20/12/2021 11:25
Giao dịch chứng khoán sáng 20/12: Nhóm cổ phiếu chứng khoán nối tiếp niềm vui
Thị trường đang diễn biến xanh vỏ đỏ lòng khi sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Đáng chú ý, trong khi dòng bank vẫn đang nỗ lực hồi phục thì nhóm cổ phiếu chứng khoán nối tiếp niềm vui khi đồng loạt tăng mạnh.
Mặc dù đã chịu áp lực bán khá mạnh trong những phiên cuối tuần do ảnh hưởng của phiên đáo hạn phái sinh tháng 12 và phiên cơ cấu lại danh mục quý IV/2021 của 2 quỹ ETF ngoại, nhưng thị trường tiếp tục giữ xu hướng tăng với thanh khoản cải thiện trong tuần giao dịch vừa qua, cho thấy lực cầu trong tuần qua đã tốt lên và dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường để tìm kiếm cơ hội.
Tuy nhiên, nhìn chung VN-Index vẫn thể hiện động thái thận trọng tại vùng cản 1.480-1.490 điểm và khả năng vượt vùng cản này vẫn chưa được cải thiện, rủi ro dần suy yếu vẫn tiềm ẩn.
Trên biểu đồ tuần, chỉ số VN-Index vẫn duy trì tín hiệu tích cực sau khi đã test ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm. Còn trên biểu đồ ngày, xu hướng tích lũy, sideway đang chiếm ưu thế và có khả năng vẫn duy trì trong các phiên tiếp theo.
Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi sóng kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 sẽ đến sớm, dự báo nhiều cổ phiếu bluechip sẽ sớm mang lại những niềm vui. Điều này còn tạo sự tích cực cho cả VN-Index có thể tiếp tục lấy lại đà tăng và tạo đỉnh mới trong tháng 1.
Trở lại với phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 20/12, thị trường mở cửa trong trạng thái phân hóa và sắc xanh nhạt chiếm chủ đạo trong nhóm bluechip là động lực chính giúp VN-Index lấy lại đà tăng nhẹ.
Tuy nhiên, lực bán có dấu hiệu gia tăng ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục khiến số mã giảm điểm trên bảng điện tử chiếm áp đảo và VN-Index trở nên rung lắc nhẹ quanh vùng giá tham chiếu, thậm chí có lúc chuyển đỏ.
Trên thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu ngân diễn biến phân hóa, cổ phiếu thép cũng chỉ nhúc nhắc tăng nhẹ, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản vẫn đang là điểm sáng của thị trường.
Trong nhóm chứng khoán, sắc xanh đã phủ khá kín, với TVS tiếp tục duy trì đà tăng trần. Các mã lớn đầu ngành như VCI, HCM, SSI, SHS đều tăng hơn 1%, đáng kể VND tăng trên 5%...
Ở nhóm bất động sản và xây dựng, bên cạnh NHA, CII, HAR, OGC tăng trần, các mã tăng mạnh khác như DC4, KHG, VRC tăng trên 5%, các mã TIP, VCG, KSB… tăng trên 3%.
Dù trạng thái khá phân hóa nhưng một số mã bank đang giao dịch khá tích cực, điển hình là TPB hôm nay thực hiện điều chỉnh giá để chuẩn bị chia cổ tức, hiện đang tăng trên dưới 5%, là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30. Tiếp theo đó là anh cả VCB đang tăng 2,4%.
Áp lực bán gia tăng và lan rộng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index lùi về mốc 1.475 điểm, mức thấp nhất trong phiên sáng nay cùng thanh khoản sụt giảm khá mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 310 mã giảm (1 mã giảm sàn) và chỉ 137 mã tăng (14 mã tăng trần), chỉ số VN-Index giảm 4,3 điểm (-0,29%) xuống 1.475,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 548 triệu đơn vị, giá trị 16.962,5 tỷ đồng, cùng giảm hơn 11% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 17/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 897 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng diễn biến kém khả quan hơn khi ghi nhận 19 mã giảm và chỉ còn 9 mã tăng, tuy nhiên, chỉ số VN30-Index chưa để mất mốc tham chiếu nhờ sự hỗ trợ của một số mã bluechip, đáng kể là VCB giữ mức tăng 2,4% và chốt phiên sáng nay đứng tại 98.800 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã tăng khác như TPB tăng 3%; MSN và SSI cùng tăng 2,3%; HDB và VRE cùng tăng hơn 0,5%...
Trái lại, một trong những mã tạo gánh nặng lớn cho thị trường là ảnh cả nhà bất động sản – VIC khi để mất 1,5% xuống mức 100.500 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn khác cũng mất điểm như GVR, MWG, KDH, BVH giảm trên 1%..., cặp đôi lớn dầu khí là GAS và PLX giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 2,4% và 2,2%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có những diễn biến không mấy tích cực về cuối phiên khi nhiều mã đã không giữ được mốc tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ như HAG, POW, FLC, HQC, ITA, HNG, LDG. FIT, AMD…
Xét về nhóm ngành, bên cạnh mã lớn nhà Vingroup là VIC, VHM quay đầu điều chỉnh, hàng loạt mã lớn bé cũng bị chốt lời và quay đầu giảm khá mạnh như BCM giảm 3,7%, DIG giảm 3,74%, KBC giảm 3%, NLG giảm 3,24%, DXG giảm 3,9%, HBC giảm 2,8%, IJC giảm 3,2%...
Tuy nhiên, là nhóm ngành rộng nhất của thị trường, vẫn có nhiều mã bất động sản và xây dựng giữ được đà tăng mạnh như NHA, CII, DRH, LGL, VRC, HAR, OCG tăng trần, hay nhiều mã khác giữ sắc xanh như VCG, PDR, KSB, KHG…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa với TPB và VCB dẫn đầu đà tăng điểm; tiếp theo là VPB tăng 1,78%, còn VIB, HDB, STB, EIB nhích nhẹ; trái lại BID, CTG, MBB, SSB, SHB, ACB, OCB, MSB vẫn giao dịch trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu thép vẫn chưa bình phục. Sau tín hiệu tăng nhẹ đầu phiên, nhóm này đã trở nên rung lắc và điều chỉnh như HSG, SMC.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt, như VND tăng 5,6%; HCM, VCI, SSI, BSI đều tăng hơn 2%, CTS tăng 1,8%...
Trên sàn HNX, áp lực bán cuối phiên cũng khiến thị trường chuyển đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 84 mã tăng và 130 mã giảm, HNX-Index giảm 1,5 điểm (-0,33%) xuống 454,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 74,62 triệu đơn vị, giá trị 2.161,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,78 triệu đơn vị, giá trị gần 96 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 gia tăng gánh nặng với điểm trừ chính thuộc về IDC khi cổ phiếu này giảm sâu, để mất tới 5% và chốt phiên tại vùng giá thấp nhất ngày 82.500 đồng/CP. Ngoài ra, mã lớn khác là KSF giảm 2,9% xuống mức 70.700 đồng/CP, BAB giảm gần 1% xuống 22.200 đồng/CP…
Tuy nhiên, các mã bất động sản trong rổ này vẫn dẫn đầu mức tăng với VMC lấy lại đà tăng trần và chốt phiên đứng tại mức giá 28.900 đồng/CP, IDV tăng 5,1%, LHC tăng 4,5%, NRC tăng 2,3%...
Cổ phiếu CEO sau nhịp rung lắc đầu phiên đã tăng tốc mạnh, nhưng lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến mã này lùi về gần mốc tham chiếu. Chốt phiên, CEO tăng 0,6% lên 53.300 đồng/CP và khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX với BVS tăng 2,1%, SHS tăng 2%, MBS tăng 1,7%, VIG tăng 4%, PSI, ART đều tăng hơn 1%.
Trái lại, cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu dầu khí trên HNX cũng đều mất điểm như PVS giảm 1,9% PVC giảm 6%, PVL giảm 2,6%...
Cổ phiếu nhỏ KLF vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 7,2 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên giảm 3,6% xuống mức 8.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng chốt phiên tại mức thấp nhất ngày do lực bán dâng cao.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,47%), xuống 111,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48 triệu đơn vị, giá trị 1.055,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 12,1 triệu đơn vị, giá trị 303,54 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, trên UPCoM, cổ phiếu họ dầu khí là BSR đã để mất 3,6% lùi về mức giá thấp nhất phiên 21.700 đồng/CP, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một mã đáng chú ý của thị trường là QTP bất ngờ tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Chốt phiên, QTP tăng 5,3% lên mức 18.000 đồng/CP, cùng thanh khoản đột biến lên hơn 4,56 triệu đơn vị, vượt trội so với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần đây chỉ đạt 1,23 triệu đơn vị/phiên.
Cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng tăng tốt như SBS tăng 3,4%, AAS tăng 3,3%, BMS tăng 3%...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp