07/05/2021 16:02
Giao dịch chứng khoán chiều 7/5: Cổ phiếu thép nổi sóng, VN-Index hãm đà rơi
Dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm và lấy lại mốc 1.240 điểm. Điểm nhấn thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu ngành thép khi các mã đua nhau tăng mạnh cả về giá cùng thanh khoản sôi động.
Liên tục những ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng được công bố cùng những lệnh phong tỏa một số tỉnh thành và bệnh viện đã phần nào tác động đến tâm lý chung của thị trường. Bảng điện tử bao phủ chủ yếu bởi sắc đỏ ngay từ khi mở cửa và có phần tiêu cực hơn vào cuối phiên sáng khi áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng đã khiến VN-Index cắm đầu đi xuống.
Đà giảm vẫn duy trì khi thị trường mở cửa phiên giao dịch đã đẩy VN-Index về sát mốc 1.230 điểm chỉ sau khoảng 20 phút giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm, đồng thời thanh khoản tăng vọt.
Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 307 mã giảm, VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,7%), xuống 1.1.241,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 783 triệu đơn vị, giá trị 22.420,12 tỷ đồng, tăng 7,19% về khối lượng và 10,37% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,83 triệu đơn vị, giá trị 1.348,45 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, các cổ phiếu thép đều tăng vọt sau cú hạ nhiệt cuối phiên sáng. Cụ thể, HPG tăng 2,4% lên 60.800 đồng/CP, HSG tăng 5,2% lên 36.700 đồng/CP, NKG tăng 6,8% lên sát mức giá trần 30.000 đồng/CP, TLH tăng 5,8% lên 17.300 đồng/CP, POM tăng 4,7% lên 18.800 đồng/CP, VIS tăng 3,6% lên 19.900 đồng/CP… Trong đó HPG và HSG vẫn là điểm sáng về thanh khoản với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 29,55 triệu đơn vị và 20,88 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, dòng bank cũng đóng vai trò má phanh giúp thị trường bớt lao dốc khi nhiều mã hồi phục hoặc nới rộng đà tăng như CTG tăng 2,1% lên 43.800 đồng/CP, LPB tăng 3,8% lên 21.600 đồng/CP, HDB tăng 4,2% lên 30.000 đồng/CP, ACB tăng 1,1% lên 35.200 đồng/CP, TPB tăng 3,4% lên 29.100 đồng/CP.
Ngoài ra, MBB lấy lại mốc tham chiếu, còn VPB, TCB, STB chỉ điều chỉnh nhẹ. Trong đó, STB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với gần 48,5 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa đứng tại mức giá 24.000 đồng/CP, giảm 1,6%.
Tuy nhiên, cổ phiếu đầu ngành VCB vẫn chưa thể thoát khỏi đà giảm khá sâu trước áp lực bán trong nước và nước ngoài. Kết phiên, VCB giảm 2,3% xuống 97.000 đồng/CP, khối ngoại bán ròng gần nửa triệu đơn vị.
Một mã lớn khác cũng khiến nhà đầu tư mất vui đó là VNM. Kết phiên, cổ phiếu VNM đã giảm 2,9% xuống mức 87.000 đồng/CP, đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 9 tháng qua. Tuy nhiên, thanh khoản của VNM vẫn duy trì ở mức cao với hơn 6,74 triệu đơn vị và tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi ROS vẫn giảm sâu tới 5,6% về gần mức giá sàn khi đóng cửa tại mức giá 6.200 đồng/CP, thì FLC đã đảo chiều thành công khi tăng 1,8% lên mức giá 11.500 đồng/CP. Đồng thời, AMD cũng khá ngoạn mục khi bật mạnh tăng 5,3% lên mức giá cao nhất ngày 7.380 đồng/CP.
Các mã nóng khác như HQC, ITA, HNG, HAI, DLG, TSC, LDG… vẫn chưa thể thoát khỏi phiên giảm sâu.
Trên sàn HNX, thị trường cũng bật mạnh đi lên trong gần nửa cuối phiên giúp HNX-Index lên mức cao nhất trong phiên chiều dù chưa thoát khỏi sắc đỏ.
Đóng cửa, sàn HNX 66 mã tăng và 155 mã giảm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,44%), xuống 279,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 114,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.167 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,47 triệu đơn vị, giá trị 189,54 tỷ đồng.
Bên cạnh bộ đôi cổ phiếu ngân hàng là SHB và NVB, cùng VIF, DTK lấy lại mốc tham chiếu, sắc xanh nhạt ở một số mã lớn khác như IDC, THD, đặc biệt VND tăng 2,9% lên mức 39.500 đồng/CP đã phần nào giúp thị trường bớt giảm sâu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ P vẫn không mấy tích cực với PVS giảm 2,4% xuống 20.600 đồng/CP, PVB giảm 1,9% xuống 15.700 đồng/CP, PVC giảm 3,1% xuống 9.500 đồng/CP, PVI giảm 1,2% xuống 32.200 đồng/CP…
Về thanh khoản, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 21,94 triệu đơn vị. Đứng thứ 2 là cổ phiếu KLF khớp xấp xỉ 9 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 5.100 đồng/CP, giảm 1,9%.
Trên UPCoM, thị trường cũng bớt tiêu cực hơn khi biên độ giảm được thu hẹp về cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,4%), xuống 80,85 điểm với 151 mã tăng và 202 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97 triệu đơn vị, giá trị 900,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 32,46 triệu đơn vị, giá trị 424,27 tỷ đồng.
Cặp đôi dầu khí BSR và PVX có diễn biến trái chiều, trong khi BSR vẫn giảm sâu 5,1% xuống mức 14.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 12,27 triệu đơn vị, thì PVX đảo chiều tích cực khi tăng 4,3% lên 2.400 đồng/CP và khớp 11,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, cổ phiếu thép TVN tiếp tục dâng cao trong phiên chiều khi tăng 6,2%, kết phiên đứng ở mức giá 15.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 3,82 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2105 giảm 1% xuống 1.323,8 điểm, khớp lệnh hơn 209.570 đơn vị, khối lượng mở 32.230 đơn vị.
undefined
Trên thị trường chứng quyền, cũng như phiên hôm qua, phiên hôm nay có đến 11 mã chứng quyền tăng trần trên tổng số 15 mã trên sàn HOSE. Trong đó, CTCH2001 dẫn đầu thanh khoản với 93.040 đơn vị được khớp lệnh nhưng đóng cửa giảm 43,3% xuống mức 340 đồng/CQ.
Tiếp theo đó là CMSN2103 khớp 85.420 đơn vị và kết phiên tăng 25,9% lên mức giá trần 5.340 đồng/CQ.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp