28/07/2021 13:04
Giao dịch chứng khoán sáng 28/7: Dòng tiền dè dặt quay trở lại cổ phiếu ngân hàng
Mặc dù thanh khoản thị trường có dấu hiệu chững lại, số mã tăng ít hơn số mã giảm nhưng VN-Index vẫn có được sắc xanh là nhờ dòng ngân hàng dẫn dắt tiếp tục nhận được dòng tiền của nhà đầu tư, dù mức độ còn khá dè dặt.
Trong phiên giao dịch hôm qua ngày 27/7, dù dòng tiền mạnh vẫn chưa quay lại thị trường nhưng sự trở lại của nhóm cổ phiếu trụ cột bank, chứng khoán, thép giúp thị trường có thời điểm tăng vọt và áp sát mốc 1.290 điểm giúp nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm “khỏe lại”.
Điều này chắc chắn mới chỉ là kỳ vọng bởi như đã đề cập trong các bản tin trước, để thị trường tăng trở lại cần có nhóm cổ phiếu chi phối biến động chỉ số dẫn dắt, có thể ở một nhóm ngành hoặc nhiều nhóm ngành.
Trong giai đoạn thị trường lình xình vừa qua, rất nhiều nhóm nổi lên rồi nhanh chóng bị điều chỉnh giá gồm bất động sản, y tế, phân phối hàng hóa thiết yếu..., chỉ có vài mã trụ như MSN còn giữ được nhịp tăng khá tốt. Điều này cho thấy vị trí chưa dễ thay thế của nhóm dẫn dắt gồm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí và có thêm nhóm dầu khí.
Sáng nay, Báo Đầu tư tổ chức buổi tọa đàm về cơ hội với thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021 theo hình thức trực tuyến (theo dõi nội dung tọa đàm tại ĐÂY), các chuyên gia có chung nhận định, nhịp điều chỉnh của tháng 7 vừa qua là bình thường trong chu kỳ tăng điểm. Về ngắn hạn, thị trường nếu có tích lũy đi ngang, hoặc có thể giảm thêm 5-7% từ mốc này cũng không phải là diễn biến xấu. Còn về trung hạn đến cuối năm, có những dự báo rất tích cực là VN-Index có thể đạt mốc 1.500-1.600 điểm vào nửa cuối năm nay.
Những nhận định này là có cơ sở tính toán dựa trên định giá thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, niềm tin vào việc dịch bệnh sớm được khống chế nhờ hành động mạnh mẽ của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân.
Quay lại với diễn biến chính phiên sáng nay, ngày giao dịch đặc biệt kỷ niệm 21 năm ngày giao dịch đầu tiên của Thị trường Chứng khoán Việt Nam, điểm chính vẫn là sự thận trọng của dòng tiền. Đến 10h50 sáng mà thanh khoản trên HOSE mới chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng, mức khá thấp so với các phiên trước.
Bên cạnh dòng tiền tham gia dè dặt, áp lực bán với nhiều mã đã có đợt tăng giá ngắn hạn trước cũng tăng dần lên khiến số mã giảm điểm tăng dần về cuối phiên, còn VN-Index dao động với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.
Như đã đề cập, dòng ngân hàng hôm nay tiếp tục nhận được dòng tiền mua vào và giữ vai trò trụ đỡ chỉ số. Tại thời điểm này, nhiều mã ngân hàng quy mô lớn gồm VCB, ACB, CTG, HDB đều có màu xanh.
Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán, thép cũng trở nên phân hóa với các mã như HPG, NKG, TLH hay SSI, HCM, AGR, SHS, VND tăng nhẹ, trong khi HSG, POM, BVS, CTS, APS… đang điều chỉnh nhẹ.
Tâm lý dè dặt khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong suốt cả phiên sáng nay, chỉ số VN-Index duy trì trạng thái biến động giằng co nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 118 mã tăng và 223 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,79 điểm ( 0,06%) lên 1.277,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 216,85 triệu đơn vị, giá trị 6.809,73 tỷ đồng, cùng giảm khá mạnh 36% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua ngày 27/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,29 triệu đơn vị, giá trị 501,25 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 14 mã giảm. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng chủ yếu vẫn giữ sắc xanh nhạt như VCB, TCB, CTG, MBB, TPB, HDB đều chỉ tăng trên dưới 0,5%.
Ngoài ra, các mã bluechip khác như GAS, VIC, SSI, PLX, MWG… cũng tăng nhẹ. Cổ phiếu HPG là mã tăng mạnh nhất trong rổ này khi ghi nhận mức tăng 1,4%, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 46,850 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, nhiều mã lớn như VHM, VNM, VRE, BID, BVH, FPT, MSN… điều chỉnh nhẹ với mức giảm chủ yếu chưa tới 1%.
Bên cạnh sự đảo chiều của cổ phiếu lớn VHM, nhiều mã khác trong nhóm bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh do áp lực bán gia tăng sau một vài phiên tăng như IJC giảm nhẹ 0,2% xuống 24.650 đồng/CP, KDH giảm 0,9% xuống 38.900 đồng/CP, HDG giảm 1,1% xuống 52.000 đồng/CP, DXG giảm 0,7% xuống 20.850 đồng/CP, ASM giảm 1,1% xuống 13.000 đồng/CP…
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu cấp thoát nước như BWE, VSI, VCW, NTW hay các mã thuộc nhóm phân phối điển hình là FRT đảo chiều giảm 2,2%, chốt phiên sáng nay tại mức giá 35.350 đồng/CP.
Đặc biệt, trong danh mục 9 cổ phiếu được đánh giá có sức hút đối với dòng tiền mạnh và còn đà đi lên, có thể tăng trên 10% như ông Đỗ Hoàng Quân, Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Bộ phận Đầu tư Online của VPS đưa ra trong bản tin phân tích thị trường đầu giờ sáng nay, chỉ có 3 mã đại diện của các ngành bao gồm bất động sản là SZC, thực phẩm và đồ uống với QNS, và dược phẩm với DVN là giữ được đà tăng, còn lại đều điều chỉnh.
Trong đó, đại diện ngành hàng cá nhân và gia dụng là MSH giảm 2%, nhóm cấp thoát nước là BWE ghi nhận mức giảm 2,8%, ngoài ra có FPT, LTG cũng điều chỉnh nhẹ; còn CKG và NDN đứng tại mốc tham chiếu.
Về thanh khoản, cổ phiếu HPG dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 12,14 triệu đơn vị; tiếp theo là STB khớp 8,57 triệu đơn vị và HSG khớp hơn 8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng lình xình đi ngang quanh mốc tham chiếu trong gần suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 57 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 0,15 điểm ( 0,05%) lên 306,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33 triệu đơn vị, giá trị 831,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,8 triệu đơn vị, giá trị 115,86 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trên sàn HNX cũng trở nên phân hóa. Trong khi BAB, VND nhích nhẹ, thì các mã SHB, MBS, APS, BSI, BVS đảo chiều giảm nhẹ.
Các mã lớn khác như PVS, PAN, IDC, THD… cũng giữ được đà tăng nhẹ, đã phần nào hỗ trợ giúp thị trường duy trì sắc xanh.
Không chỉ trên HOSE, thanh khoản trên HNX cũng sụt giảm mạnh với bộ đôi VND và PVS có khối lượng khớp lệnh lớn nhất, chỉ lần lượt đạt 3,76 triệu đơn vị và 3,47 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm ( 0,19%) lên 84,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,68 triệu đơn vị, giá trị 412,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,47 triệu đơn vị, giá trị 306,75 tỷ đồng, trong đó VCP thỏa thuận 7 triệu đơn vị, giá trị 298,75 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn có giao dịch vượt trội trên UPCoM với 8,54 triệu đơn vị được giao dịch thành công và chốt phiên tăng 2,2% lên mức 18.900 đồng/CP.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là PAS khớp 1,99 triệu đơn vị và chốt phiên sáng tăng 4,4% lên mức 14.200 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn hỗ trợ đà tăng của thị trường như VGI tăng 3,8% lên 30.400 đồng/CP, VTP tăng 2,5% lên 90.600 đồng/CP, NTC tăng 3,6% lên 198.000 đồng/CP, MML tăng 2,6% lên 72.300 đồng/CP…
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp