23/08/2021 16:35
Giao dịch chứng khoán chiều 23/8: VN-Index thủng mốc 1.300 điểm, cổ phiếu chứng khoán đọ sắc tím
Chỉ 2 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã bốc hơi hơn 75 điểm, đánh bay thành quả có được trong 15 phiên giao dịch trước đó. Điều thú vị trong đợt giảm tiêu cực này của thị trường, vẫn nhiều mã khoe sắc tím.
Phiên cuối tuần trước, VN-Index mất đi 45,42 điểm, trên sàn HOSE vẫn có 12 mã chốt phiên ở giá trần, chỉ có 9 mã giảm sàn. Phiên hôm nay, thị trường tiếp tục giảm sâu hơn 30 điểm, trên HOSE có số mã tăng trần được mở rộng lên 19 mã và chỉ có 14 mã giảm sàn.
Đây là điểm khác biệt nhất so với các đợt lao dốc trước của thị trường. Lực bán tăng rất mạnh nhưng hiện tượng bán tháo theo kiểu "múa bên trăng" với hàng loạt mã giảm sàn không diễn ra.
Đi vào diễn biến giao dịch 2 phiên gần nhất sẽ lý giải cho sự khác biệt này. Lực bán trải đều toàn thị trường nhưng mức độ mạnh yếu khác nhau ở từng nhóm ngành. Dù số mã giảm điểm vẫn chiếm áp đảo, nhưng số mã tăng điểm không hề ít. Chẳng hạn như phiên hôm nay (23/8), vẫn có 101 mã tăng, chiếm 1/4 số mã niêm yết trên HOSE.
Lực bán mạnh nhưng tập trung chủ yếu ở các mã lớn, những nhóm ngành rất cụ thể gồm ngân hàng, bất động sản, và thép và một vài nhóm ngành đã tăng nóng trước đó. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhóm ngành không đồng thuận giảm điểm gồm chứng khoán, phân bón, dệt may,...
Trên thực tế 2 phiên vừa qua, nhóm VN30 luôn có mức giảm điểm mạnh hơn chỉ số chung. Điều này cho thấy, áp lực giảm của thị trường nằm chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, và việc đoán đáy của VN-Index đợt này sẽ trở lên khó khăn bởi việc giảm không đồng đều, VN-Index chỉ ngừng rơi khi nhóm trụ dừng bước. Có một hy vọng đang mở ra khi nhóm ngân hàng chiếm gần 30% vốn hóa thị trường, đang có rất nhiều mã giá giảm về trở lại mức đáy đầu tháng 7, đây sẽ ngưỡng có thể chặn đà rơi của nhóm này và từ đó là cả VN-Index.
Đó là câu chuyện của các phiên tới, sự thú vị của đợt giảm này của thị trường là vẫn có rất nhiều cơ hội vào hàng của nhóm vốn hóa nhỏ và vừa, vốn "không đồng ý" với nhịp điều chỉnh đang diễn ra của các "anh lớn".
Chốt phiên, sàn HOSE có tới 282 mã giảm và 101 mã tăng, VN-Index giảm 30,57 điểm (-23,3%) xuống mức 1.298,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 795 triệu đơn vị, giá trị 25.818,88, tỷ đồng, giảm 33,922% về khối lượng và 32,56% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 20/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 26,96 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1.026 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục cài số lùi khi đồng loạt đều nới rộng đà giảm sâu. Các mã lớn như VCB, BID, TCB, VPB đều giảm trên dưới 3%; MBB, ACB, MSB, STB giảm hơn 4%, đáng kể có VIB kết phiên trong sắc xanh mắt mèo khi giảm hết biên độ gần 7%.
Tuy vậy, đây vẫn là nhóm có thanh khoản tốt của thị trường với các mã thuộc top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất gồm STB đạt xấp xỉ 30 triệu đơn vị, TCB khớp hơn 26 triệu đơn vị, MBB khớp gần 22 triệu đơn vị và CTG khớp gần 20 triệu đơn vị.
Trong khi nhà đầu tư ôm dòng bank tiếp tục nhận những trái đắng thì ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, niềm vui vẫn kéo dài khi các mã lần lượt tìm tới vùng đỉnh mới, bất chấp áp lực giảm sâu của thị trường. Các mã AGR, APG, CTS, TBS đua nhau tăng trần, VDS và FTS cùng tăng hơn 5%, bên cạnh các mã đầu ngành HCM, SSI, VCI vẫn giữ vững sắc xanh.
Bên cạnh diễn biến trái chiều của nhóm ngành tài chính, nhóm xây dựng và bất động sản giao dịch không mấy tích cực. Ngoại trừ điểm sáng NVL tiếp tục nới rộng biên độ tăng lên hơn 1%, còn lại VIC, VHM, VRE hay các mã PDR, KDH, VCG, KBC, DIG, NLG… đều kết phiên trong sắc đỏ, đáng kể có IJC, HDG giảm sàn.
Các cổ phiếu thép cũng lần lượt nới rộng đà giảm điểm, trong đó HPG giảm 3,1% xuống mức thấp nhất ngày 47.500 đồng/CP, nhưng vẫn là mã thanh khoản tốt nhất sàn HOSE, đạt 32,83 triệu đơn vị.
Đáng kể là việc ghi nhận mức giảm sâu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi VN30-Index bị mất hơn 38 điểm. Ngoài dòng bank, một số mã lớn cũng có thêm 1 phiên giao dịch tiêu cực như GVR giảm 5,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 34.200 đồng/CP, MSN giảm 5,1% xuống 127.000 đồng/CP, FPT, VNM, GAS, BVH, SAB, FPT, PLX cũng đều giảm trên dưới 2%.
Ở nhóm cổ phiếu phân bón, tiếp tục lội ngược dòng thành công với DCM và DPM tăng trên dưới 3%, TSC tăng hơn 4%, DGC tăng 1,5% lên 109.100 đồng/CP…
Trên sàn HNX, diễn biến rung lắc vẫn tiếp diễn trong hơn nửa đầu phiên chiều, tuy nhiên áp lực bán mạnh diễn ra cuối phiên khiến thị trường cắm đầu đi xuống.
Đóng cửa, sàn HNX có 50 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 3,2201 điểm (-0,95%) xuống 334,846 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 166,82 triệu đơn vị, giá trị 3.939,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,92 triệu đơn vị, giá trị 351,59 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX tiếp tục giữ đà tăng mạnh với hàng loạt mã như SHS, EVS, HBS, IVS, PSI, VIG, WSS kết phiên trong sắc tím, BVS tăng 9% lên sát mức giá trần 36.300 đồng/CP…
Ngoài SHS, trong nhóm HNX30 còn có sự góp mặt của NRC kết phiên trong sắc tím. Dù mở cửa đỏ điểm nhưng lực cầu tăng mạnh đã kéo cổ phiếu này lên mức giá cao nhất ngày và kết phiên đứng tại 20.200 đồng/CP.
Trong khi đó, nhiều mã lớn tiếp tục giảm sâu, gia tăng gánh nặng lên thị trường như PVS giảm 6% xuống mức 23.500 đồng/CP, SHB giảm 3,5% xuống 27.400 đồng/CP, IDC giảm 6% xuống 36.000 đồng/CP, PAN giảm 6,9% xuống 27.100 đồng/CP, BAB giảm 3,5% xuống 21.800 đồng/CP…
Về thanh khoản, bộ đôi PVS và SHB dẫn đầu sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 17,47 triệu đơn vị và hơn 16 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là các cổ phiếu chứng khoán gồm VND khớp 13,62 triệu đơn vị, ART khớp 7,83 triệu đơn vị, MBS khớp hơn 6 triệu đơn vị, SHS khớp hơn 5 triệu đơn vị, APS khớp 4,77 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà giảm khá mạnh trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,24 điểm (-1,34%) xuống 91,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100,9 triệu đơn vị, giá trị 1.810,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,23 triệu đơn vị, giá trị 50,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR dừng chân tại vùng giá thấp nhất ngày khi giảm 6,6% xuống mức 17.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15 triệu đơn vị.
Trái lại, trong nhóm cổ phiếu chứng khoán SBS tăng 5,7% lên 16.600 đồng/CP, ORS tăng 4,3% lên 29.000 đồng/CP, AAS tăng 3,2% lên 15.900 đồng/CP, cùng BMS, DSC, TCI, VFS tăng trần… trong đó SBS vẫn đứng thứ 2 về thanh khoản trên thị trường UPCoM, đạt 9,12 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm khá mạnh, trong đó VN30F2109 giảm 33,8 điểm, tương ứng giảm 2,3% xuống mức 1.411,1 điểm, là mã có thanh khoản tốt nhất, đạt gần 355.200 đơn vị, khối lượng mở gần 28.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo, với CPDR2101giao dịch sôi động nhất khi khớp 82.380 đơn vị, giảm 86,7% xuống 40 đồng/cq.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp