26/05/2021 16:15
Giao dịch chứng khoán chiều 26/5: Cổ phiếu vua thể hiện sức mạnh, VN-Index lên đỉnh mới
Hiện tượng “đơ” lệnh vẫn xuất hiện, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng nhiều tới bước tiến của VN-Index khi nhóm cổ phiếu vua tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội của mình.
Dù có chút thận trọng khi bước vào phiên giao dịch sáng nay khi VN-Index liên tiếp phá đỉnh lịch sử trong tình trạng xanh vỏ đỏ lòng và hiện tượng nghẽn lệnh xuất hiện trở lại 4 phiên liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, với con sóng dài cổ phiếu ngân hàng, VN-Index vẫn đứng vững có đóng cửa với sắc xanh, chinh phục ngưỡng 1.310 điểm khi chốt phiên sáng với thanh khoản cải thiện so với phiên sáng qua.
Bước vào phiên giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng thêm một lần nữa khẳng định là nhóm cổ phiếu “vua” khi trở thành địa chỉ hút dòng tiền. Ngoại trừ BID còn sức ỳ lớn, cùng VBB trên thị trường UPCoM có chút kém hấp dẫn, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả 3 sàn đều tăng giá. Trong đó, EIB (HOSE) và BAB (HNX) tăng trần lên 28.650 đồng và 28.000 đồng, còn SSB (HOSE) đóng cửa sát mức giá trần khi tăng 6,7% lên 37.200 đồng, khớp hơn 2,7 triệu đơn vị. LPB cũng tăng mạnh 6,3% lên mức cao nhất ngày 25.400 đồng, khớp hơn 27 triệu đơn vị.
Chính nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vua, VN-Index đã nới rộng đà tăng khi bước vào phiên chiều. Tuy nhiên, khi thời gian khớp lệnh liên tục còn khoảng 10 phút, hiện tượng nghẽn lệnh đã xảy ra, dù thanh khoản thị trường không lớn như các phiên trước đó, chỉ ở mức trung bình 20 phiên.
Dù vậy, việc nghẽn lệnh này dường như không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến chung của thị trường khi thời gian không lớn như đầu năm và cũng không cản nổi VN-Index xác lập mức đóng cửa kỷ lục mới, cũng là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp.
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 8,12 điểm ( 0,62%), lên 1.316,7 điểm với 166 mã tăng và 244 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 713 triệu đơn vị, giá trị 21.689,5 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,8 triệu đơn vị, giá trị 1.235 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, ngoài các mã đã liệt kê trên, còn có VCB tăng 0,6% lên 100.400 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị; CTG tăng 0,78% lên 51.500 đồng, khớp 13,9 triệu đơn vị; TCB cũng đảo chiều tăng 2,33% lên 52.800 đồng, thanh khoản 16,5 triệu đơn vị; VPB tăng 1,2% lên 67.600 đồng, khớp 35,2 triệu đơn vị vượt qua MBB trở thành cổ phiếu có thanh khoản nhất sàn; MBB nới rộng đà tăng lên 4,75% đóng cửa ở mức cao nhất ngày 37.500 đồng, khớp 33,7 triệu đơn vị; ACB tăng 1,18% lên 38.450 đồng, khớp gần 10 triệu đơn vị; VIB tăng 3,28% lên 63.000 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị; STB tăng 0,51% lên 29.500 đồng, khớp 31,5 triệu đơn vị, đứng sau VPB và MBB; HDB tăng 0,92% lên 32.800 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị; TPB tăng 2,42% lên 35.950 đồng, khớp 7,9 triệu đơn vị; OCB tăng 1,89% lên 27.000 đồng, khớp 8 triệu đơn vị.
Trong các mã bluechip khác, ngoại trừ VIC, GAS, NVL giảm nhẹ trên dưới 1%, còn lại cũng đều tăng giá. Trong đó, SAB tăng 3,74% lên 163.800 đồng, VHM tăng 1,05% lên 105.700 đồng, HPG cũng đảo chiều tăng 0,59% lên 67.800 đồng, khớp 15,5 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thép ngoài HPG, đa số còn lại đều quay đầu điều chỉnh như POM, SMC, TLH, VIS, HSG, NKG…
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, ngoài ROS đã không chịu được áp lực cung nên quay đầu giảm 2,9% xuống 6.420 đồng, khớp 28,6 triệu đơn vị, vẫn đứng thứ 4 về thanh khoản trên LPB và dưới 3 mã ngân hàng khác. FLC cũng nới rộng đà giảm khi mất 2,9% xuống 11.800 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 24 triệu đơn vị, trong khi AMD thậm chí giảm sàn xuống 5.680 đồng, khớp 17 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn.
HQC, ITA, HAI, LDG, DLG, TSC, TTF… cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, FIT vẫn duy trì sắc tím 13.450 đồng, khớp 13,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị.
Trên HNX, chỉ số chính trên sàn này cũng từ từ tiến bước trong phiên chiều khi nhận được sự hỗ trợ của các mã ngân hàng, cùng sự hỗ trợ của mã vốn hóa lớn nhất sàn THD, dù mức tăng của mã này chỉ là 0,25% lên 197.100 đồng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,27 điểm ( 1,08%), lên 304,86 điểm với 72 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 138,8 triệu đơn vị, giá trị 3.105 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 73 tỷ đồng.
Trong khi BAB tăng trần với thanh khoản không quá cao, chưa tới 1 triệu đơn vị, thì SHB - mã có vốn hóa lớn thứ 2 sàn HNX lại khớp tới 39,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,04% lên 30.000 đồng. NVB dù chỉ có mức tăng khiêm tốn 0,56% lên 18.100 đồng, nhưng cũng khớp gần 5,5 triệu đơn vị.
Trong các mã bluechip khác, trong khi PVI đảo chiều giảm, thì VCS lại thay thế khi đảo chiều tăng. PVS hãm đà giảm khi chỉ còn giảm 0,4% xuống 22.600 đồng, khớp 7,7 triệu đơn vị.
Trong các mã thị trường, ART thay thế HUT ở vị trí thứ 2 về thanh khoản, nhưng mức chênh lệch không lớn, đều hơn 8 triệu đơn vị mỗi mã. Tuy nhiên, ART đóng cửa giảm mạnh 8% xuống 9.200 đồng, trong khi HUT lại tăng 3% lên 6.800 đồng. Trong khi đó, TVC bất ngờ được kéo tăng trần lên 13.000 đồng khi chốt phiên dù mở cửa trong sắc đỏ.
Trên thị trường UPCoM, sau khi để mất sắc xanh trong giây cuối cùng của phiên, chỉ số chính của thị trường này đã lấy lại đà tăng trong phiên chiều và đóng cửa trong sắc xanh, dù mức tăng không lớn.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm ( 0,18%), lên 83,06 điểm với 140 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,6 triệu đơn vị, giá trị 983,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,7 triệu đơn vị, giá trị 62,9 tỷ đồng.
Các mã ngân hàng trên thị trường này có giao dịch tích cực như các đồng nghiệp trên 2 sàn niêm yết, trong đó BVB nới đà tăng 4,9%, đóng cửa ở mức 19.200 đồng, khớp 8 triệu đơn vị, ABB cũng nới đà tăng lên 3,1%, đóng cửa ở mức 20.000 đồng, khớp 6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, BSR vẫn là mã có thanh khoản nhất với 11,1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,9% xuống 15.500 đồng, mức giảm này hạn chế hơn nhiều so với phiên sáng.
Một mã khác cũng có giao dịch tích cực hôm nay là DDV của DAP - Vinachem khi tăng tới 13,2% lên 12.000 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị, có lúc đã lên mức trần 12.100 đồng.
Trên thị trường phái sinh, đà tăng của VN30 mạnh hơn đà tăng của VN-Index với mức tăng 0,77% lên 1.455,11 điểm. Tuy nhiên, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 còn tăng mạnh hơn chỉ số này, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 6 tăng 1,04% lên 1.453 điểm với 169.576 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.116 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, giống như thị trường cơ sở, số mã giảm giá hôm nay nhiều hơn số mã tăng và cũng không còn xuất hiện các mã tăng mạnh mấy chục phần trăm hay đồng loạt tăng trần như các phiên trước đó, nhất là nhóm chứng quyền do KIS và MBS phát hành. Tuy nhiên, nhóm chứng quyền do 2 công ty chứng khoán này phát hành vẫn nằm trong các mã tăng mạnh nhất hôm nay. Trong đó, mã tăng mạnh nhất là CVHM2103 do MBS phát hành, nhưng cũng chỉ tăng 16% lên 1.450 đồng. Mã tăng trần là CMBB2102 do KIS phát hành tăng 6,9% lên 3.850 đồng.
Hôm nay cũng không có mã nào có thanh khoản đến 1 triệu đơn vị, 2 mã có thanh khoản nhất cũng chỉ hơn 700.000 đơn vị là CPDR2101 do KIS phát hành và CVRE2102 do VND phát hành. Tuy nhiên, cả 2 mã này đều giảm lần lượt là 8,2% xuống 3.680 đồng và 10,4% xuống 1.800 đồng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp