06/11/2020 14:59
Giữa lùm xùm bầu cử, dịch COVID-19 ở Mỹ lây lan chóng mặt
Suốt 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận ba ngày có số ca nhiễm mới hơn 100.000, trung bình 850 người chết mỗi ngày, tăng so với 700 người một tháng trước.
Nước Mỹ đang trải qua thời gian căng thẳng với các cuộc biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày bầu cử tổng thống trong khi tình hình dịch COVID-19 ở loạt bang có nguy cơ khó kiểm soát hơn.
Thống kê cho thấy có tới 17 trong số 50 bang tại Mỹ đồng loạt ghi nhận số ca mắc mới trong ngày kỷ lục. Làn sóng dịch bệnh đang lây lan nhanh khắp cả nước, song các bang Trung Tây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề dựa trên số ca mắc mới tính trên mỗi đầu người, theo TTXVN.
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Houston, bang Texas, Mỹ ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, trong ngày 5/11, bang Illinois đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới và cùng với bang Texas, hai bang này đang đứng đầu nước Mỹ về số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trong vòng 7 ngày trở lại đây. Một số bang Trung Tây khác cũng trong tình trạng tương tự như Indiana, Iowa, Michigan, Minnesota, Missouri, North Dakota, Ohio và Wisconsin. Tương tự các bang Arkansas, Maine, Kentucky, New Hampshire, Oklahoma, Rhode Island, Utah và West Virginia cũng trong danh sách này.
Hiện bang Texas đứng đầu nước Mỹ với 997.916 bệnh nhân COVID-19, cao hơn cả bang California với 958.878 bệnh nhân. Tiếp theo là bang Florida với 827.380 bệnh nhân và bang New York là 555.710 bệnh nhân.
Trước tình hình này, một số bang và thành phố đã ban hành một số biện pháp mới như lệnh giới nghiêm, thu hẹp quy mô sự kiện tập trung. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ biện pháp nào ở cấp liên bang để chặn đứng làn sóng lây nhiễm này.
Cùng ngày, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố này không bị cuốn vào làn sóng COVID-19 thứ hai do tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày qua ghi nhận mức 1,81%. Theo ông, tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại New York dao động ở mức 1,5%-2% trong trung bình 7 ngày qua và đây không phải sự thay đổi lớn.
Thị trưởng de Blasio cho biết trong trường hợp cùng một lúc xảy ra tình trạng lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nhập viện mỗi ngày, tỷ lệ dương tính với COVID-19 cao, và tỷ lệ mắc mới trong trung bình 7 ngày tăng lên 3% - 4%, thì lúc đó New York mới thực sự đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện cũng tăng, lên tới hơn 52.500 ca trong ngày 5/11, đánh dấu ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhập viện vượt mức 50.000 ca và gần chạm tới mốc kỷ lục 58.370 trường hợp từng ghi nhận hồi tháng 7 vừa qua.
Y tá của Sở y tế hạt Salt Lake, bang Utah, mặc đồ bảo hộ khi tiến hành xét nghiệm nCoV hôm 3/11. Ảnh: AP. |
Giới chức y tế bang North Dakorta cho biết trên toàn bang này chỉ còn 8 giường trống trong khu điều trị tích cực. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện được xem là tham số chủ chốt vì thống kê này không bị ảnh hưởng số ca thực hiện xét nghiệm COVID-19. Số ca tử vong tại Mỹ cũng có xu hướng tăng cao hơn, với mức trung bình là 850 ca/ngày, cao hơn mức 700 ca/ngày của 1 tháng trước đó.
Trước tình trạng số ca mắc mới tăng chóng mặt, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch Mỹ (CDC) hối thúc triển khai ngay lập tức cách xét nghiệm mới nhằm phát hiện nhanh các ca mắc không triệu chứng COVID-19. Trong khi đó, Viện Đánh giá và thống kê y tế của Đại học Washington dự báo đến ngày 1/2/2021, tổng số ca tử vong tại Mỹ có thể lên tới 399.163 trường hợp.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 6/11, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do dịch COVID-19, lần lượt là 9.919.522 ca và 240.953 trường hợp. Thống kê của Đại học John Hopkins cho thấy trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số người mới nhiễm COVID-19 cao chưa từng thấy - 123.085 ca - và cũng là cao nhất thế giới, trong khi số ca tử vong là 1.226 trường hợp.
Số người chết do COVID-19 có xu hướng tăng. Mỹ ghi nhận trung bình 850 người chết mỗi ngày, tăng so với 700 người một tháng trước, theo VnExpress.
Những ngày gần đây, 6 bang đã báo cáo mức tử vong cao nhất trong một ngày vì COVID-19, bao gồm Arkansas, Idaho, Bắc Dakota, Nam Dakota, Tây Virginia và Wyoming.
Suốt 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận ba ngày có số ca nhiễm mới hơn 100.000, gây sức ép lên hệ thống bệnh viện ở một số bang và khiến nhiều gia đình phải nghĩ lại về kế hoạch tiệc tùng ngày Lễ Tạ ơn 26/11.
Đại dịch đã ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ, bao gồm một lượng lớn cử tri gửi phiếu bầu qua thư trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement