20/01/2022 11:20
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/1: Đẩy mạnh bắt đáy, hàng loạt mã tăng trần trở lại
Lượng dư bán giá sàn ở nhiều cổ phiếu bị bán tháo trong những phiên trước đã được hấp thụ khá lớn, giúp nhiều mã tăng trần trở lại, các mã họ FLC không còn dư bán sàn nhiều.
Trong phiên hôm qua, thêm một cây nến “ngập ngừng” xuất hiện trên đồ thị kỹ thuật VN-Index, thanh khoản tiếp tục giảm cho thấy những tín hiệu tích cực hơn của thị trường sau hơn 1 tuần bị bán mạnh vừa qua.
Điểm tích cực lớn nhất vẫn là đà bán tháo đã ngừng lại, trừ nhóm cổ phiếu đã tăng nóng và mang tính đầu cơ trước đó. Như vậy, hiệu ứng domino của nhóm bất động sản lan sang nhóm ngành khác đã tạm qua, báo hiệu dù thị trường thời gian tới còn có thể giảm điểm thêm, nhưng không “quá gắt” như phiên đầu tuần và những phiên phục hồi sẽ tới rất sớm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 20/1, thị trường mở cửa đã lập tức giảm mạnh và có thời điểm để mất hơn 10 điểm về gần 1.430 điểm, nhưng cũng nhanh chóng nỗ lực và vượt lên trên tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch nhờ nhóm bluechip ổn định hơn và thanh khoản được cải thiện đáng kể.
Đường MA100 hội tụ với dải dưới của Bollinger Bands và mây Ichimoku của VN-Index ở khu vực 1.430 điểm vẫn đang phát huy tác dụng là ngưỡng hỗ trợ tốt của thị trường. Lực bắt đáy đã tích cực hơn các phiên trước ở khu vực này giúp thanh khoản sáng nay tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với phiên sáng hôm qua.
Điểm nhấn từ khá sớm đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao, vốn đã bị bán tháo không tiếc tay thời gian qua với lượng dư bán giá sàn chất đống đã nhận lực mua bắt đáy khá lớn như FLC, AMD, HAI LDG, CII, DIG và thanh khoản khớp lệnh đang dẫn đầu thị trường, tuy vậy, giá cổ phiếu vẫn ở mức giá sàn hoặc gần với ngưỡng này.
Trong khi đó, sắc xanh cũng đã dần quay trở lại ở nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng như GEX, HQC, ITA, DLG, SCR, LCG, DXG, KBC, VCG…
Bên cạnh đó, nổi bật còn ở tại một số cổ phiếu như DGC, AGM, CKG, BCG, VOS, HAP, SAM khi đều tăng kịch trần.
Sáng nay, sàn HOSE chào đón cổ phiếu HHV có phiên giao dịch đầu tiên sau với giá tham chiếu 25.660 đồng, và giá cổ phiếu đang tăng khá tốt, nhích hơn 3%, khớp lệnh hơn 8 triệu đơn vị.
Trong các nhóm trụ, cổ phiếu ngân hàng hôm nay tiếp tục suy yếu với các đầu tàu như VCB, CTG, BID, STB,... trở thành nhóm níu kéo VN-Index không tăng mạnh. Nhóm đỡ thị trường lại là bất động sản sự trở lại của VHM, DIG, GVR...
Trong khi đó nhóm dầu khí dù chưa khởi sắc trở lại nhưng nhiều mã đã chuyển từ giá đỏ sang xanh như PVD, PVT. Tình hình ngày càng căng thẳng tại Đông Âu hỗ trợ đà tăng của giá Gas và dầu chính là bệ đỡ cho giá cổ phiếu của nhóm này.
Thị trường tiếp tục giao dịch khá tích cực khi thanh khoản gia tăng mạnh mẽ, cùng số mã tăng dần chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử, nhưng nhóm bluechip phân hóa mạnh, với dòng bank phai màu đã khiến VN-Index gần như chỉ đi ngang ở ngay trên tham chiếu cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 268 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index tăng 2,30 điểm ( 0,16%), lên 1.445,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 496,6 triệu đơn vị, giá trị 12.762 tỷ đồng, tăng 36% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,9 triệu đơn vị, giá trị 532 tỷ đồng.
Nhóm bluechip trong rổ VN30 phần lớn giao dịch thận trọng, do hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2201.
Tuy vậy, một số cổ phiếu đáng nhắc đến như VCB, khi để mất tới 3% xuống 84.200 đồng và là tác nhân kéo lùi VN-Index lớn nhất khi ảnh hưởng 3 điểm tiêu cực.
Bên cạnh đó là NVL và STB, khi cùng mất 2% xuống 78.400 đồng và 33.250 đồng.
Ở chiều ngược lại, MSN, GVR và VHM là những trụ cột chính, với MSN 1,7% lên 150.000 đồng, GVR 1,7% lên 32.350 đồng, VHM 1% lên 78.400 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu bị bán tháo gần đây đã có phiên trở lại mạnh mẽ, thậm chí những DIG, HQC, QBS, NHA, TTB, VPH, DRH, PXI còn từ giá sàn lên giá trần, hoặc sát giá trần.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu khác như JVC, HDC, TNI, DLG, SCR, TCH, OGC, SAM, DGC, CKG, VOS, HAP, TGG cũng đã tăng hết biên độ.
Thanh khoản không còn “múa bên trăng”, mà trái lại còn tăng cao như DIG khớp 12,8 triệu đơn vị, HQC khớp 9,49 triệu đơn vị, DLG khớp 5,77 triệu đơn vị, SCR khớp 5,59 triệu đơn vị, TCH khớp 3,85 triệu đơn vị…
Các sắc xanh với mức tăng khá còn phải kể đến HTN, SHI, LDG, HID, PTB, GEG, DXG, ITA, IDI, GEX, HBC, HHS, HAR, TCD, AGG, DAG, ITC, TDL, CTD…với mức tăng từ 4% đến 6,5%, với LDG phiên này thanh khoản đứng thứ hai trên HOSE với 28,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tân binh HHV có phiên giao dịch đầu tiên 4,3% lên 26.750 đồng, khớp hơn 9,65 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu CII, HAG, HNG, QCG đã thoát đáy, với CII, HAG, QCG từ mức giá sàn đã thu hẹp đáng kể đà giảm, trong đó, QCG chỉ còn -0,7%, CII -2%, HAG -4%, HNG -3,9%.
Lượng lớn dư bán sàn tại họ FLC được hấp thụ tương đối, nhưng cả 4 mã vẫn nằm sàn, trong đó, FLC -6,9% xuống 12.100 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 39 triệu đơn vị, AMD, HAI khớp 22,4 triệu và 16,3 triệu đơn vị, riêng ROS thì dường như mọi thứ vẫn chưa qua đi, với khối lượng dư bán sàn vẫn còn tới hơn 65,7 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng sáng nay gây sức ép lớn nhất đến chỉ số, ngoài VCB và STB nêu trên thì cũng phần lớn chìm trong sắc đỏ, trừ SHB 3,4% lên 20.000 đồng, TPB nhích nhẹ 0,5%, HDB 0,2%, OCB 0,2%.
Trên sàn HNX, lực mua bắt đáy tại một số mã lớn cũng đã giúp HNX-Index dần thoát mức giảm sâu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 123 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 3,1 điểm (-0,76%), xuống 406,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,3 triệu đơn vị, giá trị 1.472 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,42 triệu đơn vị, giá trị 163 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu như CEO, VKC, PVL, TTH, ITQ, KVC, LIG, HHB, BII, L14 đã vọt lên mức giá trần.
Tăng mạnh còn có TAR 8,3% lên 34.100 đồng, APS 3,9% lên 27.100 đồng, TNG 3,7% lên 31.100 đồng, DL1 6,1% lên 12.100 đồng, IDJ 5,4% lên 35.100 đồng…
Đáng tiếc là một vài mã như KLF, PVS, ART, SHS lại chỉ có được giá tham chiếu khi kết phiên.
Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn là THD vẫn là nhân tố kéo lùi chỉ số nhất, khi tiếp tục giảm sàn -10% xuống 169.200 đồng.
Phiên này, CEO hút mạnh dòng tiền khi khớp lệnh hơn 11,2 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là KLF với chỉ 4,4 triệu đơn vị, tiếp theo là VKC với 3,57 triệu đơn vị, PVS khớp 3,56 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng từ sớm và dù rung lắc sau nửa đầu phiên, nhưng đã bứt tốc trong phần còn lại và kết phiên ở mức cao nhất.
Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất đều là các mã nhỏ, có tính đầu cơ cao như VHG 9,8% lên 10.100 đồng, khớp lệnh dẫn đầu với 8,91 triệu đơn vị, C4G 12,9% lên 19.200 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị, CDO 10,7% lên 6.200 đồng, G36 10,6% lên 17.800 đồng.
Cặp đôi dầu khí BSR và OIL giảm 0,8% và 3% xuống 23.500 đổng và 19.200 đồng, khớp 2,7 triệu và 2,3 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,93 điểm ( 0,86%), lên 108,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,9 triệu đơn vị, giá trị 532,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,66 triệu đơn vị, giá trị 9,86 tỷ đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp