28/04/2021 16:07
Giao dịch chứng khoán chiều 28/4: Dòng tiền yếu, VN-Index chưa thể 'bước qua' mốc 1.230
Mặc dù nhận được sự hỗ trợ khá tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip khi hầu hết đều giao dịch khởi sắc, nhưng với thanh khoản yếu khiến VN-Index chưa thể "bước qua" mốc 1.230 điểm.
Sự trở lại khá tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank đã giúp thị trường khởi sắc sau thời gian ngắn rung lắc đầu phiên sáng.
Tâm lý hứng khởi ở cuối phiên sáng đã lan sang phiên chiều giúp VN-Index dễ dàng chạm mốc 1.230 điểm ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa thoát khỏi tâm lý lo ngại sau những phiên biến động mạnh vừa qua khiến thị trường nhanh chóng hạ nhiệt sau khi thử thách vùng giá này.
Thậm chí, có thời điểm VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu và đã bất ngờ bật mạnh về cuối phiên, đặc biệt trong đợt khớp ATC, nhiều bluechip đã lấy lại phong độ giúp chỉ số này áp sát ngưỡng 1.230 điểm. Nhưng, điều đáng nói chính là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm.
Thanh khoản thấp tất nhiên là một chỉ báo không tích cực với những nhà đầu tư mong muốn thị trường bât lại hình chữ V sau nhịp lao dốc từ đỉnh, nhưng cũng là chỉ bảo chấp nhận được khi cho thấy lực cung cũng không còn quá mạnh và thị trường đang dần hình thành nhịp tích lũy trước khi có thể tìm một hướng đi mới. Nếu dòng tiền F0 chưa thoát hẳn khỏi thị trường mà chỉ đứng quan sát thì một đợt tăng điểm nhẹ, nhưng kéo dài 5-10 phiên sẽ dễ dàng kéo dòng tiền này gia nhập trở lại thị trường.
Đóng cửa, sàn HOSE có 280 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 9,8 điểm ( 0,8%), lên 1.229,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 612,7 triệu đơn vị, giá trị gần 15.410 tỷ đồng, đều giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,2 triệu đơn vị, giá trị 1.162,86 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn vẫn duy trì sắc xanh, ngoại trừ ACB, LPB điều chỉnh nhẹ 0,5%, VCB đứng giá tham chiếu. Các mã tăng tốt có MBB tăng 2,2% lên 30.250 đồng/CP, VPB tăng 3,4% lên mức cao nhất ngày 55.000 đồng/CP, cổ phiếu tăng tốt nhất vẫn là STB với biên độ tăng 4,8% lên mức 24.200 đồng/CP cùng thanh khoản lên tới 71,13 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã bluechip khác như BVH, GAS, VHM, FPT… duy trì đà tăng nhẹ.
Đáng chú ý là màn hồi phục mạnh trong thời gian cuối phiên của NVL đã giúp cổ phiếu này có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp và xác lập đỉnh mới. Kết phiên, NVL tăng 5,3% lên mức giá cao nhất ngày 128.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,23 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ sau 3 phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu NVL đã tăng 20.700 đồng/CP, tương ứng tăng 19,63%.
Một trong những mã khác thuốc nhóm VN30 giữ đà tăng ổn định trong suốt cả phiên chiều là cổ phiếu TCH. Kết phiên, TCH tăng 1,1% lên mức 22.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 3,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đã có những “sao đổi ngôi”, cụ thể như DLG sau 2 phiên tăng trần đã quay đầu về nằm sàn trong phiên hôm nay và kết phiên đứng tại mức giá 3.190 đồng/CP với khối lượng khớp gần 10,7 triệu đơn vị và dư bán sàn 144.300 đơn vị.
Trái lại, AMD dù biến động giằng co quanh mốc tham chiếu trong suốt phiên sáng và hơn 30 phút đầu phiên chiều, nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này bật tăng mạnh lên mức giá trần sau 2 phiên nằm sàn đầu tuần. Kết phiên, AMD tăng 6,9% lên mức 7.240 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,72 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi TSC và TTF vẫn duy trì sắc tím và dư mua trần khá lớn. Trong đó, TSC tăng 6,6% lên mức 10.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,23 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,94 triệu đơn vị, còn TTF tăng 7% lên mức 7.530 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2,1 triệu đơn vị và dư mua trần xấp xỉ 3,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sắc xanh bao phủ trên diện rộng thị trường, tiếp tục dẫn dắt đà tăng cho HNX-Index và chỉ số này đã được kéo lên mức cao nhất ngày khi kết phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 133 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 1,51 điểm ( 0,54%) lên 282,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 85,75 triệu đơn vị, giá trị 1.704,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,15 triệu đơn vị, giá trị 297,73 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng chỉ có 6 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu gồm PVC, SLS, NVB, NTP, LAS, DHT, trong đó LAS và NTP là 2 mã giảm mạnh nhất hơn 2%, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ.
Trái lại, có tới 20 mã tăng giá, đáng kể là CAP, BVS tăng hơn 3%, HUT tăng 5% lên 6.300 đồng/CP, LHC tăng 8,4% lên 86.000 đồng/CP, PVS tăng 2,6% lên 19.900 đồng/CP và nhiều mã tăng hơn 1% như CEO, DP3, SHS, PVB…
Trong đó, SHB chỉ tăng nhẹ 0,7% lên mức 27.400 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, đạt 16,57 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thành viên nhà FLC là KLF và ART cũng khởi sắc trở lại. Trong đó, KLF tăng 1,8% lên mức 5.700 đồng/CP, còn ART tăng 1,2% lên 8.400 đồng/CP.
Trên UPCoM, đà tăng được duy trì ổn định trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,7 điểm ( 0,89%) lên 80,12 điểm với 180 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,94 triệu đơn vị, giá trị 404,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,92 triệu đơn vị, giá trị 128,14 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn chưa có tín hiệu tích cực khi có phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Kết phiên, BSR giảm 0,7% xuống mức 14.300 đồng/CP, nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất UPCoM, vượt xa các mã khác với khối lượng khớp lệnh đạt 7,26 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng ABB đảo chiều thành công sau 2 phiên giảm, kết phiên ABB tăng 3,1% lên mức 16.700 đồng/CP và khớp 1,87 triệu đơn vị.
Ngoài ABB, các cổ phiếu khác cũng có khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị là VHG và QTP.
Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm điểm, trong đó, VN30F2105 tăng 10 điểm ( 0,8%), lên 1.275 điểm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 222.970 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.090 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch sôi động nhất tại CNVL2003 với 112.480 đơn vị khớp lệnh, kết phiên mã này tăng 7,7% lên mức 6.050 đồng/cq.
Tiếp theo là CVHM2010 khớp 111.700 đơn vị và đóng cửa tăng 5,6% lên mức 2.440 đồng/CQ.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp