27/07/2021 16:59
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 27/7: Nhiều bluechip hạ nhiệt, VN-Index thu hẹp đà tăng
Tưởng chừng VN-Index sẽ có một phiên hồi phục mạnh sau những tín hiệu tích cực trong phiên sáng, thì áp lực bán mạnh đã quay trở lại trong phiên chiều, khiến thị trường đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.
Thị trường tiếp tục nhích lên phiên chiều và tiến lên gần 1.290 điểm, tuy nhiên, không lâu sau khi giao dịch trở lại, áp lực bán đã gia tăng khiến nhiều cổ phiếu bluechip thu hẹp đà giảm, thậm chí một số còn đảo chiều xuống dưới tham chiếu đã khiến VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng khi đóng cửa.
Về tổng thể, VN-Index vẫn trong xu hướng đi ngang ngắn hạn quanh vùng 1.250-1.300 điểm nên việc giá biến động trong khu vực này không nói lên được nhiều điều và diễn biến tăng giảm trong phiên cũng không phải là yếu tố quan trọng cho các phân tích. Tuy nhiên có thể thấy, sau 2 tuần liên tiếp đi ngang, biên độ biến động đang co hẹp lại, báo hiệu chỉ số có thể sớm kết thúc chuỗi dằng co và tạo xu thế mới, tăng hoặc giảm.
Chưa thể biết là sau chuỗi tích lũy thị trường sẽ biến động theo hướng nào, tuy nhiên, đang có những dấu hiệu tích cực. Đầu tiên là khối lượng giao dịch đang tăng dần trở lại trong vài phiên gần đây cho thấy dòng tiền vẫn ở lại thị trường và săn tìm cơ hội, một số nhóm ngành có diễn biến giá tích cực thu hút được nhà đầu tư như bất động sản, bán lẻ..., và quan trọng nhất là nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng có vai trò dẫn dắt thị trường đang giao dịch theo xu hướng tích lũy với giá trị tăng dần.
Tất nhiên, những chỉ báo trên mới chỉ là những tín hiệu tích cực ban đầu về việc hình thành nền giá mới cho thị trường, tạo niềm tin rằng, thị trường sau chuỗi đi ngang nếu có tiếp tục giảm điểm thì mức độ giảm sẽ không quá lớn vì lực bán đã khá yếu sau chuỗi giảm điểm mạnh 2 tuần đầu tháng 7. Mức hỗ trợ rất cứng vẫn là khu vực 1.200 ( /-) với VN-Index.
Chốt phiên, sàn HOSE có 206 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 4,22 điểm ( 0,33%), lên 1.287,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 577,6 triệu đơn vị, giá trị 18.550,7 tỷ đồng, tăng 14% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 46,8 triệu đơn vị, giá trị 2.188,7 tỷ đồng.
Ở nhóm các cổ phiếu lớn, bluechip, chỉ còn một số bứt hẳn lên như MSN 3,6% lên 125.500 đồng, TPB 3,6% lên 34.100 đồng, VRE 3,4% lên 27.650 đồng, POW 2,9% lên 10.800 đồng, SSI 2,4% lên 52.000 đồng.
Trong khi hàng loạt các cổ phiếu PLX, GAS, TCH, CTG, HPG, STB, TCB, REE nhích từ 0,8% đến 1,5%, tăng thấp hơn còn lại là VJC, VPB, MBB, BID, KDB và VIC.
Ở chiều ngược lại, cũng không có mã nào giảm sâu. Mất điểm mạnh nhất cũng chỉ -1,6% là VNM và VHM, còn MWG, SBT, VCB, NVL, PDR, PNJ giảm nhẹ, trong khi HDB dừng lại ở tham chiếu tại 32.500 đồng.
Thanh khoản STB dẫn đầu với hơn 29,76 triệu đơn vị khớp lệnh. HPG khớp hơn 18,2 triệu đơn vị, các cổ phiếu tài chính MBB, VPB, TCB, SSI, CTG khớp từ 11,59 triệu đến 15,89 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực chốt lời khiến FLC hạ thấp độ cao, từ sắc tím về chỉ còn 2,4% lên 10.850 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 34,66 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nổi sóng hôm qua là HNG đã hạ nhiệt, với hơn 5,87 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 0,6% lên 8.130 đồng.
Một số tăng tốt có HSG 3,8%, ROS 2,9%, AAA 3,6%, HCM 2,6%, TTF 6,8%, PVD 3,4%, GEX 2,6%, VCI 3,3%, thanh khoản cao, khớp từ 3,57 triệu đến hơn 9,6 triệu đơn vị, riêng HSG khớp được hơn 13,95 triệu đơn vị.
Đáng chú ý nhất là PSH, khi mở cửa ở mức giá sàn và giao dịch giằng co mạnh trong phiên với biên độ cao, đóng cửa leo lên mức giá trần 6,8% lên 23.600 đồng, khớp hơn 9,36 triệu đơn vị.
Ngoài ra là AGG, khi cũng có sắc tím 6,9% lên 54.100 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị và có giao dịch thỏa thuận hơn 8,66 triệu đơn vị, trị giá hơn 411 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã thu hẹp đà giảm về cuối phiên do áp lực bán gia tăng.
Mặc dù vậy, các cổ phiếu lớn vẫn giữ được mức tăng tốt như VND 3,8% lên 43.500 đồng, PVS 3% lên 24.300 đồng, SHS 3,3% lên 40.200 đồng, BSI A 2,4% lên 21.000 đồng, SHB 1,5% lên 26.800 đồng, NVB 5,7% lên 18.400 đồng.
Ở chiều ngược lại, tân binh KHG tiếp tục bị bán mạnh, và mặc dù đã thoát giá sàn, nhưng đóng cửa vẫn -5,2% xuống 16.300 đồng. Ngoài ra là TVC -3,7% xuống 13.000 đồng, TNG -2,3% xuống 21.200 đồng.
Thanh khoản phiên này VND cao nhất với 12,7 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là PVS với 10,6 triệu đơn vị, SHB khớp 7,12 triệu đơn vị, SHS khớp hơn 6 triệu đơn vị, NVB khớp 4,16 triệu đơn vị.
Đóng cửa, sàn HNX có 93 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 3,12 điểm ( 1,03%), lên 306 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,26 triệu đơn vị, giá trị 2.146 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4,2 triệu đơn vị, giá trị 71,2 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại đứng khá vững quanh mức đỉnh cao nhất tạo lập được trong phiên sáng cho đến khi đóng cửa.
Giao dịch tích cực ở khoảng 20 mã thanh khoản cao nhất, khi đều tăng điểm, với BSR tăng tốt nhất 8,1% lên 18.700 đồng, khớp lệnh cũng dẫn đầu và bùng nổ với hơn 24,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,9 điểm ( 1,07%), lên 84,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,79 triệu đơn vị, giá trị 1.123,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,07 triệu đơn vị, giá trị 54,4 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó, VN30F2108 giảm 2,8 điểm (-0,2%), xuống 1.405,3 điểm, khớp lệnh hơn 295.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 36.800 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này CVRE2013 và CHPG2108 giao dịch sôi động nhất với đều hơn 0,53 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng trong khi CHPG2108 tăng nhẹ lên 2.190 đồng/cq thì CVRE2013 lại giảm 13% xuống 260 đồng/cq.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp