26/03/2021 17:26
Giao dịch chứng khoán chiều 26/3: Bất ngờ VN-Index, dòng tiền chảy mạnh sang HNX
Dù vẫn nghẽn lệnh như thường lệ, nhưng khác với các phiên trước khi VN-Index chỉ đi ngang suốt phiên, trong phiên chiều nay, VN-Index bất ngờ được kéo tăng hơn 10 điểm về sát mốc tham chiếu.
Trong phiên sáng, sau nửa phiên đầu giằng co, lực bán ồ ạt diễn ra khi thị trường bắt đầu bước vào nửa cuối của phiên sau cảnh báo về dịch COVID-19 được phát ra liên quan đến các ca dương tính nhập cảnh trái phép, khiến VN-Index lao dốc hơn 25 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.140 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt sau đó đã kéo VN-Index trở lại lên trên mốc 1.150 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Giao dịch phiên sáng vẫn diễn ra sôi động như thường lệ với thanh khoản hơn 12.500 tỷ đồng.
Thông thường như các phiên trước, giao dịch của thị trường xem như được an bài như phiên đóng cửa sáng khi phiên chiều thường bị nghẽn lệnh, chỉ số chỉ biến động trong biên độ rất hẹp với giao dịch nhỏ giọt. Tuy nhiên, trong phiên chiều nay, điều này chỉ đúng 1 vế khi giao dịch nhỏ giọt do lệnh bị nghẽn, nhưng VN-Index lại được kéo lên rất mạnh khi lấp đầy số điểm đã mất trong phiên sáng (hơn 14 điểm) để về sát mốc tham chiếu nhờ lệnh mua giá cao ở một số mã lớn như VIC, HPG, ACB... lọt qua khe cửa hẹp.
Cụ thể, chốt phiên cuối tuần, VN-Index giảm nhẹ 0,89 điểm (-0,08%), xuống 1.162,21 điểm với 122 mã tăng trong khi có 339 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 670,5 triệu đơn vị, giá trị 15.614,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng và 10,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 40 triệu đơn vị, giá trị 1.420 tỷ đồng.
Như đã đề cập, dù việc nghẽn lệnh diễn ra đồng đều ở các mã, không có ngoại lệ như những gì diễn ra ở các phiên trước với cổ phiếu FLC, hay SSB, nhưng điểm đáng chú ý là những lệnh mua giá cao tại một số mã lớn đã lọt, giúp nhiều mã thu hẹp đà giảm, nhiều mã còn đảo chiều tăng lên mức cao nhất ngày như ACB, HPG, VJC, MWG, BCM...
Cụ thể, VIC dù không giữ được mức cao nhất ngày, nhưng vẫn tăng 1,81% lên 112.400 đồng, khớp hơn 2,9 triệu đơn vị. Trong khi đó, HPG sau thông tin đặt kế hoạch kinh doanh 2021 tăng trưởng 31% cũng đã tăng 2,67% lên mức cao nhất ngày 46.200 đồng, khớp 28,1 triệu đơn vị. ACB cũng tăng 1,25% lên mức cao nhất ngày 32.450 đồng, khớp 7,9 triệu đơn vị. VJC tăng 1,87% lên 130.500 đồng, khớp 0,4 triệu đơn vị. BCM tăng 2,15% lên 57.000 đồng, khớp chỉ 41.300 đơn vị. MWG tăng 0,93% lên 130.000 đồng, khớp 0,59 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SSB vẫn án ngữ ở mức giá trần phiên thứ 3 liên tiếp kể từ ngày chào sàn, lên 23.050 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã giảm cũng chỉ còn giảm nhẹ trên dưới 1%, mã giảm mạnh nhất là VRE cũng chưa tới 2%.
Ngoài HPG, các mã bluechip khác có thanh khoản tốt hôm nay có STB khớp 23,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,07% lên 18.950 đồng; CTG khớp 16,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,89% xuống 39.050 đồng; MBB và POW khớp hơn 14 triệu đơn vị, đóng cửa trái chiều khi MBB giảm nhẹ 0,18% xuống 27.500 đồng, còn POW tăng 0,79% lên 12.700 đồng. Ngoài ra, TCB và SSI khớp trên 10 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng nhẹ.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, diễn biến tại FLC gây chú ý khi mã này có biên độ dao động rất lớn. Một bên muốn sóng kéo dài, nên dốc tiền kéo giá, đẩy mã này có lúc lên trần 11.150 đồng, nhưng bên nắm giữ cổ phiếu không muốn đêm dài lắm mộng nên hiện thưc hóa lợi nhuận khi cổ phiếu về tài khoản, khiến FLC có lúc giảm hơn 3,3% xuống 10.100 đồng cuối phiên sáng.
Tuy nhiên, bên muốn kéo giã vẫn thắng thế khi dòng tiền quá lớn, một lần nữa kéo FLC trở lại trên tham chiếu. Trong phiên chiều, lực mua tỏ ra áp đảo, giúp VN-Index tăng mạnh trở lại, dù không về được mức giá sàn 11.150 đồng, nhưng cũng đóng cửa tăng 5,7% lên 11.050 đồng. Tổng khớp đạt hơn 52,5 triệu đơn vị, tức có thêm hơn 7 triệu đơn vị được khớp trong phiên chiều.
Trong khi đó, người anh em ROS vẫn có thêm phiên giảm giá khi mất 0,5% xuống 4.160 đồng, khớp 25 triệu đơn vị đứng thứ 3 sau FLC và HPG.
Một mã nhỏ khác là ITA cũng có giao dịch sôi động khi khớp gần 14,5 triệu đơn vị, đứng sau STB, CTG, POW, nhưng đóng cửa giảm 2,5% xuống 6.580 đồng. HQC cũng giảm 2,3% xuống 2.990 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Cổ phiếu TCH dù mở cửa có sắc xanh nhạt, nhưng lực cầu không quá mạnh để chiến thắng lực cung khiến mã này đóng cửa giảm nhẹ 0,9% xuống 21.600 đồng, nhưng thanh khoản tích cực với gần 4,9 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, TDP sau phiên hồi phục tốt hôm qua đã quay trở lại điều chỉnh 0,33% xuống 29.900 đồng trong phiên hôm nay, thanh khoản đạt 150.800 đơn vị.
Trong khi đó, sàn HNX chiều nay có giao dịch khá sôi động khi lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực, giúp chỉ số chính của sàn này đảo chiều tăng điểm thành công, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,77 điểm ( 1,41%), lên 270,96 điểm với số mã tăng giảm cân bằng, đều 102 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 224,4 triệu đơn vị, giá trị 3.490,7 tỷ đồng, tăng tới 95% về khối lượng và 120% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị gần 85 tỷ đồng.
Dòng tiền bắt đáy chảy mạnh giúp SHB có phiên giao dịch khởi sắc ngay khi bước vào chiều nay và được kéo thẳng lên mức trần 19.500 đồng khi đóng cửa, dù phiên sáng có lúc giảm gần 4%. Tổng khối lượng giao dịch đạt tới 79,9 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.
Ngoài SHB, PVS cũng được kéo tăng mạnh 2,3% lên 22.700 đồng, khớp 12 triệu đơn vị, dù có lúc giảm tới 7,2%.
Các mã lớn khác cũng tăng tốt có VCS tăng 3,76% lên 96.500 đồng, SHS tăng 2,56% lên 28.000 đồng, khớp gần 10 triệu đơn vị. Các mã có sắc xanh khác có thể kể đến THD ( 0,1% lên 196.600 đồng), IDC ( 0,27% lên 37.600 đồng), NVB ( 0,69% lên 14.600 đồng), khớp gần 5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BAB tiếp tục có phiên điều nhẹ thứ 8 liên tiếp xuống 29.200 đồng sau chuỗi tăng ấn tượng khi chào sàn từ 16.000 đồng, lên 34.000 đồng.
Trong các mã nhỏ, 2 cổ phiếu họ FLC trên sàn HNX có giao dịch rất tích cực hôm nay. Trong đó, ART tăng trần lên 7.500 đồng, khớp 11,8 triệu đơn vị, còn KLF tăng 2,8% lên 3.700 đồng, khớp 13,4 triệu đơn vị.
UPCoM cũng nhận được dòng tiền mạnh chiều này và cũng hồi phục trở lại, nhưng không thể lên tham chiếu như HNX.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,65%), xuống 79,85 điểm với 152 mã tăng và 178 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,2 triệu đơn vị, giá trị 1.168 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,77 triệu đơn vị, giá trị 27 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, PVX bất ngờ thế chỗ BSR ở vị trí thanh khoản nhất khi khớp hơn 16,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,4% lên 3.000 đồng. Trong khi đó, BSR giảm nhẹ 0,6% xuống 16.300 đồng, khớp 16 triệu đơn vị.
Ngoài PVX, nhiều mã nhỏ và “lạ” khác hôm nay cũng có giao dịch sôi động như DCS khớp 5,1 triệu đơn vị, LMH khớp 3,2 triệu đơn vị, HVG khớp 3 triệu đơn vị và cùng đóng cửa ở giá tham chiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai của VN30 có mức tăng rất tốt trên dưới 1%, trong khi VN30-Index may mắn tăng 0,22% lên 1.167,19 điểm lúc cuối phiên. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2104 tăng 0,95% lên 1.173 điểm với 225.707 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở đạt 29.315 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, các mã chứng quyền do KIS phát hành tiếp tục có giao dịch tích cực khi trong 10 mã có mức tăng mạnh nhất hôm nay có tới 7 mã do KIS phát hành và có 5 mã có thanh khoản tốt nhất. Tuy nhiên, mức tăng của các mã chứng quyền hôm nay không lớn. Trong đó, tăng mạnh nhất là CVIC2102 do MBS phát hành với 9,6% lên 2.050 đồng, thanh khoản đạt 280.000 đồng. Trong khi đó, mã giảm mạnh nhất là CVNM2012 do VND phát hành giảm tới 80,8% xuống 50 đồng, thanh khoản đạt 225.800 đơn vị. Tiếp đó là CVNM2013 do HSC phát hành giảm 63,6% xuống 80 đồng, thanh khoản 419.400 đơn vị. CVRE2007 do KIS phát hành giảm 36% xuống 160 đồng, thanh khoản hơn 1,18 triệu đơn vị, cũng là mã có thanh khoản tốt nhất phiên hôm nay.
Advertisement