Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giao dịch chứng khoán sáng 23/4: Bật mạnh khi VN-Index tiếp tục giảm, cổ phiếu HAG vẫn bị bán tháo

Chứng khoán

23/04/2021 11:50

Mặc dù mở cửa thiếu tự tin với áp lực bán chiếm áp đảo khiến VN-Index có thời điểm để mất mốc 1.220 điểm, nhưng sự phục hồi tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip đã lan tỏa thị trường, giúp chỉ số này đảo chiều hồi phục. Tuy nhiên, cổ phiếu HAG vẫn chưa thoát khỏi trạng thái bị bán tháo mạnh với lượng dư bán sàn chất đống.

Thi trường vẫn đang tìm điểm cân bằng sau cú lao dốc rất sâu ngày hôm qua. Điều may mắn là việc rớt điểm mạnh chỉ đơn thuần là nguyên tắc "lên nhanh thì giảm nhanh" chứ không kèm theo tin xấu.

Nhưng dù sao một phiên mà VN-Index bốc hơi hơn 40 điểm, giảm sâu nhất 2 tháng qua cũng khiến nhà đầu tư buộc phải thận trọng khi bước vào phiên sáng nay. Có nhiều điều phải xem xét, đầu tiên sau mỗi lần giảm sâu đó là lượng margin liệu đã ở mức nguy hiểm và đã đến ngưỡng cần giải chấp, nếu điều này diễn ra thì thị trường cần thêm vài phiên mang tính chất "rũ bỏ", đã xảy ra vài lần trong chuỗi tăng 6 tháng vừa qua.

Điểm tiếp theo là dòng tiền liệu có rút ra khỏi thị trường hay không, đây là điều không nên bỏ qua vì dòng tiền mới (F0) chính là động lực để VN-Index lập đỉnh mọi thời đại. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và không ít diễn đàn xuất hiện những "tuyên bố" thanh lý tài khoản và rút ra ngoài thị trường.

Điều may mắn có vẻ đang diễn ra khi những lo ngại kể trên là chưa quá lớn, một nhịp điều chỉnh sau là cơ hội mở ra một "game mới". Phiên ngày hôm qua khi thị trường lao dốc thì lực cầu đã vào khá mạnh khiến thanh khoản của phiên tăng lên, và hôm nay khi thị trường cứ mỗi lần giảm điểm thì lực cầu này lại xuất hiện.

Tất nhiên, sự "may mắn" đó sẽ là chưa đủ vì xu hướng tăng đã bị bẻ gẫy từ phiên hôm qua, nhưng dù sao niềm hy vọng về một sự sôi động chứng khoán vẫn còn. Các doanh nghiệp niêm yết là đối tượng đầu tiên mong muốn điều này, vì có như vậy, các kế hoạch tăng vốn vừa được đại hội đồng cổ đông thông qua chủ yếu trong tháng 4, cần thời gian để thực hiện được rốt ráo. Một thị trường giảm nhiệt không đảm bảo cho các kế hoạch đó thành công.

Nhìn lại diễn biến đầu phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 23/4, một số mã bluechip hồi phục đã giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững trước lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu ngay khi chạm mốc 1.230 điểm.

Xu hướng bán mạnh tiếp tục dâng cao khiến hàng trăm mã chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index bị kéo tụt xuống dưới mốc 1.220 điểm và lại bật nẩy trở lại ngay khi thủng ngưỡng kháng cự này.

Thị trường không quá giảm sâu và giao dịch giằng co, liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu VN30 khi phần lớn đã đảo chiều hồi phục.

Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, số mã tăng trong nhóm VN30 đã gấp đôi số mã giảm. Dù biên độ tăng không quá lớn nhưng sắc xanh hy vọng đã được lan sang nhiều mã vừa và nhỏ khác, giúp thị trường khởi sắc.

Mặc dù vậy, cổ phiếu HAG vẫn chưa thoát khỏi trạng thái bị bán tháo mạnh sau thông tin bị chuyển từ dạng cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 28/4 tới đây. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 2. Hiện HAG đứng tại mức giá 5.040 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 8,2 triệu đơn vị và dư bán sàn 17,57 triệu đơn vị.

Sau nhịp hồi nhẹ vào giữa phiên, thị trường lại đi giật lùi bởi áp lực bán gia tăng mạnh, thậm chí có nhịp giảm sâu hơn về dưới vùng 1.220 điểm. Tuy nhiên, các mã bluechip chính là má phanh giúp chỉ số VN-Index giữ được mốc điểm này.

Chốt phiên giao dịch sáng 23/4, sàn HOSE có 119 mã tăng và 285 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,42%) xuống 1.222,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434 triệu đơn vị, giá trị 11.693 tỷ đồng, tăng 12,82% về khối lượng và 10,56% về giá trị so với phiên sáng ngày 22/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,59 triệu đơn vị, giá trị 632,59 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có những tín hiệu tích cực, là một trong những điểm nhấn giúp thị trường bớt giảm sâu. Trong đó, các mã BID, TCB, TPB, STB đều tăng nhẹ, còn CTG, MBB, STB, VPB tăng hơn 1%.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng có được sắc xanh nhạt như VRE, HPG, FPT, KDH, MWG, cổ phiếu PDR tăng tốt nhất trong nhóm VN30 với biên độ tăng 2,5% lên 78.300 đồng/CP.

Sau phiên giảm sâu hôm qua, cổ phiếu TCH cũng đã có nhịp hồi cùng giao dịch sôi động. Chốt phiên sáng, TCH tăng nhẹ 0,5% lên 21.600 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,91 triệu đơn vị.

Mặt khác, bên cạnh các mã như GAS, BVH, MSN, PLX, VHM, VNM giảm nhẹ, cổ phiếu lớn ngành bất động sản VIC đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhóm bluechip khi để mất 2,4% xuống 135.500 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, dù có thời điểm cặp đôi nhà FLC là FLC và ROS đã có tín hiệu khởi sắc, nhưng áp lực bán cuối phiên khiến cả 2 đều tạm dừng chân trong sắc đỏ. Trong đó, ROS giảm 1,8% xuống 7.710 đồng/CP và khớp hơn 20 triệu đơn vị.

Trong khi bộ đôi còn lại là AMD và HAI đều chốt phiên tăng điểm. Đáng kể là AMD dù rung lắc đầu phiên nhưng đã bật tăng 5%, tạm chốt phiên sáng ở mức giá 7.800 đồng/CP.

Đáng chú ý là cổ phiếu HAG vẫn chịu áp lực xả bán mạnh và chốt phiên dư bán sàn gần 17,5 triệu đơn vị, đứng tại mức giá sàn 5.040 đồng/CP.

Sàn HNX tiếp tục giảm sâu trước áp lực bán mạnh trên diện rộng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 51 mã tăng và có tới 117 mã giảm, HNX-Index giảm 8,09 điểm (-2,82%), xuống 278,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 88 triệu đơn vị, giá trị 1.516,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ hơn 4 tỷ đồng.

Nhân tố chính khiến thị trường lao dốc chính là đà giảm sâu của các mã lớn như THD giảm 5,6% xuống 185.000 đồng/CP, BAB giảm 1,1% xuống 26.600 đồng/CP, SHB giảm 5,4% xuống 26.200 đồng/CP, NVB giảm 2,3% xuống 16.900 đồng/CP, VIF giảm 2,4% xuống 16.400 đồng/CP…

Điểm nhấn thị trường thuộc về cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhà FLC, đó là KLF. Lực cầu tăng mạnh đã giúp KLF lấy lại những gì để mất trong phiên hôm qua và có thời điểm chạm mức giá trần.

Chốt phiên, KLF tăng 6,6% lên mức 6.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 13,32 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, vượt xa cổ phiếu đứng thứ 2 là SHB khớp 8,58 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù có thời điểm le lói sắc xanh nhưng do lực bán gia tăng khiến UPCoM-Index chưa thể hồi phục.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,36%), xuống 79,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75 triệu đơn vị, giá trị 493 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,86 triệu đơn vị, giá trị 25,38 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ chính là điểm nhấn trên thị trường UPCoM khi hàng loạt mã như AVF, TOP, HLA, DCS, GTT, PPI, SGO, KSK, ATA đều tạm dừng ở mức giá trần với thanh khoản sôi động đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trong đó, AVF tăng 16,7% lên mức 700 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu UPCoM, đạt hơn 8 triệu đơn vị và dư mua trần 2,23 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, việc các mã lớn vẫn đi lùi là nguyên nhân chính khiến thị trường chưa thể khởi sắc, cụ thể như BSR giảm 3,8% xuống 15.000 đồng/CP, MSR giảm 3,3% xuống 20.200 đồng/CP, OIL giảm 2,3% xuống 12.900 đồng/CP, VGI giảm 4,3% xuống 33.200 đồng/CP

T.THÚY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement