07/01/2022 16:07
Giao dịch chứng khoán chiều 7/1: VN30 gây sức ép, nhóm cổ phiếu bất động sản lại độc diễn
Nhóm bluechip bị bán mạnh trong đợt khớp ATC đã kéo VN-Index về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, nhóm bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng loạt mã tiếp tục duy trì sắc tím.
Mặc dù chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip nhưng thị trường chỉ rung lắc nhẹ khi nhóm bất động sản vẫn giữ nhịp. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu cơ cũng tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khác, giúp hàng loạt mã đua nhau tăng mạnh cùng giao dịch sôi động.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch giằng co quanh vùng giá tham chiếu với biên độ khá hẹp khi một bên là nhóm bluechip, đặc biệt là các mã trong nhóm VN30 bị nhà đầu tư loại dần ra khỏi danh mục, còn một bên là nhóm cổ phiếu nóng vẫn có sức hút mạnh với dòng tiền, nhất là nhóm bất động sản.
Giống như các phiên đầu tuần, VIC sau phiên thăng hoa hôm qua với hiệu ứng xe điện Vinfast và thông tin Tập đoàn đầu tư lớn tại Mỹ, đã nhanh chóng bị chốt ra hôm nay, gây sức ép lớn nhất tới thị trường, khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên.
Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên giảm nhẹ này thì xu hướng tăng của VN-Index vẫn chưa có gì thay đổi, khi chỉ số vẫn kết phiên trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.525 điểm và mục tiêu tiếp theo là vùng kháng cự trong khoảng 1.530-1.550 điểm (Fib 161,8% sóng điều chỉnh 4).
Ngoài ra, dù số mã giảm chiếm ưu thế, nhưng dòng tiền vẫn tập trung trung mạnh vào các mã tăng, cho thấy xu hướng dòng tiền vẫn tích cực.
Đóng cửa, sàn HOSE có 211 mã tăng và 247 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,09 điểm (-0,01%) xuống 1.528,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.027 triệu đơn vị, giá trị gần 31.900 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và 9,87% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,59 triệu đơn vị, giá trị 2.718,8 tỷ đồng.
Nhóm VN30 hầu hết chuyển đỏ khi có tới 21 mã giảm, gấp gần 3 lần số mã tăng (chỉ 8 mã) và chỉ số VN30-Index để mất 12,71 điểm, xuống mức 1.532,24 điểm.
Trong đó, một số mã lớn tác động mạnh tới chỉ số chung như VIC sau phiên bùng nổ hôm qua đã quay đầu điều chỉnh và để mất 2,2%, xuống mức giá thấp nhất ngày 102.200 đồng/CP.
Các mã giảm mạnh khác là CTG, TPB, VRE cùng để mất 2,4%, NVL giảm 2%, BVH giảm 1,1%... còn HPG, SAB, GVR, VNM, FPT… điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, POW vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm khi ghi nhận mức tăng 4,7% và kết phiên đứng tại mức giá 20.150 đồng/CP; GAS tăng 3,7% lên 107.500 đồng/CP, BID tăng 3,2% lên 39.200 đồng/CP, PLX tăng 1,4% lên 56.300 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC tiếp tục tỏa sáng khi đồng loạt tăng mạnh. Bên cạnh AMD và HAI giữ đà tăng trần từ phiên sáng, trong phiên chiều, cổ phiếu FLC giao dịch bùng nổ khi tăng vọt lên mức giá trần 22.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới gần 31,7 triệu đơn vị, chỉ đứng sau POW về thanh khoản, đạt 32,88 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần tới gần 11 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, ROS cũng tăng vọt với biên độ tăng 5,3% và kết phiên đứng tại mức giá cao nhất ngày 16.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 29,84 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường.
Xét về nhóm ngành, bất động sản và xây dựng đang là nhóm ngành đáng chú ý nhất của thị trường. Trong đó, BCM vẫn duy trì đà tăng trần và ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Kết phiên, BCM tăng 6,94% lên mức 75.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu DIG sau phiên rung lắc hôm qua cũng đã nhanh chóng lấy lại sắc tím và lập đỉnh lịch sử mới. Với mức tăng 6,94%, cổ phiếu DIG kết phiên đứng tại mức giá 117.100 đồng/CP và khớp lệnh lên tới hơn 4,24 triệu đơn vị.
Ngoài ra, hàng loạt mã vừa và nhỏ khác như FLC, LCG, LDG, CII, QCG, NBB, VPH… đua nhau tăng trần. Các mã khác như HQC tăng 4,3%, SCR và DXG cùng tăng 3%, HBC tăng 2,1%...
Cổ phiếu BCG giữ vững đà tăng trần và chốt phiên đứng tại mức giá 25.900 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt so với những phiên gần đây, đạt gần 6,7 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,12 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HOSE vẫn diễn biến phân hóa nhưng có phần kém tích cực khi các mã lớn như SSI, HCM, VND, VCI hay CTS, FTS, TVS, TVB đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong khi VIX là mã tăng tốt nhất với biên độ tăng gần 5,5% và kết phiên đứng tại mức giá 34.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 9,76 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh điểm sáng BID tăng mạnh nhất trong ngành, một số mã khác như LPB tăng 2,3%, VCB và MBB cùng tăng 0,88%, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ với SSB vẫn giảm 3,41%, CTG giảm 2,35%, TPB, STB và EIB cùng giảm 2,3%; VPB, ACB, MSB, SHB giảm hơn 1%...
Trong khi nhóm cổ phiếu thép vẫn tỏ ra yếu kém với các mã lớn HPG, HSG và NKG để mất trên dưới 1%.
Trên sàn HNX, trái với sàn HOSE, nhóm cổ phiếu HNX30 tăng tốc, tạo động lực giúp HNX-Index tăng vọt, lên vùng giá cao nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 159 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 8,95 điểm ( 1,85%), lên 493,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 143,93 triệu đơn vị, giá trị 4.073,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,38 triệu đơn vị, giá trị 306,3 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 ghi nhận 22 mã tăng và chỉ 7 mã giảm, chỉ số HNX30-Index tăng tới 23,18 điểm lên mức cao nhất ngày 874,02 điểm và thanh khoản cũng chiếm hơn 1/2 với tổng giá trị giao dịch đạt 2.269 tỷ đồng.
Trong đó, đóng góp tích cực vào đà tăng mạnh của thị trường là IDC khi kết phiên tăng 9,9% lên sát mức giá trần 78.000 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động, tới gần 3,8 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu CEO tiếp tục lập đỉnh mới khi tăng 7,1% và kết phiên đứng tại mức 92.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,76 triệu đơn vị.
Một số mã tăng mạnh khác trong nhóm bất động sản và xây dựng như L14 tăng trần, DTD tăng 5,4%, LHC tăng 4,5%, IDV tăng 2%...
Bên cạnh nhóm bất động sản, nhóm dệt may trên sàn HNX cũng có diễn biến tích cực với MPT và NPS đều tăng trần, TNG tăng 5,56% lên mức 36.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch lên tới hơn 4,4 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng là điểm nhấn của thị trường. Trong đó, KLF nhanh chóng thiết lập sắc tím và kết phiên tăng 9,6% lên mức giá trần 10.300 đồng/CP và khớp lệnh tới gần 14,94 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HNX, bỏ xa vị trí thứ 2 thuộc về PVS khớp 10,55 triệu đơn vị.
Các mã tăng tốt khác như DL1, ACM, SD6, SDT… tăng kịch trần, ART tăng 6,5% lên mức 18.100 đồng/CP, TTH tăng 8,4% lên sát mức giá trần 9.000 đồng/CP, LIG tăng 3,5% lên 20.600 đồng/CP…
Trên UPCoM, sắc xanh cũng bao phủ trên diện rộng và thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên chiều.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1,22 điểm ( 1,06%), lên 115,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 169,13 triệu đơn vị, giá trị 2.527,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 32,78 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHG vẫn duy trì đà tăng mạnh và kết phiên tăng 14,5% lên mức giá trần 12.600 đồng/CP và khớp 14,7 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần gần 1,8 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã vừa và nhỏ khác như KSH, PVX, HVG, DCS, PPI, MPT đều tăng trần với khối lượng khớp trên dưới 3 triệu đơn vị đến gần 7 triệu đơn vị, đồng thời kết phiên đều trong trạng thái trắng bên bán với lượng dư mua trần chất đống, điển hình như PVX lên tới 13,73 triệu đơn vị, HVG dư mua trần 3,77 triệu đơn vị…
Cũng như sàn HNX, cổ phiếu dệt may VGT trên UPCoM cũng có phiên giao dịch khởi sắc khi đóng cửa tăng 7,4% lên mức 30.500 đồng/CP và thanh khoản chỉ đứng sau VHG khi khớp 11,53 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR tăng 1,3% lên 24.300 đồng/CP và khớp hơn 10,55 triệu đơn vị, còn OIL tăng 2,7% lên 19.100 đồng/CP và khớp 4,17 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều kết phiên trong sắc đỏ, với VN30F2201 giảm 5,5 điểm (-0,4%), xuống 1.539,6 điểm, khớp lệnh hơn 105.560 đơn vị, khối lượng mở gần 29.010 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó, CTCB2112 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 284.220 đơn vị và kết phiên giảm 4,1% xuống mức 1.170 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVHM2110 khớp 171.340 đơn vị và kết phiên tăng nhẹ 0,8% lên 1.260 đồng/CQ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp