Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản

Chứng khoán

26/12/2021 13:08

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã có chuỗi tăng nóng với rủi ro ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng. Trong khi đó, dòng tiền sẽ sớm có sự dịch chuyển sang những cổ phiếu cơ bản tăng trưởng tốt thuộc các nhóm ngân hàng, chứng khoán.

Sau 8 phiên tích lũy, thị trường có phiên bị bán mạnh ngày thứ Năm, nhưng ngay sau đó bật lại lấy hết điểm số đã mất trong phiên cuối tuần nhờ sự khởi sắc của nhóm ngân hàng. Điều này có tác động như thế nào đến xu hướng của thị trường trong tuần cuối cùng của năm 2021, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Thị trường thời gian qua có thể nói là phân hóa quá mạnh, và ngành nổi lên là xây dựng, bất động sản, chứng khoán nhưng trong đó cũng không phải là tất cả, chỉ một số cổ phiếu riêng lẻ tạo ra sức tăng tốt.

Thị trường không thực sự cho thấy sức mạnh nên chủ yếu đi ngang tại mốc 1.470 điểm ... và cuối cùng phiên giảm mạnh đã xuất hiện. Tuy nhiên, ngay sau đó là một phiên hồi phục mạnh được hậu thuẫn mạnh bởi cổ phiếu ngân hàng. Điều này có lẽ phần nào sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư tốt hơn nhưng tôi nghĩ chưa đủ để tạo ra xu hướng nào cả.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong hơn 1 tháng giao dịch sau khi vượt đỉnh 1.500 đến nay, thị trường chưa thể lấy lại động lực để có thể vượt qua đỉnh cũ. Có nhiều sóng lớn trong tháng qua ở nhóm bất động sản, xây dựng, bán lẻ, phân đạm… nhưng cũng chỉ ở một vài nhóm cổ phiếu đơn lẻ chứ không mang tính đồng thuận.

Sau một phiên co giật mạnh vào thứ 5 thì thị trường lại cần một điểm tựa mới để hồi phục và vì vậy nhóm ngân hàng là nơi dễ giúp kéo chỉ số nhất và cũng dễ hiểu là nhóm ngành đã điều chỉnh tương đối nhiều trong thời gian qua.

Tuần mới có thể sự hưng phấn sẽ không còn tiếp diễn mà chủ yếu thị trường sẽ còn nhiều phiên co giãn đan xen nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nhóm ngân hàng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc tạo xu hướng trong những phiên cuối năm chuẩn bị vào năm mới.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Điều này trước mắt cho thấy xu thế thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn rung lắc giằng co rất mạnh, về cơ bản vẫn chưa có sự thay đổi, tín hiệu đáng tin cậy nào về kênh xu hướng.

Trạng thái giằng co tích lũy trong biên độ 1.450 - 1.490 của VN-Index vẫn đang là xu thế chủ đạo. Nhiều khả năng sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành trong tuần giao dịch tới, tôi thiên về sự dịch chuyển từ các cổ phiếu nóng về các nhóm cổ phiếu thị trường như Ngân hàng, Chứng khoán, Dầu khí... theo hướng xen kẽ.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ sớm xác nhận xu hướng rõ ràng hơn trong những phiên giao dịch và tôi nghiêng về kịch bản tích cực khi rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã có chiều hướng giảm dần. Đồng thời, tình trạng phân hóa có thể sẽ không còn diễn ra như thời gian qua.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi đồng ý rằng, chỉ số đã hồi phục rất tích cực vào phiên cuối tuần với động lực chính từ nhóm ngân hàng, nhờ đó thị trường đã trở lại với kênh tăng giá trong cả 3 khung thời gian là ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trước mắt, tôi vẫn duy trì quan điểm VN-Index sẽ tiếp tục hướng dần lên mốc 1.500 điểm khi bước vào năm 2022, đặc biệt khi thị trường vẫn còn nhiều thông tin hỗ trợ ở phía trước như kỳ vọng từ gói hỗ trợ kinh tế của Chính Phủ hay mùa cao điểm kết quả kinh doanh quý IV đang tới gần.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý những biến động mạnh của thị trường có thể sẽ diễn ra, đặc biệt tại nhóm trụ cột do thời điểm 31/12/2021 đã cận kề và thường luôn có những “tin đồn” về các hoạt động giao dịch của các quỹ đầu tư trong giai đoạn này.

Như đã đề cập ở trên, nhóm ngân hàng đã có phiên bật rất mạnh cuối tuần. Liệu đà tăng này có được duy trì trong tuần tới, hay lại nhanh chóng hạ nhiệt như thời gian vừa qua. Với nhóm này, ông/bà có gợi ý cổ phiếu cụ thể nào không?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản ảnh 1
Ông Nguyễn Hữu Bình

Thị trường bật mạnh đến từ 2 yếu tố là sự hồi phục của nhiều cổ phiếu sau phiên giảm mạnh. Nhóm ngân hàng có hiệu ứng tốt, có lẽ đến từ kỳ vọng nới room nhưng tôi cho rằng điều đó chưa sớm xảy ra. Vì thế tôi nghĩ, thị trường sẽ thử thách lại lực cầu và nếu như lực mua yếu đi thì áp lực bán sẽ xuất hiện.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngân hàng đang tạo một nền giá khá tốt sau giai đoạn đi ngang trong 6 tháng vừa qua. Tuy nhiên để có thể tạo đợt sóng mới thì cổ phiếu ngân hàng cần nhiều thông tin hỗ trợ đặc biệt là những tín hiệu lạc quan về kinh tế năm 2022 sáng sủa hơn.

Việc đại dịch chưa hoàn toàn kết thúc và còn nhiều mối lo ngại chủng mới hoành hành có thể tạo tâm lý bất an cho nhà đầu tư trong ngắn hạn và ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng xu hướng thị trường và dòng tiền đầu tư. Dù sao thì nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá khá tốt để có thể tích lũy ngay từ thời điểm hiện tại như một số trường hợp OCB, MBB, TCB, CTG, VPB…

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Diễn biến phiên cuối tuần của nhóm Ngân hàng khiến cho nhà đầu tư khá phấn khích sau một thời gian dài chờ đợi. Tuy nhiên chúng ta cần phải theo dõi thêm bởi đây hoàn toàn có thể chỉ là nhịp hồi phục thông thường (mang tính dồn nén) sau sự điều chỉnh kéo dài trước đó.

Diễn biến tương tự gần đây với nhóm Dầu khí hay nhóm Thép cũng nên được tham khảo (cũng có phiên hồi phục rất mạnh nhưng đã không duy trì được đà tăng quá 2 phiên).

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch mức E/P trung bình là 7.81% cho thấy mức định giá hiện tại đang trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì ở mức giảm và đồ thị giá của chỉ số nhóm ngân hàng tiến sát mức kháng cự ngắn hạn cho nên nếu nhóm ngân hàng duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ được xác nhận.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi cho là nhóm ngân hàng sẽ duy trì được trạng thái tích cực trong tuần tới. Đầu tiên, đây là nhóm cổ phiếu được nắm giữ với tỷ trọng khá lớn bởi các nhà đầu tư tổ chức và quỹ ngoại, do đó cuối năm sẽ là thời điểm phù hợp để họ cơ cấu lại danh mục trước khi bước vào năm 2022.

Mặc dù trong quý IV này, mức lợi nhuận của các ngân hàng khả năng sẽ không tăng trưởng vượt bậc như giai đoạn đầu năm nay, tôi đánh giá đây vẫn là một trong những nhóm ngành có mức lợi nhuận ấn tượng so với năm 2020 và hiện vẫn đang ở mặt bằng định giá khá hấp dẫn.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu này cũng có nhiều câu chuyện khác để kỳ vọng trong thời gian tới như: các thông tin, chính sách hỗ trợ liên quan đến việc nới room ngoại, chia cổ tức, tăng vốn, đẩy mạnh tín dụng tạo tiền đề tăng trưởng cho 2022…

Cũng liên quan đến chuyển động của dòng tiền, nhóm cổ phiếu thép đang nhận được sự quan tâm nhất định của thị trường, bên cạnh nhóm ngân hàng. Có ý kiến cho rằng nhóm thép vừa qua giai đoạn đáy. Còn quan điểm của ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Ngành thép đã nhận được sự thuận lợi đến khá bất ngờ trong năm 2021 này nên rất nhiều doanh nghiệp đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, cá nhân tôi cho rằng, các doanh nghiệp ngành này vẫn được hưởng lợi từ tăng giá trước đó nhưng mức độ đã giảm đi.

Tôi cho rằng, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022, theo đó không nhiều doanh nghiệp có thể duy trì mức lợi nhuận tốt. Chỉ một vài doanh nghiệp tận dụng được sức mạnh công nghệ, sức mạnh tài chính và làm chủ được nguồn nguyên liệu sẽ duy trì được điều này. Chính điều này giá các cổ phiếu cũng có mức điều chỉnh so với đỉnh khá khác nhau. Trong khi HPG giảm khoảng 21%, NKG (-33%); HSG (-30%)...

Thế giới biến đổi liên tục, nhiều mặt hàng tăng giảm với biên độ lớn nên có thể còn nhiều điều khó lường phía trước mà chúng ta không dự báo được. Đặc biệt là tại Trung Quốc khi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn cộng với chính sách hạn chế sử dụng than với môi trường và cắt giảm sản lượng thép trong tương lai.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Cổ phiếu thép sau giai đoạn thăng hoa nhờ thiên thời địa lợi của năm 2021 đã điều chỉnh tương đối mạnh trong khoảng 3 tháng cuối năm. Mức điều chỉnh khoảng 20% thật ra không quá lớn so với mức vượt giá lên tới hơn 100% của nhiều cổ phiếu.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản ảnh 2
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ngành thép trong năm 2022 sẽ không còn nhiều thuận lợi như năm cũ vì vậy lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sẽ không còn đột biến như năm cũ. Nhưng nhờ những thành công vượt trội trong năm qua mà nhiều doanh nghiệp thép đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có thể đầu tư những nhà máy sản xuất mới. Đây là cơ hội của nhiều doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh, gia tăng sản xuất và thị phần.

Về giá cổ phiếu thì hiện tại, nhiều cổ phiếu đã ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư trở lại như những doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành như HPG, HSG, NKG đều có nhiều tiềm năng mở rộng năng lực sản xuất trong các năm tiếp sau.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Nhóm thép hiện đang phải trải qua nền tảng không mấy tích cực về triển vọng kinh doanh (giá thép bước vào chu kỳ liên tục giảm), nên tôi cho rằng chưa thể khẳng định đây đã là đáy. Điều này phụ thuộc nhiều vào chu kỳ biến động của giá thép.

Ngoài ra, điều quan trọng là xu thế thị trường. Nếu giai đoạn tích lũy đi ngang vẫn còn kéo dài, VN-Index chưa thể vượt qua vùng cản 1.500 điểm (kèm thanh khoản cải thiện), sự hồi phục tăng trở lại của nhóm thép (nếu có) cũng sẽ khó kéo dài.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhóm cổ phiếu ngành thép đã có mức chiết khấu hơn 20% so với mức đỉnh trong tháng 10/2021 do nhóm này bị ảnh hưởng từ mảng xuất khẩu sang Trung Quốc và tình hình sản xuất bị gián đoạn.

Đồng thời, mức E/P của nhóm thép đang giao dịch ở mức 15,65% cho thấy mức định giá của nhóm thép đang rất hấp dẫn vì nhóm cổ phiếu này dự báo sẽ duy trì tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu thép xuất khẩu và nội địa vẫn ở mức cao. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn của nhóm thép đang có chiều hướng giảm dần.

Do đó, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu thép đang trong giai đoạn tạo vùng đáy ngắn hạn và các nhà đầu tư nên hạn chế bán ra nhóm cổ phiếu thép ở giai đoạn hiện tại.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Thị trường quặng sắt tại châu Á đã có những dấu hiệu phục hồi trở lại khi chính phủ Trung Quốc khuyến khích các ngân hàng nước này tài trợ cho việc mua lại các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính và tái khởi động các dự án dang dở. Đơn cử như giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng hơn 30% kể từ thời điểm cuối tháng 11.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản ảnh 3
Ông Nguyễn Anh Khoa

Tôi cho rằng, đây là lý do hỗ trợ tâm lý giúp các cổ phiếu thép tại Việt Nam nhận được sự chú ý của dòng tiền trong một vài phiên vừa qua.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, quá trình đi lên của nhóm cổ phiếu này sẽ gặp nhiều khó khăn do phải hấp thụ một lượng cung cổ phiếu lớn từ các nhà đầu tư “kẹt hàng” trong giai đoạn trước. Ngoài ra, nguy cơ giá quặng quay đầu giảm vẫn luôn hiện hữu trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc.

Tôi đánh giá những lý do này sẽ khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thép Việt Nam khó có thể bật tăng nhanh trong thời gian tới, tuy nhiên do triển vọng toàn ngành vẫn khá tích cực trong dài hạn, nhà đầu tư có thể cân nhắc thời điểm này để bắt đầu giải ngân tỷ trọng nhỏ và chờ đợi những diễn biến tích cực hơn trên thị trường thép quốc tế.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản sau giai đoạn tăng mạnh, nhiều mã bị chốt lời mạnh, dù quý 4/2021 được xem là “điểm rơi” lợi nhuận đối với nhóm bất động sản. Ông/ bà có góc nhìn như thế nào đối với nhóm cổ phiếu này?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Có thể nói nhóm cổ phiếu bất động sản đã có thời gian tăng giá khá dài cũng như mức tăng giá. Nhiều cổ phiếu đã vài lần, thậm chí đến 4, 5 lần trong thời gian ngắn. Có thời điểm bất cứ Công ty nào có liên quan đến bất động sản là tăng giá. Và chính nhóm cổ phiếu này là động lực lớn giúp thị trường chạm đến mốc đỉnh 1.500 điểm.

Nhà đầu tư tin vào đà tăng của giá bất động sản và chính điều này là điểm tựa để giá cổ phiếu tăng mạnh, đặc biệt sau cuộc đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm vừa qua.

Tuy nhiên, với cá nhân tôi ở mức giá này không thực sự hấp dẫn. Khi mà tài chính của nhiều doanh nghiệp này chưa cải thiện, dòng tiền kinh doanh chủ yếu âm, các doanh nghiệp này lại đang gia tăng huy động tiền lớn từ Trái phiếu với lãi suất không hề nhỏ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận lớn nhưng lại đến từ chuyển nhượng dự án mà ở đó có khá nhiều câu hỏi chưa thực sự thỏa đáng. Đây rồi cũng sẽ là những vấn đề mà tôi nghĩ nhiều người sẽ phải xem xét và đánh giá khi mùa báo cáo đang đến.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sau cơn sốt đấu giá đất tại Thủ Thiêm thì nhà đầu tư hướng sự chú ý đến nhiều doanh nghiệp đang có nhiều quỹ đất lớn. Ở thời điểm hiện tại thật khó để định giá quỹ đất mà các doanh nghiệp đang sở hữu vì vậy giá cổ phiếu nhiều cổ phiếu đang ở mức cao khó tin dù kết quả lợi nhuận chung của doanh nghiệp bất động sản năm nay cũng không quá đột biến.

Tôi nghĩ, cơn sóng cổ phiếu bất động sản sẽ sớm hạ nhiệt và nhiều cổ phiếu sẽ trở lại vùng giá thật sau kết quả kinh doanh năm kết thúc.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Trong bối cảnh thị trường chung đang tích lũy, dòng tiền ngắn hạn đã chảy mạnh vào các cổ phiếu nóng (đặc biệt nhóm bất động sản), diễn biến thời gian qua thậm chí mang tính chất đánh bạc đầy rủi ro. Tôi cho rằng, các cổ phiếu này sẽ cần phải trải qua một giai đoạn để thiết lập lại sự cân bằng cần thiết (điều chỉnh về mặt bằng giá phù hợp hơn).

Diễn biến co giật mạnh của nhóm này tuần tới nhiều khả năng vẫn rất cao, nhưng mức độ rủi ro hiện tại đang cao hơn nhiều so với lợi nhuận kỳ vọng. Do vậy, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế tham gia ở thời điểm hiện tại.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản ảnh 4
Ông Dương Hoàng Linh

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có mức tăng trưởng hơn 36% so với mức đóng cửa năm 2020. Tuy nhiên, xung lực biến động của nhóm cổ phiếu này đang suy yếu cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn có dấu hiệu chững lại và rủi ro ngắn hạn tăng dần. Do đó, tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu ở nhóm này và có thể hiện thực hóa lợi nhuận một phần tỷ trọng nhóm cổ phiếu bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Quan sát giai đoạn vừa rồi đã có nhiều cổ phiếu ngành bất động sản có mức tăng giá chạy trước lợi nhuận, tôi cho rằng, hiện tượng này chủ yếu là việc thị trường đang phản ánh dần những kỳ vọng vào giá trị quỹ đất hoặc triển vọng triển khai dự án các năm tới.

Lật lại thực tế thì đợt bùng phát dịch Covid-19 trong quý III vừa qua đã khiến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng khá nặng nề do phải hoãn tiến độ dự án, từ đó tạo ra sức ép tâm lý lên giá cổ phiếu trên thị trường.

Trước mắt, tôi cho rằng, áp lực điều chỉnh có thể duy trì trong một vài phiên đầu tuần tới do quán tính của lực cung vẫn tương đối mạnh. Tuy nhiên nếu nhìn dài hơn, tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng tăng giá của các cổ phiếu ngành bất động sản do: (1) mặt bằng giá bất động sản toàn quốc vẫn đang neo ở mức rất cao và (2) nhóm ngành này sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Báo cáo triển vọng TTCK 2022, một số CTCK nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn còn nhiều dư địa. Trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ có thể trầm lắng hơn. Với cách nhìn này, đâu là chiến lược phù hợp theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Nói chung thật khó nhận định về điều này, đặc biệt với những cổ phiếu được gọi là đầu cơ. Bởi những cổ phiếu này về cơ bản không có gì nổi bật nhưng lại có vẻ đẹp riêng. Sức hấp dẫn của nó là giá cổ phiếu tăng nhanh, mạnh và có thể tạo ra biên lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Điều đó minh chứng trong nhiều năm, năm nào sóng cổ phiếu kiểu này cũng đều có cả.

Tuy nhiên, sang năm 2022, sự khác biệt lớn hơn là những cổ phiếu rẻ vài nghìn đồng không còn. Mức giá hiện tại là không còn rẻ và rủi ro trong ngắn hạn là hiện hữu. Với những cổ phiếu này có lẽ cần có những câu chuyện riêng mới có thể tạo sóng.

Còn với những cổ phiếu cơ bản, chúng ta đều thấy khá rõ là trong nhiều tháng qua những cổ phiếu kiểu này không hề tăng giá, thậm chí điều chỉnh tương đối mạnh. Dòng tiền đã dịch chuyển sang những cổ phiếu khác, nhiều cổ phiếu nóng. Về điều này tôi có niềm tin rằng sự chuyển dịch ngược lại sẽ sớm diễn ra.

Theo đó, những cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản có cơ hội. Tôi xin nhấn mạnh lại là sẽ không đồng thuận hết mà nó vẫn có phân hóa như nhóm ngành Thép tôi phân tích ở trên.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi nền kinh tế hồi phục thì cơ hội sẽ đến ở rất nhiều ngành nghề ngay cả những ngành đang ở vùng đáy của năm qua như du lịch. Nhiều ngành đang trong quá trình hồi phục cũng kỳ vọng tăng trưởng trong năm sau thủy sản, dệt may, bảo hiểm, bán lẻ cũng là những ngành hẹp cần lưu ý.

Với những nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, xây dựng, khu công nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng ổn định và đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chính của thị trường trong năm tới. Nhà đầu tư có thể chờ đợi xu hướng kinh tế trong năm mới từ đó lựa chọn những cổ phiếu có khả năng hồi phục và tăng trưởng mạnh sau đại dịch.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Dòng tiền đầu cơ thường rất khó để dự đoán và có nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường trong ngắn hạn, tuy nhiên với nền tảng cơ bản đang tăng trưởng tốt như ngành Ngân hàng, Chứng khoán thì sẽ phù hợp cho việc nắm giữ trung hạn. Tuy nhiên đây là trong kịch bản thị trường chung vẫn duy trì được xu hướng tích cực và không có những biến động quá lớn từ TTCK thế giới cũng như dịch bệnh.

Còn với nhóm Bất động sản, như đã nói, tôi cho rằng mặt bằng giá hiện tại của nhóm này là đã vượt quá giá trị thực tế.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản ảnh 5
Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng các nhà đầu tư nên hạn chế đầu cơ giai đoạn này khi nhóm này đã có chuỗi tăng nóng với rủi ro ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng dần. Đồng thời, dự báo lạm phát và lãi suất sẽ gia tăng trong năm 2022 cho nên các nhà đầu tư nên chú ý vào các nhóm cổ phiếu có mức định giá và đòn bẩy thấp để tránh các biến động lãi suất trong năm 2022.

Ở mặt tích cực, lạm phát gia tăng cũng phản ánh vào đà hồi phục của nền kinh tế cho nên các nhóm ngành có nền tảng cơ bản tốt và tăng trưởng ổn định sẽ là sự lựa chọn phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Về xu hướng dòng tiền, tôi đánh giá hiện tượng điều chỉnh có thể tiếp tục diễn ra tại nhóm cổ phiếu đầu cơ khi bước vào năm 2022 do giai đoạn trước nhóm này đã có nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trong thời gian khá ngắn.

Dòng tiền sau khi thoát vị thế khỏi nhóm này khả năng sẽ tìm về với các Bluechips do đây là nhóm doanh nghiệp đầu ngành, có thị phần lớn và triển vọng lợi nhuận rõ ràng trên thị trường.

Về chỉ số, tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục hướng tới các đỉnh cao mới trong năm 2022 do: (1) môi trường lạm phát và mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức hỗ trợ cho các kênh đầu tư như chứng khoán tăng giá; (2) định giá thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức khá rẻ (khoảng 17,4 lần) so với các thị trường khác trong khu vực.

Do đó, chiến lược tôi đưa ra là tập trung danh mục vào những nhóm cổ phiếu thuộc các chủ đề đầu tư lớn đáng quan tâm trong năm tới như:

- Chủ đề đầu tư công: đây là hoạt động rất cấp thiết trong năm 2022 do đây có tính lan toả tới nhiều ngành nghề và là nhân tố chủ chốt trong việc khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch. 2 nhóm ngành trọng điểm trong chủ đề này có thể kể tới như bất động sản và xây dựng (đặc biệt là nhóm xây dựng hạ tầng).

- Chủ đề mở cửa lại nền kinh tế: tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam đã đạt đến mức tương đối cao và sẽ là điều kiện quan trọng để triển khai việc bình thường mới. Một số nhóm ngành đáng quan tâm trong chủ đề này như: khu công nghiệp (sự gia tăng của dòng vốn FDI), thuỷ sản và dệt may (hưởng lợi khi cước vận tải biển đang hạ nhiệt) và cảng biển.

- Nhóm Ngân hàng: đây là nhóm trọng điểm của nền kinh tế và sẽ là sẽ có nhiều tiềm năng trong năm 2022 nhờ các kỳ vọng từ việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khi dịch bệnh được kiểm soát, các kế hoạch trả cổ tức, tăng vốn đang triển khai.

HOÀNG ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement