15/03/2021 07:50
Giao dịch chứng khoán: Biến số dòng tiền
Dấu hỏi về sức mạnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn được duy trì khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và kỳ vọng lạm phát tăng trở lại là một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chứng khoán lình xình đi ngang.
Tác động thấm dần
Ngày 25/2/2021, thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm kỷ lục trong vài tháng. Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 1 năm ở mức 1,614%/năm, khiến những nhà đầu tư lo ngại về mức định giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao vội vã chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng giá cao.
Sáng ngày 26/2, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa đỏ rực nhưng sau đó hồi lại tăng 3 điểm. Thị trường các phiên sau đó tiếp tục hào hứng, nhiều cổ phiếu vượt đỉnh cũ, chỉ số VN-Index cũng có thể đã vượt đỉnh 1.200 điểm nếu không bị rào cản nghẽn lệnh.
Nhưng với những nhà đầu tư am hiểu lý thuyết kinh tế vĩ mô, đánh giá về thị trường đã khác. Tiến sỹ Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ, theo lý thuyết kinh tế, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng tác động dây chuyền đến dòng vốn quốc tế, vì nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút tiền về, bán các tài sản rủi ro để mua trái phiếu Mỹ. Nếu điều đó diễn ra ở Việt Nam thì tỷ giá USD chịu áp lực tăng.
Áp lực càng cao thì tỷ giá phải tăng. Để giảm bớt áp lực cho tỷ giá thì lãi suất VND tăng sẽ tác động đến chi phí lãi vay, chi phí đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ như thế nào tùy thuộc vào điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Quan sát thấy gần đây Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi cách mua ngoại tệ, mua giao sau để tăng lượng tiền mặt trên thị trường khi nhìn thấy áp lực tỷ giá lớn hơn.
Quả nhiên, nhà đầu tư nước ngoài tăng bán ròng.. Ngày 26/2, ngày giao dịch cuối cùng của tháng, khối ngoại bán ròng 473 tỷ đồng. Từ ngày 1 đến 10/3, có những ngày cao điểm bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng. Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), tính từ đầu năm đến ngày 9/3, khối ngoại bán ròng tương đương 42% của năm 2020.
Chỉ số US Dollar Index có dấu hiệu tăng từ 89,4 điểm lên 92,2 điểm, tức tăng 3,1% từ 6/1 - 9/3/2021, kỳ vọng sự lên giá của USD so với các đồng tiền khác do dòng vốn chuyển động.
Theo thống kê, từ đầu năm tới ngày 9/3, thị trường chứng khoán Thái Lan bị rút ròng 772,1 triệu USD, Việt Nam bị bán ròng 350 triệu USD, Philippines bị bán ròng 563,5 triệu USD. Bán ròng đều tăng khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại.
Trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa nhận biết rõ điều này thì nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích có kiến thức chuyên sâu hơn đã thu hẹp danh mục để quản trị rủi ro. Vì khi thị trường không rõ xu hướng và sau giai đoạn đi ngang, thông thường biến động mạnh, tăng hoặc giảm.
Trong 2 tuần qua, bản tin tư vấn của Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam lặp đi lặp lại điệp khúc: giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang gây một sức ép không nhỏ lên tâm lý thị trường.
Sự giằng co mạnh mẽ của bên mua và bên bán vẫn đang diễn ra trong vùng giá 1.150 - 1.200 điểm và chỉ khi VN-Index thoát khỏi vùng giá này thì xu hướng mới thực sự rõ ràng. Sự kiên nhẫn vẫn là điều cần thiết ở thời điểm hiện tại và hạn chế giải ngân mới khi xu hướng thị trường chưa rõ ràng và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong danh mục.
Khi xu thế chung chưa rõ ràng, dòng tiền nhanh chóng đổ vào các cổ phiếu tích lũy đã lâu như CTD, OCB hoặc các cổ phiếu vừa và nhỏ mà giá trị vốn hóa còn thấp hơn so với giá trị tài sản. Một số nhà đầu tư lựa chọn giao dịch trong phiên, cứ giá đỏ thì mua, xanh thì bán.
Thông tin bắt đầu được nhận diện rõ hơn. Ngày 11 và 12/3, sau khi thị trường Mỹ “bung nóc”, chỉ số DJ vượt đỉnh lịch sử vì gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua thì thị trường Việt Nam vẫn giao dịch rất dè chừng, xu thế lình xình vẫn tiếp diễn.
Trong báo cáo mới nhất, Dragon Capital nhận định: “Sự sụt giảm của thị trường toàn cầu khi lo ngại về lạm phát gia tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường Việt Nam, tuy nhiên nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, thị trường Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung”.
Thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý bởi kỳ vọng lãi suất và lạm phát thay đổi nên cần thời gian để nhận định các yếu tố này.
Các phân tích nhận định trên thị trường khá chia rẽ, một bên cho rằng thị trường tích lũy chờ cơ hội vượt đỉnh, áp lực bán chỉ có với các cổ phiếu trong chỉ số VN30 nên đầu tư các cổ phiếu khác vẫn đem lại cơ hội.
Nhưng một bên cho rằng, dấu hiệu cổ phiếu lớn không tăng mà các cổ phiếu nhỏ tăng là dấu hiệu thị trường phân phối. Số liệu của FiinTrade cho biết, trong tháng 3, tỷ trọng giá trị giao dịch của VNSmall tăng 3,2%, trong khi tỷ trọng của VN30 giảm mạnh 6,9%, còn VNMID đi ngang.
Ẩn số tiền nội
Các quỹ đầu tư ngoại giao dịch nhiều trên sàn chủ yếu là quỹ mở, nên sẽ thấy rõ phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 6,35% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường trong tháng 2. Vì thế, dòng tiền nội tiếp tục quyết định xu thế thị trường khi mà mặt bằng giá chứng khoán đã cao hơn năm trước do ảnh hưởng của Covid-19.
Cách đây một tháng, thị trường còn kỳ vọng lãi suất VND sẽ giảm tiếp nhưng đầu tháng 3, một vài ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, trong khi một số ngân hàng khác tiếp tục giảm nhẹ. Các ngân hàng cổ phần quốc doanh lớn chưa có thay đổi gì. Như vậy, thông tin mới chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư ở góc độ tâm lý.
Các kênh đầu tư trên thị trường như bất động sản vẫn khá bế tắc do ít dự án được mở bán. Một phần dòng tiền chảy qua chơi tiền ảo, nhưng số tài khoản mở mới tăng lên từ đầu năm cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Xét mặt bằng giá chứng khoán hiện tại, tỷ lệ cổ tức/thị giá vẫn hấp dẫn khi so với lãi suất tiết kiệm, kể cả lãi suất tiền gửi trung hạn khoảng 6%/năm.
Thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý bởi kỳ vọng lãi suất và lạm phát thay đổi nên cần thời gian để nhận định các yếu tố này.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt nói, Rồng Việt không quan ngại về lạm phát trong nước khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh trong tháng 2.
Nếu tính theo năm, CPI trung bình của Việt Nam giảm 0,1%, trong khi đó, CPI lõi chỉ tăng nhẹ 0,6% trong hai tháng đầu năm 2021, cho thấy hiện tại chưa có áp lực giá do cầu kéo.
Đồng thời, Chính phủ tỏ ra thận trọng với kỳ vọng lạm phát bằng cách liên tục sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nên kỳ vọng lạm phát tăng trở lại trong những tháng tiếp theo chủ yếu là do các yếu tố như giá hàng hóa toàn cầu tăng hay hiệu ứng đến từ mức nền thấp của năm trước. Rồng Việt duy trì dự báo lạm phát năm 2021 ở mức 3,5%.
Với lãi suất, theo bà Lam, khi nào sẽ tăng trở lại còn phụ thuộc vào diễn biến phục hồi của nền kinh tế, kỳ vọng lạm phát và xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu.
Xu hướng thắt chặt tiền tệ chưa diễn ra trong ngắn hạn, thể hiện qua việc các ngân hàng trung ương vẫn chưa phát tín hiệu và Chính phủ Mỹ tiếp tục tung ra gói kích thích kinh tế mới.
Đồng thời, như đề cập ở trên, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được kỳ vọng lạm phát. Do đó, khả năng cao là Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa có bước điều chỉnh lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, mặc dù chính sách tiền tệ vẫn duy trì nới lỏng, Rồng Việt cho rằng, thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng sẽ giảm so với năm 2020 do nhu cầu vay từ cả khu vực tư nhân và nhà nước cao hơn.
Do đó, dòng tiền nội vào thị trường chứng khoán có thể sẽ không tăng mạnh như năm 2020. Điển hình là gần đây, lãi suất liên ngân hàng đã tạo được mức nền cao hơn sau dịp Tết.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chỉ rõ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang tiệm cận với lợi suất thị trường chứng khoán Mỹ (earnings yields), khiến cho đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ chững lại.
Câu chuyện hoàn toàn khác ở thị trường Việt Nam, với lợi suất thị trường chứng khoán cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ rất nhiều. Mặt khác, các chính sách nới lỏng tiền tệ (như giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu) và các gói hỗ trợ tài khóa vẫn ở mức thấp vừa phải nên không gây ra lo ngại lạm phát đột biến.
Kỳ vọng lạm phát sẽ không tăng cao nên ông Minh cho rằng, khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành là thấp, mà sẽ duy trì mức lãi suất điều hành như hiện tại để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi.
Kỳ vọng vốn ngoại quay trở lại có còn?
Các lợi thế thu hút vốn của thị trường Việt Nam vẫn không đổi như thu hút FDI tăng cao, thực thi nhiều hiệp định thương mại.
Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là quốc gia có chính sách tỷ giá ổn định với tỷ giá thả nổi trong biên độ 3%.
Trong điều kiện ngang giá lãi suất không phòng ngừa (Uncovered Interest Rate Parity – UIP) như hiện nay, giả sử một nhà đầu tư nước ngoài có chi phí vốn dao động từ 3 - 5%/năm, nếu VND mất giá 3%, chi phí vốn của nhà đầu tư tăng lên 6-8%/năm. Như vậy, nếu đầu tư vào thị trường Việt Nam có tỷ suất sinh lời 10% trở lên đã có lợi nhuận.
Nhiều tổ chức, công ty lớn huy động trái phiếu với lãi suất từ 10%/năm trở lên, cũng như nhiều doanh nghiệp niêm yết có chính sách cổ tức tiền mặt/thị giá lớn hơn 10%.
Ngoài ra, một số công ty chứng khoán cho vay margin với lãi suất dao động từ 9 - 12%/năm khi được hậu thuẫn từ dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản với chi phí thấp.
Ngoài ra, Mỹ và các quốc gia lớn thực hiện nâng lãi suất theo lộ trình, Mỹ thường thực hiện nâng lãi suất là 0,25%/lần và thực hiện nhiều lần trong nhiều năm khi kinh tế hồi phục. Trong kịch bản tiêu cực nhất, giả định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất thì cũng phải mất 4 lần liên tiếp thì lãi suất mới tăng một điểm phần trăm.
Như vậy, khi nhà đầu tư ổn định tâm lý và mặt bằng lãi suất ở các quốc gia phát triển ổn định trở lại, dòng vốn ngoại sẽ vào thị trường Việt Nam như nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đã thực hiện trong những năm gần đây. Điều này còn được thôi thúc hơn nữa sau khi thế giới vừa trải qua giai đoạn kích cầu trên diện rộng, lãi suất ở nhiều quốc gia phát triển giảm về gần 0%.
Ông Minh nhấn mạnh, lạm phát năm 2021 sẽ tăng không đáng kể và vẫn nằm trong mục tiêu điều hành của Chính phủ là dưới 4%.
Với các yếu tố hạn chế sự gia tăng CPI bao gồm dự kiến phục hồi chậm của ngành giao thông và văn hóa, giải trí và du lịch do ảnh hưởng của Covid-19 và các chính sách đảm bảo cân bằng cung cầu và ổn định thị trường được thực thi thì tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn thu hút dòng vốn ngoại trong bối cảnh hiện nay.
Chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải là yếu tố hỗ trợ diễn biến thị trường chứng khoán
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). |
Diễn biến tăng mạnh của lạm phát trong tháng 2 với mức tăng 1,5% so với tháng 1 ít nhiều đã gây ra một số lo ngại đối với dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu lạm phát tăng mạnh và có nguy cơ vượt mốc mục tiêu 4% của Chính phủ, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế sẽ có xu hướng bật tăng trở lại với áp lực tăng lãi suất huy động từ phía các ngân hàng thương mại để duy trì mức lãi thực dương đủ lớn để hấp dẫn nguồn tiền tiết kiệm, trong khi bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng để kiểm soát lạm phát.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán, vốn có độ nhạy cao với mặt bằng lãi suất, theo đó cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, dù còn phụ thuộc vào biến động giá thực phẩm và giá dầu thế giới, ở thời điểm hiện tại chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ bật tăng mạnh và vượt mốc mục tiêu 4% của Chính phủ.
Lạm phát tháng 2 tăng mạnh so với tháng 1 được lý giải là do EVN kết thúc chương trình hỗ trợ giá điện và tác động của dịp Tết Nguyên đán, những yếu tố chỉ có tác động một lần. Trong khi đó, các đánh giá về áp lực từ cả phía cung và phía cầu lên lạm phát trong năm nay nhìn chung ở mức độ vừa phải, trong bối cảnh tỷ giá được dự báo sẽ duy trì ổn định.
Theo đó, trong kịch bản cơ sở, tôi đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa chịu áp lực tăng lãi suất trong năm nay, một chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải được duy trì sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ diễn biến thị trường chứng khoán.
Phải kết hợp các ngành hưởng lợi trong chu kỳ sớm của Việt Nam
Ông Bùi Văn Huy, Trưởng phòng Phân tích Chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC). |
Khi nhiều nền kinh tế lớn phục hồi sau quá trình dài nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, áp lực lạm phát trở lại là điều đương nhiên. Nếu áp lực lạm phát chưa quá lớn và các nền kinh tế lớn chưa đi đến pha trễ của chu kỳ kinh tế, áp lực lạm phát chưa đủ để khiến các quốc gia thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ thì mọi chuyện vẫn chưa quá xấu.
Phố Wall có quy tắc nổi tiếng “Three Steps and a Stumble” chỉ việc Fed nâng lãi suất 3 lần liên tiếp, thị trường chứng khoán khả năng sẽ tạo đỉnh sau đó. Hiện tại, chưa có động thái của Fed cho việc thắt chặt và đặc biệt trong phát biểu của ông Jerome Powell hồi tháng 2, Fed sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao hơn 2% một chút ở một số thời điểm.
Ở Việt Nam, CPI tháng 2 cao nhất 8 năm nhưng chưa có gì khẳng định lạm phát đã quay trở lại, tạo áp lực để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng hay không.
Có thể thấy, đây là giai đoạn giao pha ở các nền kinh tế lớn và thời điểm này thực sự rất thú vị. Để xem xét nhóm ngành nào có thể đầu tư, cần phải xét “tác động kép” trong góc nhìn chu kỳ kinh tế Việt Nam.
Chúng ta đang ở giai đoạn đầu (pha sớm) trong chu kỳ kinh tế, do đó, các ngành hưởng lợi bao gồm tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán), bất động sản, công nghệ thông tin, công nghiệp… và hiện tại, các nhóm này cũng đang rất khỏe. Ở góc độ tác động của nền kinh tế thế giới đang đạt đỉnh, ở pha trễ này các cổ phiếu năng lượng, vật liệu… sẽ được hưởng lợi.
“Tác động kép” và chiến lược kết hợp hiệu quả sẽ là phải kết hợp các ngành hưởng lợi trong chu kỳ sớm của Việt Nam, nhưng không bất lợi khi các thị trường lớn đi đến đỉnh chu kỳ và ngược lại, hưởng lợi từ chu kỳ các nền kinh tế lớn nhưng cũng không kém trong pha đầu của nền kinh tế Việt Nam.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp