Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cần biết điểm dừng

Chứng khoán

04/08/2019 14:50

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đem lại lợi thế cho một số ngành, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, nhà đầu tư hãy xét tới yếu tố nội tại và tính bền vững trong tăng trưởng của từng doanh nghiệp để biết điểm dừng và không chịu rủi ro lớn từ các đợt bong bóng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên điều chỉnh cuối tuần, đồng nhịp với các thị trường chứng khoán quốc tế do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Diễn biến của TTCK trong nước trong tuần tới có chịu sự chi phối bởi thị trường thế giới không, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Nếu tính tới thời điểm trước khi có động thái giảm lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng phát biểu gây thất vọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell và tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 10% từ đầu đầu tháng 9 tới lên 300 tỷ USD hàng hóa nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, thì chứng khoán Mỹ đã có chuỗi ngày thăng hoa khi chỉ số Dow Jones vượt đỉnh mọi thời đại và thị trường chứng khoán Việt Nam đã có diễn biến tăng tốt trong cả tháng 7 khi quay trở lại mốc 1.000 điểm.

Nhà đầu tư thế giới đã thất vọng, giới chuyên gia tài chính có lẽ coi phát ngôn của Chủ tịch Fed như là tín hiệu cảnh báo sớm cho động thái giảm lãi suất từng đợt, chương trình thúc đẩy định lượng kiểu từng đợt giảm nhẹ chỉ nên áp dụng vào giai đoạn kinh tế Mỹ cần có sự hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã mạnh hơn với những chính sách bảo hộ quyết liệt.

khanh_vikf

Ông Lê Đức Khánh

Rõ ràng, những quyết sách khó lường dưới thời Tổng thống Trump khiến kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh hơn theo cả 2 chiều. Không chỉ các chỉ số chứng khoán quan trọng, mà giá cả các hàng hóa, đặc biệt là giá dầu thô thế giới.

Những tác động tiêu cực từ rủi ro về điều chỉnh chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương sắp tới, giá dầu biến động mạnh, TTCK toàn cầu có thể điều chỉnh bởi kinh tế giảm nhiệt. Nhưng kinh tế Việt nam, TTCK Việt Nam vẫn đang là điểm sách của khu vực.

Tăng trưởng FDI tăng mạnh trong tháng 2 và tháng 5 chưa kể các khu vực kinh tế tư nhân đang có những hoạt động mạnh, đầu tư nước ngoài, sự tham gia của các quỹ đầu tư mới quỹ đầu tư hoán đổi danh mục, các quỹ phòng hộ thế giới đã bắt đầu tham gia vào TTCK.

Như vậy, tuần vừa qua cho dù thị trường có những phiên điều chỉnh mạnh, nhưng lực cầu mua lên lại khá tốt, thanh khoản lại tăng chạm mốc 5.000 tỷ đồng/phiên đã cho thấy dòng tiền tham gia trên TTCK Việt Nam là không tệ so với những gì chúng ta nghe và đọc tin tức quốc tế.

Nếu tuần vừa qua là tuần điều chỉnh tích lũy của thị trường quanh khu vực 990 - 995 điểm thì tuần tới nhiều khả năng thị trường sẽ vẫn bám quanh giải 990 - 995 điểm, cơ hội để VN-Index quay trở lại mốc 1.000 điểm vẫn có trong tuần tới.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Tôi nghĩ nhà đầu tư nên hạn chế việc quá phụ thuộc vào điểm số của thị trường mà nên dành thời gian quan tâm nhiều hơn tới giá trị nội tại của doanh nghiệp và tập trung vào các cơ hội mà mình thật sự có niềm tin cũng như hiểu rõ doanh nghiệp-Ông Nguyễn Trung Du

Hiện tại, thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu bất ổn trở lại với các thị trường chứng khoán giảm sâu, đồng USD mạnh trở lại và trên thị trường Việt Nam, dòng vốn ngoại có dấu hiệu đảo chiều.

Đây là những áp lực khá lớn cho tâm lý thị trường bởi các chỉ số đang gần vùng kháng cự trong khi dòng tiền chưa đủ mạnh để thị trường bứt phá. Do đó, tôi cho rằng, áp lực cho các chỉ số trong tuần tới sẽ khá lớn nhưng ở khía cạnh tích cực thì dòng tiền vẫn được duy trì và vận động tốt nên vẫn có nhiều cơ hội để kiếm lợi nhuận lúc này.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tôi nghĩ là có. Thực tế, từ đỉnh của VN-Index hồi giữa tháng 3 đến nay, chỉ số này hầu hết là phản ứng với diễn biến quốc tế. Đầu tháng 8 này, diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại nóng lên và tôi nghĩ sẽ còn nhiều thông tin cứng rắn tiếp tục được tung ra, tác động bất lợi lên tâm lý nhà đầu tư.

Ngưỡng 1.000 điểm vẫn luôn tỏ ra là ngưỡng cản tâm lý mạnh trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã nhiều lần cố gắng chinh phục nhưng đều thất bại. Áp lực điều chỉnh của thị trường trong tháng 8 cũng lớn dần do đây là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về diễn biến của thị trường trong tháng 8?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Nhóm cổ phiếu lớn ngành ngân hàng (VCB, BID), nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM, VRE) hay các cổ phiếu cao su, hóa chất, dệt may, bất động sản đang có diễn biến khá tốt.

Quan điểm cá nhân cũng đồng ý về mốc 1.000 điểm là ngưỡng cản tâm lý mạnh và thị trường cần nhiều thời gian để điều chỉnh quanh mốc này trước khi vượt qua. Có lẽ 1 - 2 tuần đầu tiên của tháng 8, thị trường có thể tích lũy điều chỉnh và cũng là dịp các nhà đầu tư đợi chờ các thông tin tích cực hơn. Nhìn xa hơn, tôi vẫn nghĩ VN-Index sẽ vượt mốc 1.000 ngay trong tháng 8.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Tôi cho rằng các biến số ảnh hưởng tới thị trường đang trở lên khó lường hơn đặc biệt là diễn biến đến từ thị trường tài chính quốc tế. Trong khi đó, các điều kiện vĩ mô của Việt nam hiện khá thuận lợi để thị trường tiếp tục tăng giá.

Do đó, trong trường hợp tiêu cực thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu tháng 8 và sau đó hồi phục trở lại tiếp tục đà tăng giá. Hơn nữa, như trao đổi trong các lần nhận định trước tôi cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào các cơ hội cụ thể bởi nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt và giá cổ phiếu cũng tăng tương xứng bất chấp các rủi ro của chỉ số.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

ảnh 2

Ông Hoàng Thạch Lân

Trong tháng 7, VN-Index đang được đỡ bởi vài largecap và có lẽ tháng 8 vẫn vậy. Thống kê gần đây cho thấy, nếu đánh vài largecap trên, cơ hội thắng cao hơn so với đánh midcap hay smallcap. Tuy nhiên, 2 yếu tố (1) cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, (2) tháng Ngâu, sẽ tác động lớn lên tâm lý của nhà đầu tư, tôi nghĩ vậy.

Dòng tiền đang chuyển hướng vào nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp như NTC, D2D, SIP, SZL IDV…, hay nhóm dệt may như TCM, STK, MSH…với kỳ vọng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Nhóm cổ phiếu này còn nhiều cơ hội tăng không, theo các ông bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Không phải không có cơ sở khi dòng tiền nóng đón đầu mua lên các nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, dệt may... Dòng vốn FDI, FII tăng mạnh 6 tháng đầu năm, tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, chuyển dịch các nhà máy sản xuất từ các nước vào Việt Nam cũng có tăng lên hay các hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA đang hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thủy sản, cảng biển.

Hãy tự mình ra quyết định đầu tư hoặc đầu cơ, hạn chế mua đuổi cổ phiếu không am hiểu hoặc lạm dụng đòn bẩy tài chính là những giải pháp hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường nhiều bất động khó lường như hiện nay-Ông Lê Đức Khánh

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dưới góc độ nào đó cũng khiến chúng ta có những cơ hội mới. Qua số liệu thống kê kết quả kinh doanh từ Fiinpro cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, dệt may (TCM, TNG, STK, MSH) đều có tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận tốt. Cơ hội đối với các cổ phiếu này vẫn còn trong giai đoạn cuối năm 2019.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Theo góc nhìn của cá nhân tôi, các biến cố của chiến tranh thương mại hiện tại chỉ mang tính nhất thời, trong khi các doanh nghiệp cần phát triển trên một nền tảng ổn định dài hạn.

Những yếu tố hưởng lợi trong ngắn hạn tạo ra một vài năm tăng trưởng đột biến và giá cũng thường tăng mạnh theo diễn biến này. Khi chúng ta dùng kết quả của doanh nhiệp ở năm tốt nhất để định giá cho triển vọng tương tự nhiều năm sau hoàn toàn có rủi ro tạo ra bong bóng giá.

ảnh 3

Ông Nguyễn Trung Du

Nhìn lại trong quá khứ, thị trường Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đã từng tăng trưởng mạnh nhờ những hiệu ứng hưởng lợi nhất thời và tạo ra bong bóng giá như ngành ô tô; ngành dầu khí; ngành cảng biển và vận tải biển...

Do đó, tôi cho rằng, tâm lý đầu cơ ngắn hạn có thể tiếp tục thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên tiếp, nhưng hãy xét tới yếu tố nội tại và tính bền vững trong tăng trưởng của từng doanh nghiệp để biết điểm dừng và không chịu rủi ro thiệt hại lớn từ các đợt bong bóng.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, tôi nghĩ, giá đã lên tới gần đỉnh. Nhà đầu tư nên chú ý rằng, nhiều mã này đã tăng từ đầu năm, chứ không phải giờ mới tăng, tất nhiên là cùng 1 lý do, đó là giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp sẽ tăng khi nhu cầu thuê đất xây nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài tăng lên.

Đầu tháng 8 này, diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại nóng lên và tôi nghĩ sẽ còn nhiều thông tin cứng rắn tiếp tục được tung ra, tác động bất lợi lên tâm lý nhà đầu tư-Ông Hoàng Thạch Lân

Theo tôi được biết, giá cho thuê đã thực sự tăng ở nhiều khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã xuất hiện yếu tố bất lợi cho nhóm này, ví dụ như Mỹ có thể đang “soi” Việt Nam do nghi ngại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch nhà máy từ nước họ qua đây nhằm né thuế. Nếu Mỹ áp dụng các chính sách tăng thuế đối với cả Việt Nam, thì rõ ràng nhu cầu thuê sẽ chững lại, thậm chí giảm.

Đối với nhóm dệt may, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có lẽ cũng chỉ là một trong các động lực tăng trưởng, tương tự như các động lực từ CPTPP hay EVFTA.

Về dài hạn là ổn định, nhưng ngắn hạn thì chưa, vì doanh nghiệp vẫn thiếu một số điều kiện nhất định về năng lực sản xuất - kinh doanh. Do đó, nhóm dệt may cũng là nhóm có nhiều mã kinh doanh tốt, nhưng P/E thấp, phản ánh kỳ vọng ngắn hạn không cao. Nhà đầu tư vào nhóm này nên kiên nhẫn chờ đợi thêm.

Dù vậy, giai đoạn này có thể tạo cảm giác “khó chịu” cho cả bên mua khi đứng trước sự lưỡng lự. Vậy nhà đầu tư nên chọn chiến lược nào để hạn chế rủi ro?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Chiến lược chủ đạo mà tôi thường khuyến nghị khách hành đó là tuân thủ chặt chẽ chiến lược đầu tư giá trị.

Chiến lược bottom up chỉ chọn lựa những cổ phiếu đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng doanh nghiệp, chất lượng tài sản, chất lượng quản lý, quản trị điều hành, xu hướng triển vọng của doanh thu/lợi nhuận và đặc biệt là chính sách trả cổ tức.

Tất nhiên, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và dành nhiều thời gian bám sát thị trường thì chiến lược trading ngắn hạn cũng đang mở ra rất nhiều.

Hãy tự mình ra quyết định đầu tư hoặc đầu cơ, hạn chế mua đuổi cổ phiếu không am hiểu hoặc lạm dụng đòn bẩy tài chính là những giải pháp hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường nhiều bất động khó lường như hiện nay.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Cá nhân tôi thường sử dụng việc phân bổ tỷ trọng cổ phiếu/tổng tài sản đầu tư mà mình có để đối phó với các tình huống của thị trường. Chẳng hạn, khi thị trường thuận lợi thì tỷ trọng cổ phiếu có thể ở mức cao để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, khi thị trường khó phán đoán tỷ trọng cổ phiếu nên ở mức trung bình để vẫn tận dụng được cơ hội và vẫn phòng tránh được rủi ro cũng như có dòng tiền tận dụng cơ hội khi nó đến.

Trong trường hợp thị trường quá rủi ro thì tỷ trọng cổ phiếu nên ở mức càng thấp càng tốt để giảm thiểu tối đa các thiệt hại và có nguồn vốn cho các cơ hội tương lai. Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trở lên chuyên nghiệp hơn với nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá tốt trong các năm qua bất chấp việc chỉ số đi lên hay đi xuống.

Do đó, tôi nghĩ nhà đầu tư nên hạn chế việc quá phụ thuộc vào điểm số của thị trường mà nên dành thời gian quan tâm nhiều hơn tới giá trị nội tại của doanh nghiệp và tập trung vào các cơ hội mà mình thật sự có niềm tin cũng như hiểu rõ doanh nghiệp.

Đây cũng là cách mà cá nhân tôi áp dụng cho chính cá nhân mình hay cho những khách hàng mà tôi tư vấn trong nhiều năm qua và điều này đem lại sự tĩnh tâm cho bản thân cũng như hiệu quả khá tốt.

HẢI VÂN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement