14/09/2021 16:37
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/9: Hơn 40 mã tăng trần, VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ
Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh giúp bảng điện tử xuất hiện rất nhiều sắc tím ở các mã vừa và nhỏ, nhưng sức ỳ từ nhóm bluechip khiến VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm.
Trong phiên sáng, mốc 1.350 điểm một lần nữa trở thành vùng cản khó khăn của VN-Index khi chỉ số thêm một lần bị đẩy trở lại lúc tiếp cận mốc này và đóng cửa chỉ giữ được sắc xanh nhạt. Điểm đáng lưu ý là dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhóm này duy trì sức nóng, trong khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt phân hoá, biến động trong độ hẹp là lực cản chính với VN-Index.
Bước sáng phiên giao dịch chiều, sắc xanh nhạt có được khi chốt phiên sáng nhanh chóng cũng tan biến khi dòng tiền gần như né tránh nhóm cổ phiếu bluechip, mà chỉ tập trung đua sóng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng nóng thời gian gần đây.
Diễn biến này không những khiến độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm, VN-Index có thêm phiên điều chỉnh, mà thanh khoản thị trường cũng giảm so với phiên trước.
VN-Index khi giảm về gần sát đường MA20 ở 1.335,4 điểm đã nảy trở lại và đóng cửa trên đường trung bình này. Tuy nhiên, đường MA20 này đang có xu hướng đi xuống.
Đóng cửa, sàn HOSE có 168 (44 mã tăng trần) mã tăng 234 mã giảm, VN-Index giảm 1,73 điểm (-0,13%), xuống 1.339,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 730,45 triệu đơn vị, giá trị 19.659 tỷ đồng, giảm gần 6% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,2 triệu đơn vị, giá trị 1.652,7 tỷ đồng.
Sự trỗi dậy của MSN và SAB đã không cứu được chỉ số, khi mà áp lực từ giảm điểm từ nhóm ngân hàng cũng như HPG, VJC gây sức ép.
Nếu như trong phiên sáng, SAB vươn lên dẫn đầu mức tăng trong số các bluechip thì trong phiên chiều đã hạ nhiệt, từ mức tăng 4,5% đã chỉ còn 2,8% lên 166.000 đồng, trong khi đó, MSN lại nới đà tăng 3,8% lên 135.500 đồng. Đây cũng là hai mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Một vài sắc xanh le lói khác tại VRE, FPT, GVR, GAS và VCB.
Trái lại, nhóm ngân hàng với CTG, VPB, BID, TCB, MBB, ACB, HDB nằm trong số những cổ phiếu gây tác động tiêu cực nhất đến VN-Index cùng HPG và VJC.
Trong đó, CTG dẫn đầu mức giảm, khi mất 2%, VJC -1,7%, HDB -1,6%, VPB -1,4%, ACB -1,3%.
Lực cản khác còn đến từ các bluechip PNJ khi -3,3% xuống 89.000 đồng, POW -3% xuống 11.500 đồng, SSI -2,5% xuống 42.500 đồng.
Còn lại, nhóm các cổ phiếu bất động sản lớn như NVL, PDR, VHM, VIC, KDH dừng chân ở tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hoạt động mạnh mẽ, với diễn biến tương tự phiên sáng, khi dòng tiền kéo hơn hơn 40 mã tăng kịch trần, trong đó, điểm đến thu hút dòng tiền nhất vẫn là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng.
Cụ thể, ngoài những DLG, TDH, AMD, CRE, HID, KHG, TLD, VPH, DC4, PXI đã tăng kịch trần thì trong phiên chiều còn đón nhận thêm HQC, TNI, TTB, QCG, TDG, CCI, PTL …
Trong đó, HQC tăng vọt về thanh khoản với gần 32 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu sàn HOSE và còn dư mua giá trần hơn 4,73 triệu đơn vị. cổ phiếu DLG khớp lệnh chỉ đứng sau HQC, với hơn 26,74 triệu đơn vị.
Sắc tím khác còn có tại các cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu AGM, GIL, QBS, FED, với nhóm công nghệ - viễn thông là ITD, CMG, ELC, SGT, nhóm dược phẩm là SPM và VMD, nhóm vận tải, cảng biển có VOS, CCL.
Cùng với đó là các cổ phiếu có những thông tin riêng gần đây tác động đã tiếp tục giữ sắc tím là SJF, HVN, FTM, TGG.
Chiều nay còn ghi nhận đà tăng mạnh ở cổ phiếu DGW, khi cũng tăng hết biên độ 7% lên 116.700 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Thông tin mới nhất đến DGW là tại Báo cáo tài chính bán niên soát xét có sở hữu 36% vốn tại Dược Đại Tín – công ty có Tổng giám đốc là ông Nguyễn Luy Xít, đồng thời, ông Xít cũng là Phó tổng giám đốc của VMD.
Ở chiều ngược lại, cặp đôi mẹ con FIT-TSC là đại diện giảm giá đáng chú ý nhất, khi đều lùi về mức giá sàn, với FIT -6,8% xuống 15.150 đồng, khớp hơn 24,58 triệu đơn vị, còn TSC -6,8% xuống 10.200 đồng, khớp 6,75 triệu đơn vị.
Cùng lùi xuống mức giá sàn là PHC và BKC về 19.550 đồng và 10.400 đồng, với khối lượng khớp lệnh lần lượt 1,78 triệu và 1,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều, đặc biệt ở những phút cuối cũng đã kéo HNX-Index lùi về dưới tham chiếu khi đóng cửa.
Đóng cửa, sàn HNX có 100 mã tăng (52 mã tăng trần) và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 1,2 điểm (-0,34%), xuống 347,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 165 triệu đơn vị, giá trị 3.137 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,8 triệu đơn vị, giá trị 148,1 tỷ đồng.
Lực bán khiến các mã lớn nới đà giảm so với cuối phiên sáng là tác nhân chính kéo lùi chỉ số với SHB -1,2% xuống 25.600 đồng, MBS -3,4% xuống 33.800 đồng, SHS -2,3% xuống 39.100 đồng, BVS -2,7% xuống 32.700 đồng, AMV -5,2% xuống 11.000 đồng, NVB -1,3% xuống 31.000 đồng.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn khỏe với ACM, DST, MBG, BII, TTH, HHG, VIG, ITQ, PV2, HOM, KVC, FID, SD6, CTC, OCH đều đã tăng kịch trần, cùng KLG 7,1%, DL1 8,2%.
Thanh khoản KLF vẫn đứng đầu với hơn 14,25 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 12,4 triệu đơn vị, PVS khớp 7,67 triệu đơn vị, MBG, DST và ACM khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đuối dần trong phiên chiều, sau khi đã chìm xuống dưới tham chiếu ở cuối phiên sáng.
Tương tự, nhóm cổ phiếu nhỏ ồ ạt đứng sắc tím như VHG, KSH, PFL, ILA, BVG CDO, PXT và cùng DDV lên 36.200 đồng.
Nhóm các cổ phiếu quen thuộc như BSR, VGT, SBS, TVN, ORS, AAS, BVB, DVN đều giảm.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,26%), xuống 95,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,7 triệu đơn vị, giá trị 1.571,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2,59 triệu đơn vị, giá trị 137,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F21019 mất 5,5 điểm (-0,38%), xuống 1.436,5 điểm, khớp lệnh hơn 130.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 32.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế hơn, nhưng CVRE2106 là điểm nhấn, khi có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 1,96 triệu đơn vị đã tăng 5,55% lên 1.900 đồng/cq.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp