09/02/2022 16:09
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 9/2: Dòng tiền đang trở lại
Dòng tiền đang trở lại giúp sắc xanh lan tỏa trên bảng điện tử, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thép vẫn duy trì sức nóng, nhưng nhóm ngân hàng đảo chiều, cùng với VIC và GAS cản bước VN-Index.
Thị trường tiếp tục có phiên tăng nhẹ giống như phiên hôm qua khi nhóm thép là động lực dẫn dắt đà tăng, trong khi nhóm dầu khí, VIC và thêm nhóm ngân hàng làm đối trọng để VN-Index không chạy quá nhanh.
Trong phiên sáng, với sự khởi sắc của nhóm thép và sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, cũng như góp sức từ nhóm chứng khoán và sự trở lại đầy bất ngờ của VIC, VN-Index đã bay cao trong ít phút đầu lên vùng 1.510 điểm. Tuy nhiên, ở vùng giá này, lực cung gia tăng khiến nhóm ngân hàng không thể bước tiếp, trong khi VIC tiếp tục thoái lui, đẩy VN-Index về sát tham chiếu trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Bước vào phiên chiều, ngoài nhóm thép, dòng tiền chảy mạnh trở lại vào nhóm bất động sản kéo nhiều mã tăng trở lại sau chuỗi ngày lao dốc, giúp VN-Index nhích trở lại. Tuy nhiên, lực bán ra ở nhóm ngân hàng, cùng lực cản từ nhóm dầu khí và VIC khiến VN-Index không thể chạy nhanh, mà chỉ duy trì đà tăng nhẹ khi chốt phiên.
Điểm tích cực là dòng tiền đã chảy mạnh trở lại thị trường, độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng. Những lo ngại về khả năng lấp gap tạo ra trong phiên đầu năm khiến nhiều nhà đầu tư còn lưỡng lự. Tuy nhiên, rủi ro này không lớn và với sự hoạt động tích cực của dòng tiền, cùng các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD… cho thấy, xu hướng của thị trường hiện tại vẫn tích cực. Điều cần thiết với nhà đầu tư là cần giữ bình tĩnh để không bị quá hưng phấn.
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 4,39 điểm ( 0,29%), lên 1.505,38 điểm với 291 mã tăng, trong đó có thêm 10 mã tăng trần, nâng tổng số mã có sắc tím khi chốt phiên lên 17 mã trần; 161 mã giảm, trong đó có 4 mã sàn (ngoài TGG, TTE và EMC có thêm SVC) và 45 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 794,7 triệu đơn vị, giá trị 25.237,4 tỷ đồng, tăng 37,5% về khối lượng và 39,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,5 triệu đơn vị, giá trị 1.586,3 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu thép ngoài mã đầu ngành HPG hạ thấp dần độ cao, chỉ còn tăng 3,84% lên 47.300 đồng, so với mức tăng hơn 6% đầu phiên sáng, 5 mã đáng chú ý khác trong ngành đều giữ vững sắc tím là HSG, NKG, VIS, SMC và POM. Ngoài ra, TLH tăng 3,94% lên 19.800 đồng, VCA, HCM, TNA cũng có sắc xanh, trong khi DTL đứng giá tham chiếu và TNI giảm 1,22% xuống 8.100.
Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 40,3 triệu đơn vị, nhưng bị FLC vượt qua về thanh khoản trên toàn sàn. Các mã khác trong nhóm thép có thanh khoản tốt còn có HSG với hơn 8,5 triệu đơn vị, còn dư mua trần (36.450 đồng) hơn 1,2 triệu đơn vị; NKG khớp 5,7 triệu đơn vị và cũng còn dư mua trần (37.500 đồng) hơn 1,25 triệu đơn vị; TLH khớp 1,84 triệu đơn vị. Các mã còn lại khớp dưới 1 triệu đơn vị, trong đó POM, SMC, VIS còn dư mua giá trần không đáng kể, VIS thậm chí có thanh khoản rất thấp.
Nhóm chứng khoán ngoài BSI giảm 1,1% xuống 40.350 đồng, thì mã lớn HCM cũng quay đầu giảm nhẹ, còn lại đều đóng cửa với sắc xanh. Trong đó, VND là mã lớn tăng tốt nhất 2,86% lên 72.000 đồng, VCI tăng 1,68% lên 60.500 đồng, còn SSI tăng khiêm tốn chỉ 0,11% lên 45.700 đồng. Tuy nhiên, mã tăng mạnh nhất nhóm này là CTS với 3,83% lên 37.950 đồng, tiếp theo là TVB tăng hơn 3% lên 20.350 đồng.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn khá vất vả để tìm lại ánh hào quang xưa khi chỉ vừa nhích nhẹ một vài giá đã nhanh chóng bị chốt lời. Trong khi nửa đầu phiên sáng, sắc xanh bao phủ cả nhóm, thì đóng cửa phiên, chỉ còn 4 mã tăng giá là SHB tăng 3,88% lên 24.100 đồng, HDB tăng 0,64% lên 31.600 đồng, đặc biệt là BID và SSB đảo chiều từ giảm phiên sáng thành tăng 2,22% lên 48.400 đồng và 0,52% lên 38.400 đồng.
Các mã còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, đáng chú ý là mã đầu ngành VCB giảm 1,3% xuống 90.800 đồng, lấy đi của VN-Index gần 1,5 điểm. Các mã giảm mạnh có EIB giảm 2,52% xuống 34.800 đồng, STB giảm 2,23% xuống 35.050 đồng, MBB giảm 1,48% xuống 33.300 đồng. Ngoài ra, có 3 mã khác là OCB, TPB và LPB giảm trên 1%.
Về thanh khoản, STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 32,93 triệu đơn vị, tiếp đến là SHB 29,22 triệu đơn vị, MBB 21,09 triệu đơn vị, VPB hơn 18 triệu đơn vị, TCB 17,39 triệu đơn vị, LPB hơn 13,8 triệu đơn vị, ACB hơn 10 triệu đơn vị…
Nhóm dầu khí cũng chung cảnh ngộ khi chỉ có một số ít mã nhỏ giữ được đà tăng, các mã lớn đều giảm, trong đó GAS giảm mạnh nhất 3,51% xuống 110.000 đồng và cũng là mã lấy đi của VN-Index nhiều điểm số nhất gần 2 điểm. PVD cũng giảm 2,77% xuống 29.850 đồng, PGD giảm 2,37% xuống 30.900 đồng.
Ngoài GAS và VCB, một ông lớn khác cũng góp phần giữ cho VN-Index không chạy quá nhanh là VIC khi giảm 1,8% xuống 85.700 đồng, thanh khoản khá tốt hơn 8,8 triệu đơn vị. Riêng 3 đại gia này đã khiến VN-Index mất đi 5 điểm trong phiên hôm nay.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường lại nhận được sự quan tâm trở lại của dòng tiền đầu cơ, giúp nhiều mã trở lại, trong đó đáng chú ý có FLC khi đóng cửa tăng 0,4% lên 12.050 đồng, khớp lớn nhất thị trường với 51,14 triệu đơn vị.
CII từ mức sàn của nửa đầu phiên sáng, đã rút ngắn dần đà giảm và bật ngược một cách ngoạn mục trong phiên chiều khi đóng cửa tăng 1,3% lên 27.600 đồng, khớp 16,86 triệu đơn vị.
ROS cũng trở lại tham chiếu 7.790 đồng, thanh khoản hơn 15,5 triệu đơn vị. HAI cũng đóng cửa với sắc xanh nhạt 0,3% lên 5.880 đồng, AMD cũng tăng 0,5% lên 5.980 đồng.
Trong nhóm bất động sản, sau 4 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm sàn gần nhất, cổ phiếu NHA đã quay xe ngoạn mục trong phiên hôm nay, từ mức sàn 50.800 đồng, đóng cửa ở mức trần 58.400 đồng.
Tương tự, DIG sau chuỗi giảm sàn liên tiếp, đã bật mạnh trở lại trong phiên hôm nay khi về vùng hỗ trợ 62.000 đồng. Cổ phiếu này lúc sáng có lúc giảm sàn về 59.400 đồng, nhưng đã bật mạnh trở lại trong phiên chiều, đóng cửa ở mức trần 68.200 đồng, khớp hơn 10,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần nửa triệu đơn vị.
Các mã trong nhóm bất động sản, xây dựng tăng trần hôm nay còn có DRH, FCN, các tăng mạnh từ hơn 5% đến sát trần có HTN, HDC, NLG, KHD, QCG…
Trên HNX, không còn vất vả như phiên sáng, ngay sau khi mở cửa phiên chiều, chỉ số chính đã nới rộng đà tăng, dù có chút rung lắc nhẹ sau đó, nhưng với sự hợp sức của các mã lớn, chỉ số HNX-Index đã có phiên tăng điểm tốt hôm nay.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,3 điểm ( 1,51%), lên 424,19 điểm với 141 mã tăng (13 mã trần, nhiều hơn 6 mã so với phiên sáng), 92 mã giảm (7 mã sàn, nhiều hơn 3 mã so với phiên sáng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 67,9 triệu đơn vị, giá trị 1.958,8 tỷ đồng, giảm 8,7% về giá trị, nhưng nhỉnh hơn về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị 73 tỷ đồng.
Trong các mã vốn hóa lớn, chỉ còn cổ phiếu dầu khí PVS giảm 1,74% xuống 28.200 đồng, khớp 7,96 triệu đơn vị, còn lại đều tăng với đà tăng được nới rộng hơn khác nhiều so với phiên sáng.
Trong đó, ấn tượng nhất là CEO khi tăng trần lên 55.300 đồng, dù lúc sáng có thời điểm giảm sàn xuống 45.300 đồng. Thanh khoản đạt 9,17 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX và còn dư mua trần.
KSF từ mức giảm nhẹ của phiên sáng cũng đã đảo chiều tăng 1,8% lên 124.500 đồng khi đóng cửa phiên chiều, nhưng thanh khoản nhỏ giọt. Một mã cùng họ là SCG tăng 4,29% lên 94.900 đồng, thanh khoản khá hơn 400.000 đơn vị.
SHS duy trì sắc xanh với mức tăng 1,2% lên 42.000 đồng, khớp 4,64 triệu đơn vị; NVB cũng tăng 1,29% lên 31.300 đồng, thanh khoản thấp.
UPCoM sau ít phút gặp khó đầu phiên chiều, cũng đã bắt tín hiệu từ HNX để vút lên trong thời gian còn lại của phiên và chốt phiên với mức điểm tăng khá hơn nhiều phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm ( 0,43%), lên 112,00 điểm với 191 mã tăng (12 mã trần), 125 mã giảm (4 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,5 triệu đơn vị, giá trị 1.334 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Nhóm dầu khí trên UPCoM cùng chung cảnh ngộ với đồng nghiệp trên sàn niêm yết khi đều giảm hôm nay, trong đó BSR giảm 1,1% xuống 26.400 đồng, khớp lớn nhất hơn 10 triệu đơn vị. OIL giảm 2,2% xuống 17.700 đồng, khớp 2,57 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 2 mã ngân hàng có thanh khoản tốt trên UPCoM, ABB không còn đứng vững khi đóng cửa giảm 0,4% xuống 23.000 đồng, khớp 5,55 triệu đơn vị, còn BVB vẫn ở mức tham chiếu 21.200 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, C4G nới đà tăng lên 4,1% đóng cửa ở mức 20.400 đồng, khớp 5,47 triệu đơn vị. VHG vẫn giảm 1,1% xuống 8.800 đồng, khớp 5,28 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,98 điểm ( 0,13%), lên 1.552,44 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 2 tăng 5,5 điểm ( 0,36%), lên 1.541 điểm với 130.465 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 22.865 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh nhỉnh hơn sắc đỏ, trong đó mã tăng mạnh nhất là CHPG2113 do HSC phát hành tăng 41,5% lên 580 đồng, thanh khoản 749.700 đơn vị. Trong khi ở chiều ngược lại, mã giảm mạnh nhất là CVIC2109 do VCSC phát hành giảm 40% xuống 1.200 đồng, thanh khoản 682.100 đơn vị. Hôm nay có 2 mã thanh khoản trên 2 triệu đơn vị đều là chứng quyền của HPG và đều do KIS phát hành là CHPG2201 và CHPG2202 với gần 2,87 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,2% lên 1.090 đồng và hơn 2,53 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,8% lên 850 đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp