17/11/2019 17:10
Giấy ủy quyền khi chứng thực, cần sự có mặt của 2 bên?
Giấy ủy quyền không được quy định cụ thể nhưng vẫn tồn tại và được công chứng. Việc chứng thực giấy ủy quyền cần cả 2 bên phải có mặt hay không?
Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền
Giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền đều là văn bản ủy quyền. Điểm khác biệt cơ bản giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền là:
Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền còn hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
Theo điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015, thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực Giấy ủy quyền khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Không có thù lao;
- Không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền;
- Không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Theo đó, chứng thực chữ ký là việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là của người yêu cầu chứng thực.
Mà thủ tục chứng thực chữ ký chỉ cần người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình các giấy tờ theo quy định, đồng thời, người này minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi đồng thời việc chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực thì sẽ được chứng thực chữ ký.
Do vậy:
Trong trường hợp chứng thực giấy ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất sẽ chỉ cần người yêu cầu chứng thực có mặt để ký giấy ủy quyền là được.
Còn đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và liên quan tới việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất sẽ thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Trường hợp này sẽ cần cả 2 bên có mặt bởi các bên tham gia hợp đồng phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 23.
Chứng thực giấy ủy quyền ở đâu?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã), Phòng Tư pháp, Công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền.
Đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và liên quan tới việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất có thể do UBND cấp xã hoặc Phòng Tư pháp thực hiện.
Cũng xin nói thêm, trong trường hợp công chứng hợp đồng ủy quyền mà bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến 1 Phòng công chứng, Văn phòng công chứng thì:
Bên ủy quyền công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) sau đó chuyển cho bên được ủy quyền công chứng tại nơi họ cư trú, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền (Điều 55 Luật Công chứng năm 2014).
(Nguồn: LuatVietNam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp