21/08/2017 03:38
Giữa 'đỉnh' ngành thép, cổ phiếu Hoa Sen vẫn chật vật
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (21/8), cổ phiếu HSG đang ở mức 28.650 đồng/CP, tăng mạnh so với thời điểm đầu tháng 8, chỉ ở mức 26.750 đồng/CP.
Thông tin giá thép thành phẩm sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới đang là yếu tố hỗ trợ lớn cho ngành sản xuất thép. Tuy nhiên, trong mặt bằng chung của cổ phiếu ngành thép, cổ phiếu Hoa Sen (Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, mã HSG) đã có quãng thời gian khá sóng gió khi cổ phiếu liên tục giảm, có lúc giảm sâu về 26.750 đồng/CP...
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 21.8, cổ phiếu HSG đang ở mức 28.650 đồng/CP, tăng mạnh so với thời điểm đầu tháng 8. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đánh giá cổ phiếu HSG trong hơn 2 tháng trở lại đây khá chật vật. Trong khi ở chiều ngược lại, những yếu tố hỗ trợ trong giai đoạn “đỉnh” của ngành thép đang tác động khá tích cực đến các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Thông tin tích cực, cổ phiếu vẫn giảm mạnh
Theo dõi sát quá trình tăng giảm của cổ phiếu HSG thời gian gần đây cho thấy, từ sau khi lập “đỉnh” 33.300 đồng/CP vào đầu tháng 6, cổ phiếu HSG bắt đầu chuỗi ngày giảm giá. Đỉnh điểm là đầu tháng 8 (phiên giao dịch 2.8), HSG chỉ còn 26.750 đồng/CP mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2016 - 2017 (thực chất là quý II.2017, do năm tài chính của Hoa sen Group bắt đầu từ 1.10 và kết thúc vào 30.9 năm sau) của Hoa Sen cho thấy, doanh thu của HSG đã tăng vọt 57,4% so với cùng kỳ, đạt 7.231 tỷ đồng. Đặc biệt, lũy kế 9 tháng, HSG đạt tổng doanh thu 19.210 tỷ đồng, tăng 49%; lợi nhuận trước thuế 1.386 tỷ đồng, tăng 1,1%; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.127 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, thông tin này sau đó chỉ hỗ trợ HSG có vài phiên tăng điểm cho HSG, sau đó lại tiếp tục giảm. Lý do là vì dù doanh thu khả quan nhưng hiệu quả kinh doanh lại giảm mạnh. Cụ thể, báo cáo tài chính quý II.2017 của Hoa Sen cho thấy, tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần tăng rất mạnh, từ 75,8% lên 84,9% đã khiến lợi nhuận gộp trong toàn quý chỉ đạt 1.091 tỷ đồng, thấp hơn 22 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016.
Đặc biệt, tình hình càng khó khăn hơn khi tất cả các chi phí của Hoa Sen tăng với tốc độ rất cao. Tính riêng trong quý II.2017, chi phí lãi vay của Hoa Sen lên đến 136 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ; chi phí bán hàng cũng tăng tới 51%, lên 425 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11,1%, lên 220 tỷ đồng. Kết quả này khiến lợi nhuận sau thuế quý II.2017 của Hoa Sen chỉ đạt 271 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Trong hơn 1 tuần trở lại đây, sau khi thông tin giá thép Trung Quốc vượt đỉnh đầu năm và giá thép thành phẩm sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới đang hỗ trợ HSG tăng điểm đáng kể, vượt về mức 28.750 đồng/CP. Dẫu vậy, nếu so với các doanh nghiệp khác cùng ngành thì có thể nói HSG đang khá... chật vật.
Cụ thể hơn về vấn đề này, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, thông tin tích cực với Hoa Sen trong thời điểm hiện tại là lượng hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6.2017 đạt trên 5.650 tỷ đồng. Trong đó, lượng tồn kho nguyên liệu chiếm đến 44% tổng hàng tồn kho và lượng tồn kho thành phẩm cũng đạt hơn 1.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, cái lo của HSG là việc lạm dụng đòn bẩy tài chính mạnh khiến tỷ lệ nợ vay của DN cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, tính đến hết ngày 30.6, nợ phải trả của HSG lên đến 12.449 tỷ đồng, tăng tới 52,2%, trong đó nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) đạt 10.828 tỷ đồng, tăng 87,2%.
Bất ổn... dòng tiền?
Thực tế, nếu chỉ căn cứ vào các khoản nợ vay, nợ phải trả... đến thời điểm cuối quý III niên độ 2016 - 2017, để đánh giá HSG bất ổn là không chính xác bởi bất cứ DN nào hoạt động mà không tránh khỏi vay mượn tiền, Hoa Sen cũng vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ của DN này mới thấy được khá nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, theo báo cáo này, từ 1.10.2016 - 30.6.2017, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoa Sen vẫn âm rất nặng, lên đến (-) 2.298 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Hoa Sen thậm chí còn âm nặng hơn, lên đến (-) 2.868 tỷ đồng. Theo giải thích của báo cáo dòng tiền này, số tiền chi ra nhiều là bởi vì HSG tập trung đầu tư mạnh mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác...
Chính vì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lẫn đầu tư âm tổng cộng lên tới 5.166 tỷ đồng nên Hoa Sen buộc lòng phải đi vay để bù đắp dòng tiền với lượng tiền thuần bù đắp là 4.832 tỷ đồng. Đây cũng là khó khăn của Hoa Sen bởi sự phụ thuộc vào dòng tiền đi vay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh.
Được biết, tính đến hết 30.6, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của HSG cũng ở mức 2,5 lần; trong khi đó, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng ở mức 2,18 lần.
Rõ ràng là, với hệ số nợ cao, lãi vay đè nặng, nguồn vốn lưu động phụ thuộc lớn vào tiền đi vay, dẫn đến những rủi ro tài chính cho Hoa Sen rõ ràng không phải nhỏ.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do giá phôi thép, thép phế tăng mạnh và liên tục nên các nhà sản xuất phải điều chỉnh tăng giá thép thành phẩm để bù lại chi phí giá thành.
Cụ thể, về giá thép xây dựng, các nhà máy phía Bắc tăng giá 4 lần, mức tăng gộp là 750-850 đồng/kg trong tháng 7 (từ mức giá 10.300 đồng/kg lên 11.150 đồng/kg). Các nhà máy phía Nam tăng giá từ 3-4 lần, mức tăng gộp từ 900 - 1.200 đồng/kg (từ 10.450 đồng/kg lên 11.150 - 11.400 đồng/kg).
Ngoài ra, VSA còn dự báo giá phôi sẽ giữ ở mức cao 10.500 - 10.700 đồng/kg nên giá thép thành phẩm có thể sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp