17/12/2021 16:39
Giao dịch chứng khoán chiều 17/12: Thêm phiên thót tim
Sau phiên chóng mặt với phiên đáo hạn phái sinh hôm qua (16/12), nhà đầu tư lại có những phút giây thót tim với phiên chốt danh mục của các quỹ ETF ngoại trong phiên cuối tuần.
Trong những phút cuối phiên giao dịch chiều qua, nhà đầu tư đã có khoảng thời gian chóng mặt khi VN-Index được kéo kéo lên đẩy xuống liên tục trong thời gian ngắn theo VN30 trong ngày đáo hạn phái sinh trước khi đóng cửa với sắc xanh nhạt, dù VN30-Index giảm mạnh.
Phiên giao dịch hôm nay được dự báo sẽ có giao dịch sôi động, kèm với những biến động bất thường vì đây là phiên cơ cấu danh mục cuối cùng của 2 quỹ ETF. Trong phiên sáng, trong khi các nhóm trụ cột vẫn khá yếu, thì nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục nổi sóng, giúp VN-Index duy trì dăc xanh cùng thanh khoản tăng vọt.
Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền mạnh tiếp sức cho đà tăng của thị trường. Với sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VIC và VHM, chỉ số VN-Index tiếp tục củng cố đà tăng mạnh.
Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra trong đợt khớp xác định giá đóng cửa (ATC) khi thị trường có phiên lao mạnh gây thót tim, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Tuy nhiên, nhờ "2 má phanh" VIC và VHM, chỉ số chính của thị trường vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên cuối tuần.
Điểm tích cực nhất trong phiên hôm nay chính là thanh khoản tăng mạnh nhờ giao dịch của hai quỹ ngoại, lên mức cao nhất trong vòng 15 phiên giao dịch gần đây. Các mã dự báo được 2 quỹ ETF ngoại mua vào có sự phân hóa, trong đó ITA được dự báo mua vào mạnh nhất lại giảm 4,3%, DXG cũng chỉ đứng ở giá tham chiếu.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,18 điểm ( 0,22%) lên 1.479,79 điểm với 215 mã tăng (21 mã tăng trần) và 227 mã giảm (4 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.114,65 triệu đơn vị, giá trị 34.461 tỷ đồng, tăng 20,27% về khối lượng và 27,86% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,33 triệu đơn vị, giá trị 2.473,21 tỷ đồng.
Nếu trong phiên sáng nay, sắc xanh chiếm chủ đạo trong nhóm VN30, thì ở phiên chiều, sự phân hóa đã diễn biến khi nhiều mã lớn quay đầu điều chỉnh hoặc nới rộng biên độ giảm, đây chính là nguyên nhân khiến VN-Index hạ độ cao.
Trong đó, cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng là VCB là tác nhân chính khi bất ngờ bị bán mạnh trong đợt khớp ATC và để mất 2,6%, xuống mức giá thấp nhất ngày 96.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cùng tìm về mức giá thấp nhất trong ngày như PDR giảm 2,3% xuống 95.500 đồng/CP, HPG giảm 1,7% xuống 46.700 đồng/CP, MSN giảm 1,6% xuống 157.500 đồng/CP, PLX giảm 1,1% xuống 54.300 đồng/CP; VNM giảm 1% xuống 85.700 đồng/CP, SAB và BVH cùng giảm hơn 0,5%...
Ấn tượng nhất trong rổ VN30 vẫn là bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup. Trong đó, VHM tiếp tục nới biên độ trong phiên chiều khi tăng 2,7% lên mức 84.500 đồng/CP cùng thanh khoản khủng, lên tới gần 25,2 triệu đơn vị, VRE tăng 2,3% lên 30.800 đồng/CP và khớp 14,7 triệu đơn vị, VIC tăng 2% lên 102.000 đồng/CP và khớp 6,66 triệu đơn vị.
Cổ phiếu có mức tăng tốt nhất trong nhóm VN30 cũng thuộc nhóm bất động sản, đó là KDH tăng 4,1% lên vùng giá cao nhất trong ngày 50.400 đồng/CP; ngoài ra, GVR tăng 1,1% lên 38.250 đồng/CP, NVL xanh nhạt.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã chịu tác động mạnh mẽ bởi các biến động từ quỹ ETF. Trong đó, hàng loạt mã nóng như ROS, FLC, OTA, POW, AMD, SCR, HAI, LCG… đã quay đầu điều chỉnh, thậm chí HQC, HAG, HNG còn nằm sàn.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản đã có những biến động tích cực khi các mã trong top trên như VIC, VHM, NVL, VRE, DIG, BCM, KBC, KDH, VCG, DPG, TIP… đang giao dịch khởi sắc.
Trong đó, bên cạnh VHM, cổ phiếu VCG là điểm sáng của ngành khi tăng 6,9% lên mức giá trần 48.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt hơn 24,42 triệu đơn vị, thuộc top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường.
Cổ phiếu TCH may mắn vẫn giữ được sắc xanh trong phiên biến động mạnh. Kết phiên, TCH tăng 0,4% lên 25.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 20 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ở top thấp hơn xuất hiện sắc đỏ tại nhiều mã như HBC, FLC, SCR, ROS, KHG, LCG…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có giao dịch phân hóa. Bên cạnh VCB giảm mạnh nhất, các mã khác như VIB, MBB, HDB, SSB, STB, OCB, LPB giảm trên dưới 1%; trong khi CTG tăng mạnh nhất đạt gần 1,4%; ACB, VPB, SHB, TPB, MSB tăng nhẹ.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu chứng khoán đi ngược xu hướng thị trường thành công khi sắc xanh bao phủ trên diện rộng với biên độ tăng khá lớn như HCM tăng 6,1% lên 46.150 đồng/CP, SSI tăng 3,1% lên 52.500 đồng/CP, VND tăng 3,9% lên 80.000 đồng/CP, VCI tăng 3,2% lên 75.000 đồng/CP, CTS tăng 5,9% lên 41.400 đồng/CP, BSI tăng 3,9% lên 42.500 đồng/CP…
Trái lại, nhóm cổ phiếu thép vẫn chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh với HPG giảm 1,7%, NKG giảm 2%, còn HSG, TLH, POM, SMC đều giảm trong biên độ 2-3%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng chào thua trong màn đấu lệnh ATC khiến HNX-Index quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,18%) xuống 456,2 điểm với 126 mã tăng 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 140,19 triệu đơn vị, giá trị 3.833,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 532,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn THD là điểm trừ chính của thị trường khi bất ngờ chìm sau trong đợt khớp ATC. Kết phiên, THD giảm 3,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 244.000 đồng/CP.
Trong khi đó, mã tăng mạnh nhất trong nhóm HNX30 cũng thuộc nhóm ngành bất động sản và xây dựng. Bên cạnh cặp đôi NRC và VC3 cùng khoe sắc tím khi kết phiên, các mã tăng mạnh khác như CEO giữ mức tăng 6,6% lên 53.000 đồng/CP, DTD và VMC cùng tăng 4%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng giao dịch khởi sắc hơn trong phiên chiều nay với hàng loạt mã tìm về vùng giá cao nhất ngày như SHS tăng 4,9% lên 51.000 đồng/CP, MBS tăng 3,6% lên 40.000 đồng/CP, BVS tăng 2,6% lên 38.800 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, KLF cũng không nằm ngoài xu hướng chung của họ FLC khi kết phiên giảm 6,7% xuống mức giá thấp nhất ngày 8.300 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với 13,57 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCOM, thị trường duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều dù có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,12%) xuống 111,6 điểm với 231 mã tăng (33 mã trần) và 231 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 184,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.461,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,29 triệu đơn vị, giá trị gần 381,27 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVX tiếp tục lùi sâu và ngấp nghé giá sàn khi giảm 11,8% xuống mức 6.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 16,14 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi BSR và VGT vẫn tăng khá tốt cả về giá và thanh khoản. Cụ thể, BSR tăng 3,7% lên mức 22.500 đồng/CP và khớp 11,63 triệu đơn vị, còn VGT tăng 5,2% lên 28.500 đồng/CP và khớp 10,65 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm ngành vơi SBS tăng 4,7% lên 18.000 đồng/CP, AAS tăng 2,2% lên 27.500 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2201 có ngày đáo hạn gần nhất là 20/1/2020 đã tăng 7 điểm ( 0,5%) lên 1.520 đồng/CQ, có thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 118.370 đơn vị, khối lượng mở gần 18.620 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm khá cân bằng, trong đó CVRE2106 dẫn đầu thanh khoản với 262.310 đơn vị được khớp lệnh và kết phiên tăng 17,1% lên 1.640 đồng/CQ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp