14/10/2021 11:49
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/10: Dòng tiền quay lại với nhóm cổ phiếu nhỏ
Thị trường vẫn trong giai đoạn tích lũy quanh ngưỡng 1.400 điểm. Trong khi chờ đợi tín hiệu từ nhóm cổ phiếu lớn, dòng tiền chuyển hướng tìm kiếm cơ hội ngắn hạn từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Trong phiên hôm qua (13/10), VN-Index cố gắng test lại ngưỡng cản 1.400 điểm, nhưng thêm nhiều lần thất bại. Giao dịch tiếp diễn giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau giờ nghỉ trưa, nhưng không thể duy trì đà tăng phiên thứ 8 liên tiếp mà quay đầu điều chỉnh nhẹ.
Theo VCBS, chỉ số đang tiệm cận ngưỡng kháng cự khá “cứng” là 1.400 điểm. Nhà đầu tư nên cân nhắc tạm thời quan sát trong một vài phiên sắp tới, nhất là những nhà đầu tư đã giải ngân trong các phiên trước, để chờ đợi diễn biến bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự này với sự củng cố của khối lượng giao dịch trước khi tiếp tục giải ngân thêm hoặc chốt lời danh mục.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 14/10, xu thế tích lũy đi ngang vẫn chưa bị phá vỡ khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang có sự phân hóa, nhưng mức biến động không lớn.
Trong lúc chờ đợi tín hiệu rõ ràng từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, dòng tiền quay sang tìm kiếm cơ hội ngắn hạn từ các mã vừa và nhỏ. Đây chính là phương thức mà nhiều nhà đầu tư áp dụng để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn thị trường sideway.
Việc dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp nhiều mã trong nhóm này giao dịch sôi động và có mức tăng khá tốt. Có thể kể đến như HQC, ITA, DIG, DLG, SCR, FLC, NLG, DXG, AAA...
Trong đó, DLG khởi sắc nhất khi tăng kịch trần từ sớm lên 6.150 đồng, khớp 5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới 4 triệu đơn vị.
Đây cũng là lý do sắc xanh chiếm thế áp đảo trên thị trường, nhưng VN-Index vẫn không thể bứt phá, mà chỉ lình xình đi ngang quanh 1.395 điểm.
Dĩ nhiên, vẫn có một số mã trụ hoạt động tốt, làm bệ đỡ cho thị trường, có thể kể đến GAS, GVR, TCB, MBB, hay VRE…
Giao dịch ở nửa sau của phiên tương đối sôi động về dòng tiền và điểm đến vẫn là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng điểm số VN-Index lại chỉ biến động nhẹ với sự phân hóa mạnh của nhóm bluechip.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 255 mã tăng và 139 mã giảm, VN-Index tăng 2,58 điểm ( 0,19%), lên 1.394,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 409 triệu đơn vị, giá trị 12.017,8 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,9 triệu đơn vị, giá trị 630,5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu bluechip hoạt động cầm chừng với đa số chỉ biến động nhẹ, trừ GVR tăng được 2,8% lên 38.550 đồng, GAS, PDR nhích hơn 1%, và thêm HPG với giao dịch sôi động nhất khi có hơn 10,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra là TCB, khi khớp 8,7 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0,2%, POW và MBB khớp trên 6,5 triệu đơn vị và cùng đứng tham chiếu tại 12.500 đồng và 28.600 đồng.
Các cổ phiếu giảm đều không quá 1%, như VIC và MWG giảm sâu nhất cũng chỉ đều -0,9%, VHM -0,8%, VPB -0,7%, ACB -0,5%...
Nhóm cổ phiếu thị trường sôi động hơn và hướng đến chủ yếu ở các mã bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ với ITA, HQC, DIG, FLC, HAG, LDG, SCR, CII, DLG, DXG, NLG, IJC, ROS, KBC…thanh khoản cao, với từ 3,93 triệu đến 13,2 triệu đơn vị.
Trong đó, ITA là cổ phiếu khớp lệnh dẫn đầu HOSE, tăng 4,4% lên 8.040 đồng, tăng mạnh khác còn có DIG 5,2% lên 37.250 đồng, NLG 5,2% lên 46.800 đồng; CII 4,2% lên 19.650 đồng, HQC 3,6% lên 4.060 đồng, HAG 3% lên 5.190 đồng, và DLG tăng kịch trần 7% lên 6.150 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 3,8 triệu đơn vị.
Cũng có sắc tím khác quen thuộc là HAR, ITC, MCG, PTL, VRC và TGG, nhưng thanh khoản thấp hơn nhóm trên.
Trái lại, NBB là đại diện giảm giá đáng chú ý nhất, khi về mức giá sàn -6,9% xuống 37.900 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị. Mới đây, NBB đã thông qua kế hoạch sử dụng hơn 21,9 triệu cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 7:25 (cổ đông sở hữu 25 cổ phiếu sẽ được nhận 7 cổ phiếu).
Trên sàn HNX, sắc xanh bao phủ, với không ít các mã lớn tăng tốt đã thúc đẩy HNX-Index tăng từ sớm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 116 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index tăng 4,69 điểm ( 1,24%), lên 384,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,7 triệu đơn vị, giá trị 1.408,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,71 triệu đơn vị, giá trị 35,6 tỷ đồng.
Các mã lớn trợ giúp chỉ số lớn nhất là nhóm bất động sản với KSF 4,9% lên 78.800 đồng, IDC 5% lên 54.800 đồng, CEO 3,7% lên 11.200 đồng, IDJ 6,7% lên 36.800 đồng, NRC 6,4% lên 23.300 đồng, LIG tăng kịch trần 9,5% lên 11.500 đồng…
Các cổ phiếu tăng mạnh khác còn ở BCC 7,3% lên 25.100 đồng, HOM 4,1% lên 10.200 đồng, PLC 2% lên 41.400 đồng, NVB 2,7% lên 30.700 đồng…
Các mã SHS, NDN, TNG, ART, MBG, PVG, VIG, APS cũng có được sắc xanh khi kết phiên.
Cổ phiếu họ Louis duy trì đà tăng mạnh với BII và VKC đều tăng kịch trần, với BII khớp hơn 2,44 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 0,95 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau phút mở cửa giảm điểm nhẹ, đã bật mạnh sau đó và duy trì đà đi lên cho đến khi kết phiên.
Giao dịch khá tích cực ở các cổ phiếu hút thanh khoản lớn nhất, ngoài HHV và BVB giảm, cùng VHG, OIL, SBS đứng tham chiếu, còn lại đều tăng.
Cổ phiếu BSR phiên này khớp lệnh tốt nhất với hơn 5,19 triệu đơn vị, tăng 1,3% lên 22.700 đồng, NED 5,6% lên 9.400 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị, PAS 4,9% lên 21.300 đồng, khớp 1,64 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,4 điểm ( 0,4%), lên 99,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,5 triệu đơn vị, giá trị 897,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,4 triệu đơn vị, giá trị 24 tỷ đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp