29/09/2021 10:16
Giao dịch chứng khoán sáng 29/9: Đứng vững trước tin xấu, nhóm Louis tiếp tục bị bán tháo
Sau nhịp hồi phục hôm qua (28/9), thị trường giao dịch giằng co trong phiên sáng nay dù nhận nhiều tin xấu. Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu liên quan tới Louis tiếp tục bị bán tháo.
Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường đã hồi phục khá tốt trong phiên chiều sau phiên lao dốc đầu tuần (27/9). Tuy nhiên, phiên hồi này vẫn chưa thực thật sự thuyết phục khi thanh khoản sụt giảm cho thấy chủ yếu do tiết cung chứ không phải lực cầu tăng. Ngoài ra, VN-Index bị đẩy lại khi chạm đường trung bình 20 (MA20).
Xét về kỹ thuật, VN-Index cần vượt qua đường MA20 trong phiên hôm nay để chặn được đà giảm, trở lại xu hướng tích lũy. Còn không, đó là tín hiệu tiêu cực cho xu hướng của thị trường trong thời gian tới.
Bước vào phiên sáng nay, thị trường nhận thông tin tiêu cực cả bên trong và bên ngoài. Bên ngoài, trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, chứng khoán Âu, Mỹ lao dốc khi nhà đầu tư bán tháo trước lo ngại về áp lực lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh.
Ở trong nước, theo thông tin vừa được Tổng cục Thống kê thông báo, GDP quý III/2021 tăng trưởng âm tới 6,17%. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tuy vậy, tính chung 9 tháng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 1,42%.
Chuyện GDP tăng trưởng âm trong quý III không quá gây bất ngờ, mà gần như đã được dự báo trước, khi mà 3 tháng qua nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, sản xuất đình trệ. Bản thân thị trường chứng khoán dường như đã phản ứng trước với phiên giảm điểm khá mạnh đầu tuần (27/9), nên hôm nay thị trường phản ứng với tin công bố chính thức không quá tiêu cực.
Mặc dù vậy, diễn biến thị trường phiên sáng nay cho thấy dù lực bán không quá mạnh nhưng lực cầu lại khá yếu khiến hầu hết các nhóm ngành bị giảm điểm. Mở cửa phiên giao dịch, thị trường giảm không đáng kể, sau đó đã đảo chiều tăng trở lại. Dù có chút giật mình khi thông tin GDP quý III được công bố, khiến VN-Index xuống dưới 1.335 điểm với sắc đỏ bao trùm, nhưng mức giảm không lớn và nhanh chóng trở lại khi thị trường nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu thép, dầu khí và bán lẻ. Trong đó, GAS, MSN, HPG đang là những mã hỗ trợ tích cực cho thị trường, trong khi nhóm ngân hàng với VCB, VPB, TCB, BID đang là lực cản chính.
Nhóm thép ngoài HPG, còn có TLH, VIS, SMC, DTL, VCA, NKG, HSG tăng giá, trong đó TLH đang tăng mạnh nhất. Trong khi TNI, TNA, POM, HMC giảm.
Điểm đáng chú ý, ngoại trừ DDV có sắc xanh, AGM đứng giá, các mã còn lại của nhóm cổ phiếu họ Louis đều tiếp tục bị bán tháo và giảm sàn đồng loạt như APG, TGG, BII, TDH, VKC.
Nhóm cổ phiếu dầu khí ngày hôm qua tăng mạnh nhờ thông tin về giá dầu và khí đang lên giá mạnh, tuy nhiên hôm nay sức tăng đã chững lại vì theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê quý III, sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Như vậy, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành dầu khí và xăng dầu chưa hẳn đã tích cực.
Sau 90 phút cầm cự, lực bán gia tăng mạnh thời điểm sau 10h30 đẩy VN-Index giảm khá mạnh hơn 11 điểm, xuống dưới đường trung bình 50 (MA50) 1.330 điểm và chỉ bật trở lại khi chạm dải dưới của Bollinger Bands. Thanh khoản thị trường vẫn chưa được cải thiện cho thấy lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng, trong khi bên nắm giữ hàng vẫn giữ được sự bình tĩnh cần thiết.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 4,26 điểm (-0,32%), xuống 1.335,05 điểm với 125 mã tăng, trong khi có tới 278 mã giảm và 30 mã đứng giá, trong đó số mã tăng trần và giảm sàn đều khá ít, chỉ 8 mã mỗi chiều. Tổng khối lượng giao dịch đạt 331,2 triệu đơn vị, giá trị 9.566,8 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 9,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,7 triệu đơn vị, giá trị 956 tỷ đồng.
Các mã đứng đầu trong nhóm dầu khí, bán lẻ - công nghệ thực phẩm, thép như GAS, MSN, HPG, MWG vẫn giữ được phong độ, cùng với sự hỗ trợ thêm của cặp đôi VIC - VHM làm đối trọng với đà giảm của nhóm ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí dù hãm đà tăng so với phiên hôm qua, nhưng đa phần vẫn giữ được sắc xanh, trong đó ngoài GAS tăng 2,31% lên 97.300 đồng, hỗ trợ lớn nhất cho VN-Index, còn có PVD tăng 2,02% lên 22.700 đồng. PLX tăng 1% lên 51.600 đồng. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu kinh doanh gas, khí khởi sắc với 2 mã tăng kịch biên độ là CNG và PGC.
Trong nhóm thép, sắc xanh nhạt dần, ngoài HPG tăng 1,14% lên 53.200 đồng, chỉ còn 3 mã khác giữ được đà tăng là TLH tăng 2,16% lên 21.250 đồng, VIS tăng 1,63% lên 18.750 đồng và SMC tăng 0,6% lên 49.900 đồng, còn lại giảm giá, dù không mạnh. HPG cũng là mã có thanh khoản lớn nhất sàn với 23,8 triệu đơn vị.
Mã có thanh khoản tốt thứ 2 là POW với 23,7 triệu đơn vị và cũng đóng cửa tăng mạnh 4,7% lên 12.300 đồng.
Nhóm ngân hàng trên HOSE không còn một sắc xanh nào, tích cực nhất là TPB cũng chỉ giữ được tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là VIB giảm 2,19% xuống 35.700 đồng. Các mã lớn như VCB, BID, VPB, cùng LPB, STB, MSB giảm từ 1,5% đến hơn 1,8%. Nhóm này lấy đi của VN-Index hơn 4 điểm sáng nay.
Nhóm bất động sản có sự phân hóa, nhưng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, trong đó HPX, VPH, KOS là các mã tăng tốt nhất trên dưới 2%, trong khi ngoài TDH giảm sàn xuống 11.300 đồng, mã giảm mạnh nữa là DRH khi mất 6,25% xuống 15.000 đồng. Các mã trong nhóm có tính thị trường như HQC, SCR, ITA, LDG cũng có mức giảm khá mạnh.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, họ Louis vẫn chỉ có DDV trên UPCoM tăng mạnh 4,2% lên 24.800 đồng, còn lại đều giảm, trong đó đa số giảm sàn, ngoài AGM giảm 5,41% xuống 31.500 đồng. Ngoài nhóm Louis có thêm một vài mã giảm sàn sáng nay là DLG, FDC, SII, VNS và ABS.
Nhóm công ty chứng khoán cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ sắc xanh nhạt tại TVB. Các mã lớn như SSI, VCI, HCM, VND đều giảm hơn 1%.
Trên HNX và UPCoM, diễn biến cũng khá giống sàn HOSE khi các chỉ số chính của 2 sàn này có nhịp giảm mạnh lúc 10h30 trước khi kịp nảy lại cuối phiên.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,03 điểm (-0,29%), xuống 355 điểm với 76 mã tăng (5 mã trần), trong khi có 120 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,8 triệu đơn vị, giá trị 1.301,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 42,4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu gas, khí trên sàn HNX cũng khởi sắc với PVG, PCG tăng trần, PGS cũng sát mức trần. Trong đó, PVG khớp hơn 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa ở 15.700 đồng.
Trong khi đó, PVS lại theo hướng ngược lại khi đóng cửa giảm 1,4% xuống 27.900 đồng, khớp 7,3 triệu đơn vị, cao nhất sàn.
SHB sau thông tin chuyển sàn cũng không có tín hiệu tích cực nào mà đi theo xu hướng chung của nhóm khi đóng cửa giảm 0,8% xuống 26.200 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị.
UPCoM-Index cũng giảm 0,56 điểm (-0,58%), xuống 95,45 điểm với 168 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40 triệu đơn vị, giá trị 746,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 71 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã hút dòng tiền trên UPCoM với 7,7 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa chỉ có được mức tham chiếu 19.600 đồng. Tương tự là OIL cũng chỉ ở mức tham chiếu 14.200 đồng, thanh khoản hơn 1,4 triệu đơn vị, trong khi cổ phiếu gas MTG tăng trần 7.300 đồng, nhưng thanh khoản thấp. Các mã có thanh khoản tốt sau BSR đều tăng giá như HHV ( 3% lên 20.300 đồng), VHG ( 9,4% lên 3.500 đồng), KSH tăng trần lên 3.700 đồng, BVB (1,5% lên 20.600 đồng) với thanh khoản từ gần 1,5 triệu đơn vị đến gần 2 triệu đơn vị.
Advertisement