05/05/2021 16:30
Giao dịch chứng khoán chiều 5/5: HDB khởi sắc, VN-Index giữ vững đà tăng
Với sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index giữ vững đà tăng, dù mức tăng bị hãm lại so với phiên sáng do áp lực chốt lời ở một số mã bluechip khác.
Trong phiên giao dịch sáng, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng giúp VN-Index tăng khá tốt ngay khi mở cửa. Dù có chút rung lắc ở ngưỡng 1.250 điểm, nhưng sự tự tin nhanh chóng trở lại giúp VN-Index bất lên hương tới ngưỡng 1.260 điểm. Từ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, dòng tiền lan tỏa dân ra các nhóm khác, nhất là các mã thị trường, tạo ra làn sóng mới ở nhóm cổ phiếu này.
Bước vào phiên chiều, dư âm của phiên sáng, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh với nhóm ngân hàng giúp VN-Index nới rộng đà tăng và xác lập mức đỉnh của ngày tại trên ngưỡng 1.265 điểm. Trong đó, đáng chú ý trong nhóm bluechip là sự khởi sắc của cổ phiếu HDB khi có lúc mã này được kéo lên mức giá trần 29.100 đồng với giao dịch sôi động khi cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều tham gia giao dịch rất tích cực.
Dù không giữ được sắc tím khi chốt phiên, nhưng HDB vẫn có mức tăng mạnh 6,8% lên 29.050 đồng, thanh khoản đạt 17,4 triệu đơn vị. Mức tăng mạnh nhất trong nhóm VN30, hay nhóm ngân hàng, thậm chí là trong nhóm bluechip, còn thanh khoản đứng trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE hôm nay.
Không chỉ HDB, nhiều mã ngân hàng khác cũng giữ được sự sôi động và khởi sắc về giá, góp phần đẩy VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.245 - 1.250 điểm. Tuy nhiên, sau khi xác lập mức đỉnh của ngày nửa đầu phiên chiều trên ngưỡng 1.265 điểm, áp lực chốt lời gia tăng, trong đó xuất hiện ở một số mã trụ như VIC, HPG, VNM, SAB, MSN…, khiến đà tăng của thị trường bị hãm lại. VN-Index đóng cửa thấp hơn mức điểm của phiên sáng, dù số mã tăng nhiều hơn phiên sáng.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 14,23 điểm ( 1,15%), lên 1.256,43 điểm với 330 mã tăng, gấp hơn 3,5 lần so với số mã giảm (93 mã giảm). Tổng khối lượng giao dịch đạt 744,4 triệu đơn vị, giá trị 21.209,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 59 triệu đơn vị, giá trị 2.192,4 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, trong khi HDB là mã có mức tăng giá tốt nhất, thì STB, TCB và MBB là 3 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường. Trong đó, STB khớp 51,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,5% lên 24.700 đồng; TCB khớp 28,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,9% lên 45.950 đồng; MBB khớp 25,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 31.700 đồng.
Các mã khác như CTG, VPB, ACB, MSB cũng có giao dịch tích cực với mức tăng từ 1% đến hơn 3%, thanh khoản trên dưới 20 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một số mã khác lại đi ngược sóng khi đóng cửa giảm như LPB giảm 0,93% xuống 21.300 đồng, VIB giảm 0,72% xuống 55.000 đồng, EIB giảm 0,76% xuống 26.200 đồng. Tân binh trong nhóm này là SSB có mức tăng nhẹ 0,19% lên 26.450 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị.
Các mã bluechip đi ngược thị trường hôm nay ngoài 3 mã ngân hàng trên, còn có HPG giảm 0,84% xuống 59.300 đồng, khớp 24,5 triệu đơn vị, SAB giảm 0,5% xuống 160.400 đồng. Các mã VIC, VHM, VNM, MSN, VRE… hãm đà tăng.
Ở các nhóm cổ phiếu thị trường, các mã ROS, FLC, HAI, ADM, PVD… vẫn giữ sắc tím, nhưng giao dịch kém sôi động khi không có thêm nhiều lực cung, khiến lượng dư mua giá trần tăng thêm.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự khi chỉ số HNX-Index xác lập mức đỉnh của ngày trong nửa đầu phiên chiều trước khi hạ nhiệt nhẹ cuối phiên do áp lực chốt lời, nhưng đóng cửa vẫn cao hơn phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,22 điểm (1,69%), lên 280,93 điểm với 156 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 134,8 triệu đơn vị, giá trị 2.844 tỷ đồng, tăng 31,6% về khối lượng và 53% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,8 triệu đơn vị, giá trị 494,5 tỷ đồng.
Các mã ngân hàng trên sàn này đều hồi trở lại, NVB và BAB trở lại tham chiếu, còn SHB đảo chiều tăng 0,38% lên 26.400 đồng, khớp 18,6 triệu đơn vị, lớn nhất sàn. Trong khi PVS vẫn gữi sắc tím 21.600 đồng, khớp 11,6 triệu đơn vị. VND, SHS, CEO cũng giữ được mức tăng tốt từ 2% đến hơn 3%.
Trong các mã thị trường, trong khi ART vẫn yên vị ở mức trần 10.000 đồng, thì KLF mất sắc tím khi đóng cửa tăng 8% lên 5.400 đồng. Một mã nhỏ khác tăng mạnh là HUT tăng 6,8% lên 6.300 đồng, có lúc chạm trần 6.400 đồng.
Trên thị trường UPCoM, diễn biến cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi nới đà tăng đầu phiên chiều, sau đó hạ nhiệt ở cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,8 điểm ( 1,00%), lên 80,66 điểm với 201 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,1 triệu đơn vị, giá trị 1.012 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,2 triệu đơn vị, giá trị 180 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã có giao dịch sôi động và mức tăng tốt hôm nay khi đóng cửa tăng 11,9% lên 16.000 đồng, thanh khoản đạt 19,5 triệu đơn vị. Tiếp đến là ABB khớp 3,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,4% lên 17.300 đồng. KSH tăng 10,7% lên 3.100 đồng, thanh khoản 2,3 triệu đơn vị. VHG tăng 6,5% lên 3.300 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị. OIL tăng 8,3% lên 13.000 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng không mạnh bằng. Cụ thể, VN30-Index tăng 1,42% lên 1.346,89 điểm, còn hợp đồng có thời hạn đáo hạn trong tháng 5 là VN30F2105 tăng 1,2% lên 1.335,9 điểm với 224.033 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 34.905 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, nhóm chứng quyền do MBS phát hành vẫn giữ sóng cả về giá và thanh khoản. Trong đó, các mã tăng trần có CVHM2015 lên 2.360 đồng ( 56,3%), thanh khoản 0,34 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 2,2 triệu đơn vị. CVNM2104 lên 1.990 đồng ( 46,3%), thanh khoản 0,85 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 1,6 triệu đơn vị. CVPB2104 lên 4.510 đồng ( 43,2%) thanh khoản 0,15 triệu đơn vị. CVRE2104 lên 3.750 đồng ( 39,9%), thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. CKDH2102 lên 4.520 đồng ( 39,1%), thanh khoản 0,13 triệu đơn vị. CMWG2105 lên 4.290 đồng ( 38,8%), thanh khoản 0,85 triệu đơn vị. CSTB2104 lên 5.890 đồng ( 38,6%), thanh khoản 0,24 triệu đơn vị.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp