09/12/2021 14:13
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài sang năm 2022
Các biện pháp ngăn chặn COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Chuỗi cung ứng thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài. Thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao, các nhà sản xuất đang phải lao vào cuộc chiến dành một chỗ trên các tàu vận chuyển hàng hoá, đẩy giá cược vận chuyển tăng lên mức kỷ lục.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có 2 lựa chọn: tăng giá sản phẩm hoặc huỷ toàn bộ lô hàng.
Christopher Tse - giám đốc điều hành của Musical Electronics Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), công ty sản xuất các sản phẩm công nghệ tiêu dùng như loa bluetooth, rubik, cho biết: “Chúng tôi không có đủ linh kiện, không thể mua container, chi phí đã tăng lên rất nhiều.”
Hiện nay, theo Chỉ số Container Thế giới của Drewry, chi phí vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu cao hơn khoảng 10 lần so với tháng 5 năm 2020.
Chi phí từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) đã tăng hơn sáu lần. Chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên mỏng manh đến mức chỉ một tai nạn nhỏ cũng “có thể gây ra những ảnh hưởng phức tạp” - Tập đoàn tài chính HSBC Holdings Plc. cho biết trong một báo cáo.
Các nhà phân tích trước đây đã cảnh báo rằng biến thể omicron, có thể giáng một đòn khác vào chuỗi cung ứng.
Các nhà kinh tế của Euler Hermes viết rằng sự thiếu hụt sản xuất là nguyên nhân dẫn đến 75% sự co lại hiện tại của khối lượng thương mại toàn cầu, trong khi tắc nghẽn hậu cần là nguyên nhân của 25% còn lại.
Nhưng sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng này có thể sẽ giảm bớt vào nửa cuối năm 2022 vì ba lý do, các tác giả của báo cáo cho biết thêm.
1. Nhu cầu của người tiêu dùng đã đạt đến đỉnh điểm
Người tiêu dùng có khả năng tiếp tục mua hàng ở mức cao hơn, nhưng Euler Hermes cho biết nhu cầu đã đạt đỉnh điểm. Báo cáo lưu ý rằng trong khi các khoản tiết kiệm dư thừa tích lũy trong đại dịch vẫn chưa cạn kiệt, nhu cầu sẽ bình thường hóa dần.
Báo cáo cho biết: “Sự thay đổi chi tiêu của hộ gia đình đối với hàng hóa về lâu dài, trong bối cảnh giới nghiêm và đóng cửa, sẽ trở nên dè chừng nhiều hơn trong tương lai, ngay cả trong kịch bản của đợt bùng phát COVID-19 mới.”
Đặc biệt ở các nền kinh tế tiên tiến, các hộ gia đình đang hướng tới tiêu dùng bền vững và chu kỳ thay thế hàng hóa được mua trong thời kỳ đại dịch là ít nhất một vài năm, Euler Hermes cho biết thêm.
Với nhu cầu trải qua quá trình “bình thường hóa tự điều chỉnh”, các chuỗi cung ứng có thể sẽ chịu ít áp lực hơn.
2. Hàng tồn kho trở lại mức trước đại dịch
Báo cáo cho biết, sau khi giảm dự trữ vào đầu năm 2020, các nhà sản xuất đã gấp rút tái cung cấp để đối phó với sự phục hồi chưa từng có về nhu cầu.
Euler Hermes cho biết: “Tin tốt là mức độ khẩn cấp để tái cung cấp rõ ràng đã đạt đỉnh trong những tháng qua... và mức tồn kho đã cao hơn mức trung bình dài hạn trước khủng hoảng trong hầu hết các lĩnh vực.”
Euler Hermes cũng quan sát thấy nhiều chi phí vốn (capex) ở Mỹ hơn, điều này sẽ giúp tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao hơn. Để so sánh, châu Âu đang dựa vào “tỷ lệ sử dụng công suất trên mức bình thường” để sản xuất nhiều hơn.
Các tác giả viết: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng bắt kịp đầu tư vào châu Âu vào năm 2022 (và sau đó là năng lực sản xuất), với các điều kiện tài trợ thuận lợi và vị thế tiền mặt của doanh nghiệp được nâng cao.
Báo cáo cho biết thêm: “Nếu không có sự gia tăng năng lực sản xuất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng, việc bình thường hóa các nút thắt nguồn cung ở châu Âu có thể bị trì hoãn sau năm 2022 do nhu cầu vẫn ở trên mức tiềm năng”.
3. Tăng khả năng vận chuyển
Euler Hermes cho biết, chi phí vận chuyển có thể vẫn tăng trong năm tới, nhưng công suất sẽ tăng lên khi đơn đặt hàng toàn cầu cho các tàu container mới đạt mức cao kỷ lục, lên tới 6,4% đội tàu hiện có.
Theo Euler Hermes, các đơn đặt hàng và năng lực vận chuyển mới đang tăng nhanh chóng ... sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022, điều này sẽ làm giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn trong vận chuyển.
Báo cáo cho biết khoảng 17 tỷ USD cũng được dự kiến chi cho cơ sở hạ tầng cảng và đường thủy ở Mỹ sẽ giúp giảm tắc nghẽn.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu
Theo CNBC, báo cáo cũng dự đoán rằng khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng 5,4% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023, sau mức tăng trưởng 8,3% vào năm 2021.
Nhưng tình trạng mất cân bằng thương mại có thể trở nên tồi tệ hơn. Dự báo của Euler Hermes cho thấy Mỹ sẽ thâm hụt thương mại cao kỷ lục, trong khi Trung Quốc sẽ báo cáo thặng dư thương mại cao kỷ lục.
Trong vài năm tới, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực thắng lợi chính về kim ngạch xuất khẩu, trong khi các ngành năng lượng, điện tử, máy móc và thiết bị sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn vào năm 2022.