản Lô Lô Chải địa đầu biên cương... là những trải nghiệmkhông thể bỏ qua khi đến đây.
Chú ý: Lũng Cú, Sà Phìn và Đồng Văn là 3 đỉnh của 1 tam giác. Cạnh thứ nhất là Đồng Văn - Sà Phìn, chặng 2 là Sà Phìn - Lũng Cú và chặng cuối từ Lũng Cú về Đồng Văn. Có thể đảo chiều thăm Lũng Cú trước, Sà Phìn - dinh vua Mèo sau.
Ngày 3: Đồng Văn - đèo Mã Pí Lèng - Mèo Vạc - Yên Minh - Quản Bạ - Hà Giang: 160km
- 6h: Thăm quan chợ phiên Đồng Văn mới. Có thể thay đổi ghé thăm chợ phiên Mèo Vạc cách đó 20km (vượt đèo Mã Pì Lèng) hoang sơ và đậm nét văn hóa dân tộc hơn Đồng Văn.
Chú ý: Sắp xếp lịch đi sao cho ngày thứ hai hoặc ngày thứ ba của hành trình rơi vào ngày Chủ Nhật để đi chơi chợ phiên Đồng Văn, Mèo Vạc.
- 9h: Xuất phát lên đèo Mã Pí Lèng (dài 20km nối liền hai thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc). Tham quan và ngắm nhìn con đèo được mệnh danh đứng đầu "Tứ đại đỉnh đèo" phía Bắc.
- 12h: Ăn trưa tại thị trấn Mèo Vạc
- 14h: Cua chữ M: Trên đường từ Mèo Vạc về thị trấn Yên Minh sẽ đi qua khúc cua nổi tiếng hình chữ M. Dốc cua này thuộc địa phận xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn.
- 15h: Thị trấn Yên Minh
- 16h30: Thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ)
- 18h: Thành phố Hà Giang. Trả xe và nghỉ ngơi ăn uống trước khi lên xe khách về lại Hà Nội.
Ngủ nghỉ ăn uống:
- Nghỉ: Nhà nghỉ ở Đồng Văn rất nhiều. Nhưng du khách có thể ghé thăm và nghỉ lại homestay nhà đá cổ ở trong làng văn hóa Quyết Tiến (60k/ người). Làng này nằm bên hông Quán cafe Phố cổ nổi tiếng.
Ăn uống: Mấy hàng ăn ở cạnh Cafe phố cổ là ngon nhất và giá cả niêm yết công khai rõ ràng.
Lưu ý: Nếu không kịp đến Đồng Văn thì có thể ngủ ở thị trấn Yên Minh hoặc Phó Bảng.
Advertisement
Advertisement