Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/11: Đạp mạnh phiên ATC, nhà đầu tư không phản ứng

Chứng khoán

18/11/2021 16:50

Thị trường có nhịp giảm hơn 6 điểm trong phiên đáo hạn hợp đồng VN30F2111, nhưng nhiều nhà đầu tư không quan tâm cho lắm, khi ảnh hưởng bởi một số mã lớn bị đạp, còn sắc tím tràn ngập bảng điện tử với hơn 130 mã với không ít hiện diện ở những cổ phiếu đang có giao dịch sôi động nhất.

Sau phiên sáng nhích lên trên 1.480 điểm với thanh khoản tăng mạnh trở lại, thị trường bước vào phiên chiều đã chững lại và sau nhịp rung lắc đã về dưới tham chiếu và bò ngang trước khi bước vào phiên ATC.

Hôm nay là phiên đáo hạn của VN30F2111 và dự báo sẽ có biến động mạnh ở những phút cuối. Quả thực, trong phiên ATC, lực bán ở một số mã lớn gia tăng, khiến VN-Index lao dốc thẳng đứng, mất hơn 6 điểm về dưới 1.470 điểm.

Mỗi tháng đều có 1 phiên đáo hạn phái sinh, đa phần trong số đó thị trường đều có biến động mạnh về điểm, nhưng hầu như phiên sau đó thị trường lại hồi trở lại số điểm mất hoặc tăng để về vùng giá cũ. Nhà đầu tư đã quen với quy luật này, và riêng tháng 11 thì càng không quan tâm.

Phái sinh là câu chuyện của nhóm VN30, trước đây khi dòng tiền tập trung vào nhóm này thì việc biến động mạnh có sự tác động lớn đến thị trường chung, còn hiện tại VN30 đang đi theo một cách riêng, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới cổ phiếu nhỏ và vừa nên dễ hiểu dù thị trường giảm khá mạnh hơn 6 điểm nhưng số mã tăng điểm gần như không đổi với hơn 220 mã khi kết phiên.

Với quy luật này thì ngày mai những mã lớn có cơ hội hồi phục điểm, chỉ có một điều cần quan tâm, nếu dòng tiền rút từ mã nhỏ đảo sang thì thị trường chung sẽ bị ảnh hưởng. Còn nếu không, mọi chuyện lại bình thường.

Về tổng thể thị trường, sau 16 phiên vượt đỉnh 1.425 điểm kể từ 28/10 thì có tới một nửa 8/16 phiên lực bán lớn hơn lực mua. Điều thú vị là thị trường không bị giảm điểm, thậm chí vẫn nhích nhẹ tăng, điều này cho thấy có thêm những dòng vốn mới liên tục đổ vào thị trường để hấp thụ tất cả các lượng cổ phiếu bán ra.

Ngay cả phiên hôm nay, một nến đỏ với thanh khoản rất cao, gần 35.000 tỷ trên HOSE nhưng sàn này vẫn chứng kiến 56 mã tăng trần.

Nếu lượng tiền mới tiếp tục được duy trì ở mức độ hiện tại thì rất có thể VN-Index còn tăng thêm nữa, và tất nhiên đó là nếu, còn với sức căng của thị trường hiện nay, một cú rũ mạnh thì rất có thể mọi ngưỡng hỗ trợ phía dưới đều rất mong manh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 223 mã tăng (56 mã tăng trần) và 243 mã giảm, VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,41%), xuống 1.469,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.090,6 triệu đơn vị, giá trị 34.925,5 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,4 triệu đơn vị, giá trị 1.980,7 tỷ đồng.

Một số mã vốn hóa lớn nhất thị trường nới đà giảm ảnh hưởng mạnh đến VN-Index trong những phút cuối là VIC và VCB, cùng hai cổ phiếu GAS và HPG, vốn đã tác động lớn đến chỉ số trong phiên sáng tiếp tục giảm sâu hơn trong phiên chiều. Bốn cổ phiếu này đã lấy mất 6 điểm tăng của chỉ số VN-Index, và chiếm phần lớn cho 16 điểm giảm của VN30-Index.

Theo đó, GAS -3,1% xuống 113.800 đồng, HPG -2,8% xuống 49.950 đồng, VIC -1,9% xuống 94.500 đồng, VCB -1% xuống 97.000 đồng.

Các bluechip khác cũng mở rộng mức giảm như ACB -2,4% xuống 32.400 đồng, VPB -2,1% xuống 35.400 đồng, FPT -1,8%, PLX -1,8%, MSN -1,7%, MBB -1,4%...

Ở chiều ngược lại, SSI vẫn là cổ phiếu sáng nhất, khi giữ vững mức giá trần 7% lên 49.050 đồng, khớp hơn 40,9 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG trên toàn thị trường (HPG khớp 58,6 triệu đơn vị).

Ngoài ra chỉ còn POW 3,5% 14.650 đồng, BID 2,1% lên 44.500 đồng, VRE 2,1% lên 31.100 đồng, HDB 1,6% lên 28.250 đồng và MWG xanh nhạt khi 0,8%.

Trên bảng chính, “cơn điên” của dòng tiền đầu cơ chưa dừng lại, khi ồ ạt đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, kéo 56 mã tăng kịch trần, trong đó, có rất nhiều mã quen thuộc và thanh khoản lớn như FLC, HQC, GEX, TTF, PAN, TCH, TSC, CII, ITA, HHS, JVC, DIG, ASM, ITC, KHG, HAR, QBS, MHC, PXS, MCG, HAP, TEG, IDI, TLH, VPH, HPX…, khớp lệnh thấp nhất cũng có 1,7 triệu đơn vị và cao nhất là FLC với hơn 33 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán bùng nổ. Nếu như phiên sáng chỉ còn SSI và VIX tăng trần, thì trong phiên chiều có mặt thêm TVB, APG, AGR, CTS và BSI.

Các cổ phiếu khác trong nhóm cũng tăng mạnh với HCM 6,2% lên 48.100 đồng, VCI 5,4% lên 76.500 đồng, VND 4,4% lên 77.600 đồng, VDS 4% lên 40.700 đồng, FTS 4,3% lên 74.400 đồng, ORS 3,6% lên 34.100 đồng.

Nếu như tính chung trên cả HNX và UpCoM, thì toàn bộ nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán đều tăng điểm.

Ở chiều ngược lại, ngoài phần lớn nhóm ngân hàng là điểm trừ, thì nhóm thép còn nới đà giảm, ngoài HPG nêu trên thì HSG -6,1% xuống 39.900 đồng, NKG -5% xuống 44.000 đồng, TLH -5,1% xuống 20.550 đồng, POM -3% xuống 15.950 đồng, với HSG khớp hơn 18,4 triệu đơn vị, NKG khớp 12,1 triệu đơn vị.

Cặp đôi ngành phân bón DPM và DCM cũng giảm sâu, với DPM -5,6% xuống 48.600 đồng, khớp 16 triệu đơn vị, DCM -5,7% xuống 36.500 đồng, khớp 15,8 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí cũng lao dốc, ngoài GAS đã đề cập thì PLX -1,8% xuống 61.000 đồng, PVD -4,4% xuống 30.600 đồng, PSH -4% xuống 23.950 đồng, PGC -3,2% xuống 27.000 đồng, CNG -3,7% xuống 36.400 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục đà tăng của phiên sáng, khi nhích lên gần 470 điểm, nhưng chỉ số gần như đã hết lực và rung lắc nhẹ ngay dưới vùng giá này cho đến khi đóng cửa.

Trên bảng điện tử, ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất, ngoài PVS, LAS, TNG, PVC, TAR giảm, thì phần còn lại đều tăng.

Thậm chí còn tăng mạnh với sắc tím bao phủ LIG, ITQ, CEO, PVL, DST, HHG, CVN, SD9, PV2, SD6…

Tương tự ở nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với ART, VIG, HBS, WSS cũng đều tăng kịch trần, cùng APS 9,5% lên 59.900 đồng, BVS 8,3% lên 44.600 đồng, IVS 7,6% lên 18.500 đồng, PSI 6,1% lên 22.500 đồng, SHS 6% lên 51.500 đồng, EVS 6% lên 42.500 đồng, MBS 5,4% lên 45.000 đồng.

Đóng cửa, sàn HNX có 129 mã tăng (33 mã tăng trần) và 120 mã giảm, HNX-Index tăng 5,78 điểm ( 1,25%), lên 468,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 168,6 triệu đơn vị, giá trị 4.363,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,55 triệu đơn vị, giá trị 101,2 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rung lắc đôi chút sau khi trở lại trong phiên chiều, nhưng với sự tích cực chung của dòng tiền đã giúp chỉ số bật tăng và leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Trên bảng điện tử, ngoài nhóm dầu khí BSR, OIL và thép TVN chịu lực bán lớn, thì còn lại đều tăng khá tốt.

Theo đó, BSR -4,5% xuống 23.100 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 23,3 triệu đơn vị, OIL -3,4% xuống 17.200 đồng, TVN -5,3% xuống 17.900 đồng.

Các mã cổ phiếu công ty chứng khoán nằm trong số các mã tăng tốt nhất với CSI tăng kịch trần 15% lên 28.400 đồng, SBS 10,1% lên 20.700 đồng, khớp 10,66 triệu đơn vị, AAS 11,9% lên 29.200 đồng, khớp 4,48 triệu đơn vị, BMS 9,2% lên 28.500 đồng, TCI 12,1% lên 29.700 đồng.

Đóng cửa, với 157 mã tăng (41 mã tăng trần) và 141 mã giảm, UpCoM-Index tăng 1,31 điểm ( 1,17%), lên 113,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 143,4 triệu đơn vị, giá trị 3.105,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,53 triệu đơn vị, giá trị 126,6 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, phiên đáo hạn của VN30F2111 đã đảo chiều giảm, đóng cửa mất 16,3 điểm (-1,07%), xuống 1.504,1 điểm, khớp lệnh hơn 97.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 21.400 đơn vị.

Cả 3 hợp đồng còn lại cũng kết phiên trong sắc đỏ, với VN30F2112 giảm 11,8 điểm, tương đương -0,78% xuống 1.509 điểm, khớp hơn 15.900 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, lác đác một vài mã còn tăng như CVRE2107, CVRE2106, CVRE2109, trong khi ở nhóm thanh khoản cao CSTB2110 và CSTB2106 đứng tham chiếu và CHPG2111 giảm 13% xuống 1.400 đồng/cq, khớp lệnh cao nhất với hơn 3,5 triệu đơn vị.

LẠC NHẠN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement