01/10/2021 16:27
Giao dịch chứng khoán chiều 1/10: Nhóm dầu khí không cứu nổi thị trường
Trong các nhóm đáng chú ý, chỉ có dầu khí khởi sắc, cùng nhóm thép giữ được sự ổn định, còn lại đều chìm trong sắc đỏ khiến VN-Index mất hơn 7 điểm trong phiên đầu tiên của tháng 10.
Những kỳ vọng về xu hướng thị trường sẽ tích cực hơn trong quý cuối cùng của năm khi nền kinh tế chuyển sang trạng thái khiến lực cầu gia tăng ngay từ đầu phiên, giúp thanh khoản cải thiện đáng kể sau phiên sụt giảm mạnh hôm qua (30/9). Tuy nhiên, lực bán vẫn chiếm áp đảo với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã đẩy VN-Index về vùng giá 1.335 điểm khi chốt phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục nhập cuộc sôi động đã nhanh chóng kéo VN-Index lên sát mốc tham chiếu chỉ sau hơn 30 phút mở cửa. Tuy nhiên, cũng giống phiên sáng nay, ngay khi thị trường được kéo lên, áp lực bán gia tăng mạnh, đẩy VN-Index giảm sâu trước khi bật nhẹ vào cuối phiên.
Về phân tích kỹ thuật, VN-Index có phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa dưới đường trung bình 20 (MA). Trong phiên hôm nay, VN-Index có lúc đã vượt qua đường MA20 (1.343 điểm) lên 1.344 điểm ở phiên sáng, nhưng nhanh chóng bị đẩy trở lại.
Với việc VN-Index có phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa dưới đường MA20, trong khi dải Bollinger Band bó hẹp và đi ngang báo hiệu thị trường sắp tới sẽ có những biến động mạnh. Nếu dải Bollinger Band mở rộng xuống phía dưới, thị trường sẽ có những nhịp giảm mạnh và ngược lại. Tuy nhiên, các yếu tố kỹ thuật như MACD, ADX... cho thấy, tín hiệu tiêu cực nhiều hơn.
Về các nhóm cổ phiếu, phiên hôm nay hầu như các nhóm trụ đều rất yếu, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi chìm trong sắc đỏ, chỉ có TPB (HOSE) và NVB (HNX) giữ được sắc xanh, SSB đứng giá như thường lệ. Nhiều mã trong nhóm này đã phá đáy tháng 7, với STB vầ CTG là những mã giảm trước.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn vài sắc xanh, các mã lớn như SSI, HCM, VND... đều phát tín hiệu tiêu cực.
Trong các nhóm này, đáng chú ý chỉ có nhóm dầu khí, nhất là các mã liên quan đến khi như GAS, PGC, PCG, PVG, MTG, các mã khác như PVD, PVC, BSR, PVS... cũng có ngày giao dịch tích cực.
Bên cạnh đó, nhóm thép vẫn giữ được phong độ, dù không tăng mạnh như nhóm dầu khí, nhưng cũng có sắc xanh đều.
Dù vậy, sự hỗ trợ của nhóm dầu khí và thép là không đủ bù đắp cho đà giảm từ các nhóm khác như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản..., khiến thị trường có phiên khá sâu cuối tuần, cũng là phiên đầu quý IV.
Đóng cửa, sàn HOSE có 137 mã tăng và 269 mã giảm, VN-Index giảm 7,17 điểm (-0,53%) xuống 1.334,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 737,66 triệu đơn vị, giá trị 23.273,73 tỷ đồng, tăng 54,47% về khối lượng và 52,93% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 135,7 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 5.079 tỷ đồng.
Nhóm VN30 với sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế khi có 19 mã giảm và 10 mã tăng. Trong đó, hầu hết các mã giảm đều nới rộng biên độ hơn so với phiên sáng, đáng kể là các mã STB, SSI, VPB và VRE giảm sâu nhất, với biên độ đều trên 3%.
Ở chiều ngược lại, bên cạnh các mã GVR, PLX, PNJ, HPG, VJC, VNM chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%; TPB, PDR và POW tăng hơn 2%, điểm sáng là GAS có thời điểm được kéo tăng kịch trần và kết phiên đứng sát mức giá trần.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường đều thuộc về rổ VN30 với HPG tiếp tục dẫn đầu đạt gần 30,5 triệu đơn vị, tiếp theo là STB khớp 24,15 triệu đơn vị; các mã POW, TPB và MBB khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không mấy khả quan khi các mã KBC, FLC, SCR, FIT, ITA, HNG, DRH… đều kết phiên trong sắc đỏ.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục lùi sâu. Cụ thể, trong nhóm bank, nhiều mã rơi về mức giá thấp nhất ngày như VPB và VIB cùng hơn 3%, STB giảm 3,9%, hay LPB, OCB, EIB cùng giảm hơn 3%, các mã lớn khác như VCB, CTG, BID, TCB cũng có mức giảm hơn 1-2%... Ngoại trừ điểm sáng duy nhất là TPB tiếp tục hồi phục và tạo lập vùng đỉnh mới khi tăng 2,4% lên 42.600 đồng/CP.
Còn nhóm cổ phiếu chứng khoán, các mã lớn cùng nới rộng biên độ giảm như HCM giảm 2,9% xuống mức thấp nhất ngày 50.500 đồng/CP, tương tự SSI giảm 3,6% xuống 39.200 đồng/CP, VCI giảm 3% xuống 57.700 đồng/CP, VND giảm 2,9% xuống 49.500 đồng/CP…
Nhóm bất động sản cũng trong xu hướng chung của thị trường với VHM giảm 1,66% xuống 77.000 đồng/CP, còn VIC, KDH, KBC, DIG, IJC… cũng mất trên dưới 1%.
Trong khi đó, TCH đã hồi nhẹ về cuối phiên khi ghi nhận mức tăng 0,3% lên 17.900 đồng/CP cùng thanh khoản duy trì mức sôi động, đạt 12,41 triệu đơn vị, thuộc top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục phát đi những tín hiệu khởi sắc, điển hình là GAS kết phiên tăng 6,7% lên sát mức giá trần 103.500 đồng/CP, PVD tăng 3,5% lên 23.600 đồng/CP, TDG tăng kịch trần…
Ở nhóm hóa chất, bên cạnh VAF, NFC, HIS, CSV tăng trần, các mã khác như DCM tăng 6,6% lên sát trần 28.200 đồng/CP, DGC tăng 5,3% lên mức 158.900 đồng/CP, DPM tăng 3,5% lên 38.100 đồng/CP, SFG tăng 5,6% lên mức 13.200 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu nóng nhà Louis cũng bị xả bán mạnh sau nhịp hồi tích cực hôm qua, với TGG, BII, SMT cùng kết phiên trong sắc xanh mắt mèo, TDH giảm 6,2% xuống sát mức giá sàn 11.300 đồng/CP, AGM giảm 4,1% xuống 35.000 đồng/CP, APG giảm 5,3% xuống 17.700 đồng/CP, DDV giảm 1,7% xuống 29.200 đồng/CP.
Trên sàn HNX, sau khi tiếp nhận tín hiệu tích cực từ sàn HOSE và đảo chiều hồi phục, thị trường cũng đã nhanh chóng quay đầu trước áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 72 mã tăng và 133 mã giảm, HNX-Index giảm 0,84 điểm (-0,24%) xuống 356,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114,26 triệu đơn vị, giá trị 2.465,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14,5 triệu đơn vị, giá trị 411 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVB vẫn đi ngược xu hướng chung của thị trường và cả nhóm ngân hàng khi tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều. Kết phiên, NVB tăng 7% lên mức giá cao nhất ngày 29.000 đồng/CP, trong khi SHB lùi sâu hơn khi giảm 1,9% xuống 26.100 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu họ P trên sàn HNX cũng giao dịch khởi sắc với PVS tăng 1,4% lên 28.700 đồng/CP, PVB tăng 1,9% lên 16.100 đồng/CP, PVC tăng 3,4% lên 12.000 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã bluechip khác tăng tốt như NBC tăng 5,4% lên 25.500 đồng/CP, DDG, DP3, LAS, LHC cùng tăng hơn 1%.
Ở chiều ngược lại, CEO vẫn giữ mức giá 10.000 đồng/CP, giảm 2,9%; DTD, MBS, SHS, VCS, VMC giảm trên dưới 2%...
Về thanh khoản, cặp đôi PVS và SHB có giao dịch vượt trội, trong đó PVS khớp lệnh 15,57 triệu đơn vị và SHB khớp hơn 13,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,6%) xuống 95,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 145,78 triệu đơn vị, giá trị 1.831,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,55 triệu đơn vị, giá trị 97,85 tỷ đồng.
Cũng như các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí, BSR đã có phiên giao dịch khá tích cực khi kết phiên tăng 2,5% lên 20.200 đồng/CP và tiếp tục giữ nhiệt sôi động với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt 22,39 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu nhỏ FDG đóng cửa tại mức giá sàn 2.000 đồng/CP và khớp 8,26 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, các mã vừa và nhỏ trên UPCoM vẫn khá ấn tượng trong phiên hôm nay khi ghi nhận 85 mã tăng trần, cụ thể như GTT, AVF, DIC, NHP, DCS, PVV, HLA, NTB…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đã đóng cửa giảm, với VN30F2110 giảm 11 điểm (-0,8%) xuống 1.441 điểm, khớp hơn 180.110 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.410 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, tuy nhiên, CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản với 123.450 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 0,4% lên 2.680 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVRE2106 khớp 114.460 đơn vị và kết phiên giảm 5,8% xuống 1.950 đồng/CQ.
Chủ đề liên quan
Advertisement