Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giao dịch chứng khoán chiều 24/11: Cổ phiếu vua kéo VN-Index lập đỉnh mọi thời đại

Chứng khoán

24/11/2021 18:05

Mối lo dường như đã trôi qua rất nhanh như đã từng đến, phiên chiều nay dòng cổ phiếu ngân hàng thăng hoa với một loạt mã tăng trần kéo cả 2 chỉ số VN30-Index và VN-Index lập tiếp đỉnh mọi thời đại của mình.

Nếu chỉ mới phiên ngày hôm qua thôi, thị trường vẫn "tăng trong nghi ngờ" với dấu hiệu cần quan tâm là thanh khoản sụt giảm đột ngột thì phiên hôm nay mọi lo ngại đã tan biến. Cổ phiếu ngân hàng sau nhịp điều chỉnh nhẹ phiên hôm qua, bước sang hôm nay đã bung hết cỡ với không ít sắc tím tại OCB, MBB, STB, SSB,… để kéo VN-Index thiết lập đỉnh mới mọi thời đại.

“Cổ phiếu vua” lại một lần nữa lên tiếng đúng lúc, không chỉ có vậy, sự hưng phấn tạo ra bởi nhóm cổ phiếu này còn lan tỏa khá tốt tới các nhóm cổ phiếu khác. Toàn thị trường, vẫn còn những mã giảm sàn, nhưng số mã khoe sắc tím đã nở rộ hơn với hơn 50 mã.

Điểm đáng nói nhất trong phiên chiều nay không chỉ là việc tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà điểm quan trọng hơn đó là dòng tiền xác nhận quay trở lại nhóm mã lớn. Rổ VN30 hôm nay khớp lệnh với khối lượng cũng cao kỷ lục, điểm số của VN30-Index cũng lập kỷ lục mọi thời đại, chính thức xác nhận dòng tiền đã quay trở lại nhóm cổ phiếu lớn.

Điều này mang ý nghĩa rằng, xu hướng tiếp tục tăng điểm của VN-Index được đảm bảo hơn. Cần nhớ rằng, trong hơn 1 tháng qua, khi các cổ phiếu vừa và nhỏ liên tiếp tăng trần thì VN-Index không tăng được bao nhiêu điểm và mức độ trồi sụt cũng rất lớn.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng thì hôm nay nhóm chứng khoán cũng nối dài đà tăng điểm tiếp nối 2 phiên đầu tuần, dù mức độ tăng đã giảm bớt. Trong nhóm trụ thì nhóm cổ phiếu thép giảm điểm, sau một nhịp giảm sâu thì nhóm này rõ ràng cần thêm một nhịp tích lũy vừa đủ thì mới có thể tạo đà bứt phá trở lại.

Nhóm bất động sản xây dựng, nhiều mã đã lấy lại màu tím trên bảng điện tử như HBC, HDG, CTD,… nhưng có sự phân hóa nhất định. Một số cổ phiếu lớn trong nhóm này như GVR, PDR vẫn chìm trong sắc đỏ, tương tự với các mã có thị giá thấp cũng phân hóa khá rõ nét. Có lẽ một số mã nóng sau phiên bán tháo đầu tuần vẫn chưa “hồi sức”, nhà đầu tư có lý do lo ngại khi ngày mai là phiên T 3 hàng về, sẽ có lượng mua giá cao không nhỏ trực chờ.

Sự thận trọng này được phản ánh trên toàn thị trường, số mã giảm điểm ngày VN-Index thăng hoa khá lớn. Riêng trên HOSE có thời điểm xấp xỉ 200 cổ phiếu giảm điểm, chỉ ít hơn số tăng điểm là 40 mã. Dòng tiền ưu tiên nhiều hơn cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng với nhiều mã có thanh khoản đột biến.

Nhìn chung toàn thị trường phiên hôm nay, nhà đầu tư đã có thể yên tâm chờ đợi những đỉnh cao mới của VN-Index, nếu lực mua tiếp tục tốt thì vùng cản tâm lý 1.500 điểm hoàn toàn có thể vượt qua ngay trong phiên tới, đặc biệt khi cổ phiếu ngân hàng đã xác nhận vào sóng.

Chốt phiên, VN-Index tăng 25,24 điểm ( 1,72%), lên 1.488,87 điểm với 287 mã tăng và 164 mã giảm, trong đó có 29 mã tăng, nhiều hơn 18 mã so với phiên sáng, đồng thời có 6 mã giảm sàn, nhiều hơn phiên sáng 3 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.116,9 triệu đơn vị, giá trị 35.868,7 tỷ đồng, tăng 26,9% về khối lượng và 36,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,7 triệu đơn vị, giá trị 2.105,7 tỷ đồng.

Điểm sáng nhất hôm nay là nhóm ngân hàng khi đóng cửa có tới 6 mã tăng trần là STB lên 30.450 đồng, SSB lên 39.500 đồng, EIB lên 29.400 đồng, MBB lên 30.900 đồng, VIB lên 44.800 đồng và OCB lên 29.950 đồng (trong phiên sáng chỉ duy nhất OCB tăng trần).

Các mã khác không có sắc tím nhưng cũng tăng rất mạnh như MSB tăng 6,62% lên 28.200 đồng, LPB tăng 6,29% lên 24.500 đồng, “anh cả” VCB cũng tăng tới 5,75% lên 104.800 đồng, TCB tăng 5,51% lên 55.500 đồng, HDB tăng 5,35% lên 33.500 đồng, SHB tăng 4,83% lên 24.950 đồng, ACB tăng 4,12% lên 35.350 đồng, CTG tăng 3,81% lên 35.400 đồng, BID tăng 3,02% lên 46.050 đồng, VPB tăng 2,90% lên 37.300 đồng, TPB tăng khiêm tốn nhất 0,82% lên 49.100 đồng.

Không chỉ về giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng còn tăng mạnh về thanh khoản khi Top 10 mã thanh khoản tốt nhất sàn là các mã bất động sản, cùng thêm mã mã MSB, OCB trong Top 15.

Trong đó, Top 5 đều là các mã ngân hàng, gồm STB khớp 67,32 triệu đơn vị, TCB 52,38 triệu đơn vị, LPB 44,93 triệu đơn vị, MBB 43 triệu đơn vị, VPB 36 triệu đơn vị, SHB 26,12 triệu đơn vị, CTG 25,48 triệu đơn vị, MSB 18,29 triệu đơn vị và OCB 17,82 triệu đơn vị. Có 3 mã còn dư mua giá trần là STB hơn nửa triệu đơn vị, MBB gần 0,4 triệu đơn vị và OCB hơn 1,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán không có thểm chuyển biến tích cực nào hơn, thậm chí còn hạ nhiệt so với phiên sáng. Trong đó, mã đầu ngành là SSI tăng 2,3% lên 53.200 đồng, khớp 23,4 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản và xây dựng cũng chỉ còn 2 sắc tím là HTN và HDG, trong khi HBC mất mức giá trần, đóng cửa tăng 5,99% lên 25.650 đồng. Trong khi đó, LDG đóng cửa ở mức sàn 11.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu thép vẫn là nhóm hoạt động kém hiệu quả nhất trong các nhóm trụ khi sắc đỏ chiếm thế áp đảo trong nhóm này. Trong đó, HPG giảm 1,82% xuống 48.650 đồng, HSG giảm 2,94% xuống 37.950 đồng, NKG giảm 4,98% xuống 41.000 đồng.

Trên sàn HNX, đà tăng của chỉ số chính trên sàn này không dốc như VN-Index, mà nới dần đều, nhưng đóng cửa lại giữ được mức cao nhất ngày.

Chốt phiên HNX-Index tăng 6,98 điểm ( 1,56%), lên 455,58 điểm với 138 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 128,2 triệu đơn vị, giá trị 3.821,8 tỷ đồng, giảm 4,6% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,7 triệu đơn vị, giá trị 710,6 tỷ đồng.

Đà tăng của HNX-Index được nới rộng theo THD khi mã lớn nhất sàn này đóng cửa tăng 2,38% lên mức cao nhất ngày 240.800 đồng. Cùng với đó là nhóm chứng khoán cũng nới rộng, trong đó BAB tăng 3,27% lên 25.300 đồng, mức cao nhất ngày, còn NVB tăng 5,37% lên 31.400 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán và dầu khí cũng có giao dịch tích cực, trong đó SHS tăng 2,31% lên 53.200 đồng, khớp 11 triệu đơn vị, MBS tăng 2,05% lên 44.700 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị. PVS tăng 1,55% lên 26.200 đồng, khớp 5,85 triệu đơn vị.

CEO sau phiên điều chỉnh phiên đầu tuần, đã lấy lại hết những gì đã mất trong phiên hôm qua và hôm nay tiếp tục leo lên mức trần 35.200 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Được sự tiếp tục từ 2 sàn niêm yết, thị trường UPCoM cũng nới rộng đà tăng trong phiên chiều với sắc xanh chiếm thế áp đảo.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,62 điểm ( 1,43%) lên 114,64 điểm với 272 mã tăng, trong đó có 34 mã tăng trần, trong khi chỉ có 98 mã giảm, 4 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,2 triệu đơn vị, giá trị 2.613,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,9 triệu đơn vị, giá trị 360,3 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng là diễn viên chính trên sàn với ABB có thanh khoản tốt nhất thị trường 11,77 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8% lên 24.200 đồng. BVB đứng kế tiếp với 9,21 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,9% lên 26.400 đồng. VAB cũng nằm trong Top 10 thanh khoản với 2,83 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,9% lên 19.900 đồng.

Các mã còn lại vẫn là những tên tuổi quen thuộc như BSR tăng 2,3% lên 21.800 đồng, khớp 9 triệu đơn vị. SBS tăng 6,6% lên 20.900 đồng, khớp 7 triệu đơn vị. HHV tăng 0,9% lên 22.600 đồng, khớp 6,73 triệu đơn vị. VHG tăng 9,8% lên 6.700 đồng, khớp 4,08 triệu đơn vị. VGT tăng 1,6% lên 25.300 đồng, khớp 3,57 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh như thị trường cơ sở. Trong đó, VN30-Index tăng 32,17 điểm ( 2,10%), lên 1.565,29 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 12 tăng 33,2 điểm ( 2,17%), lên 1.562,1 điểm với 146.245 hợp đồng giao dịch, khối lượng mở 30.176 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, nhưng hôm nay có CHPG2117 do SSI phát hành giảm sàn 34,8% xuống 1.290 đồng, thanh khoản hơn 2,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, ở chiều tăng CMSN2107 do VCSC phát hành tăng mạnh nhất 78,3% lên 4.850 đồng, thậm chí có lúc lên trần 4.900 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 73.400 đơn vị. Tiếp đến là CVRE2107 tăng 75% lên 140 đồng, thanh khoản gần 1,24 triệu đơn vị. Các chứng quyền với chứng khoán cơ sở là MBB và STB cũng đều tăng mạnh hơn 30% đến hơn 43%, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2110 do KIS phát hành đạt 2,3 triệu đơn vị. Hai mã khác có chứng quyền cơ sở là STB do HSC phát hành cũng có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị.

T.LÊ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement