27/04/2021 08:15
Giải mã thị trường bất động sản Long An: Ngoài đất nền, Long An có gì? (bài 2)
Nhiều ông lớn âm thầm "đổ tiền" vào bất động sản Long An trong thời gian gần đây, tuy nhiên thị trường này vẫn chưa thể bật lên vì khi nhắc đến khu vực này người ta vẫn chỉ nghĩ đến đất nền.
“Ông lớn” dòm ngó
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, thị trường Long An đón nhận khá nhiều doanh nghiệp có tên tuổi với sự đầu tư bài bản. Nhiều dự án được thiết kế và xây dựng theo hướng bất động sản sinh thái, quy mô lớn nhờ sở hữu diện tích đất rộng cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc như dự án đô thị sinh thái Waterpoint rộng 335ha của Tập đoàn Nam Long ở Bến Lức.
Đây dự án khu đô thị sinh thái liền kề phía Tây Nam TP.HCM lớn nhất và được đầu tư bài bản.
Theo đó, Waterpoint tích hợp hệ thống trường học từ mẫu giáo đến đại học, bệnh viện, khu thể thao trong nhà và ngoài trời, khu thể thao dưới nước, trung tâm thương mại, cảng dịch vụ, bến du thuyền, khu hành chính, văn phòng, nhà thờ, chùa…
Đặc biệt, dự án có hệ thống công viên trung tâm 25 ha, công viên vịnh nước ngọt 8,6 ha, các công viên ven sông với tổng diện tích gần 29 ha, công viên cảnh quan trải dọc 8km kênh đào…
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Nam Long Land, tiêu chí của Nam Long là phát triển bất động sản bền vững, phù hợp với nhu cầu thật của thị trường. Các khu đô thị tích hợp của Nam Long phải được quy hoạch, đầu tư bài bản…, nghiên cứu kỹ lưỡng khách hàng để đưa ra các phân khúc phù hợp vừa túi tiền người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi thị trường thay đổi, thu nhập người Việt Nam tăng lên, thì Nam Long cũng đã nghiên cứu, chuẩn bị rất nhiều các dòng sản phẩm mới để phục vụ cho thị trường mới, đáp ứng sức mua và nhu cầu gia tăng của thị trường dựa trên tháp thu nhập của người dân.
Tại huyện Đức Hòa, Trần Anh Group cũng hiện diện trên thị trường nhiều dự án: La Villa Green City với diện tích 22ha, khu đô thị West Lakes Golf & Villas với diện tích 200ha.
Trước đó, Trần Anh Group cũng ghi dấu trên thị trường này với các dự án: Phúc An City, tổng diện tích gần 100 ha, trong đó hơn 22ha dành cho cây xanh, khu vui chơi giải trí, trường học…, 15ha dành cho hồ sinh thái. Mỹ Hạnh Hoàng Gia với quy mô 50 ha, được đầu tư xây dựng lên đến 760 tỷ đồng, gồm 2.500 sản phẩm nền đất đa dạng về diện tích; dự án Bảo Ngọc Residence với quy mô 12ha phục vụ nhu cầu ở của hơn 10.000 người; khu biệt thự cao cấp Bella Villa với hơn 400 căn biệt thự nhà phố...
Ngoài Trần Anh Group, Cát Tường Group cũng có nhiều dự án lớn tại đây: dự án khu dân cư cao cấp, đô thị sinh thái Cát Tường Phú Sinh. Dự án xây dựng trên diện tích 107ha, trong đó, 60% diện tích được chủ đầu tư phát triển hệ sinh thái với hồ cảnh quan, khu vui chơi giải trí, đô thị, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục.
Còn tại huyện Cần Giuộc, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao triển khai dự án Thành phố sinh thái Năm Sao - Five Star Eco City. Dự án có tổng diện tích hơn 450ha, chia làm 5 khu vực với đầy đủ tiện ích sống như trường học, bệnh viện, vườn cây ven sông, nhà hàng, hồ bơi, sân Golf…
Ngoài ra, Long An còn có các dự án đô thị lớn khác như Làng Sen Việt Nam do Phúc Khang làm chủ đầu tư, dự án Thanh Yến Residenced, dự án Saigon Village của Công ty Lộc Thành...
Hay như sự dòm ngó của "ông lớn" Vingroup thời gian vừa qua đã khiến thị trường này dậy sóng. Mặc dù chưa biết Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có rót tiền làm Vincity Long An như thị trường đồn đoán hay không, nhưng chỉ chừng ấy cũng cho thấy khu vực này thật sự có tiềm năng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc nhiều chủ đầu tư lớn dồn về Long An phát triển dự án là một tín hiệu khả quan cho thị trường bất động sản Long An. Chủ đầu tư có thương hiệu, dự án càng có tính khả thi cao, cơ sở hạ tầng tốt thì Long An sẽ là tâm điểm của thị trường trong thời gian tới.
Còn nhiều thách thức
Nhận định về thị trường bất động sản Long An, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, Long An đang nổi lên như là thị trường rất tiềm năng nhờ hệ thống hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ như tuyến metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên), đường sắt TP.HCM – Long An - Cần Thơ, nối dài cao tốc TPHCM – Trung Lương đến Cần Thơ, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cảng quốc tế Long An, đường Vành đai TP. Tân An, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cầu qua sông Vàm Cỏ, đường ĐT830E và đường ĐT827E kết nối với TP.HCM và khu vực miền Tây.
Đặc biệt, thông tin Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè chuẩn bị lên quận đang tạo ra hiệu ứng rất tốt cho thị trường bất động sản Long An, nhất là khu vực giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, Cần Giuộc…
Ở góc độ khác, TP.HCM hiện nay không còn nhiều quỹ đất để phát triển đô thị. Điều này mở ra cơ hội cho những khu vực giáp ranh như Long An mà nếu được đầu tư đúng hướng thì sẽ góp phần hiện thực hóa chiến lược hình thành Vùng đô thị TP.HCM. Thị trường bất động sản cũng sẽ theo đó lan tỏa sự phát triển, trở thành mũi nhọn giúp các địa phương cùng hưởng lợi.
Theo ông Sơn, tiềm năng rõ ràng là rất lớn nhưng cũng có không ít thách thức cho các nhà phát triển bất động sản như Nam Long. Có lẽ Long An cũng như các tỉnh, thành trên cả nước đều cần được hỗ trợ về chính sách, hành lang pháp lý rõ rành minh bạch, ổn định để có thể an tâm mạnh dạn đầu tư lâu dài.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của DKRA nhận định, so với Bình Dương hay Đồng Nai thì Long An vẫn còn thiếu những dự án căn hộ, đại đô thị với đầy đủ tiện ích, quy hoạch hiện đại, xây dựng bài bản để tạo điểm nhấn và đáp ứng nhu cầu của các lao động trình độ cao, trí thức.
Thị trường bất động sản Long An thật ra còn đang phát triển chậm hơn so với giá trị thực và tiềm năng phát triển, cũng như vị thế của nó. Tức là hiện nay Long An chỉ tập trung vào đất nền, nhà phố biệt thự hay nhà gắn liền với đất còn hạn chế.
Điều này đến từ việc quỹ đất của Long An còn nhiều, giá đất lại khá thấp, trung bình từ 10- 25 triệu/m2, nên các nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư phát triển dự án "mì ăn liền" như đất nền mà không đầu tư quy mô lớn. Thực tế này khiến bộ mặt thị trường bất động sản Long An không mấy đẹp đẽ bởi đa phần khách hàng của sản phẩm đất nền là nhà đầu tư mua đi bán lại, không về đây sinh sống.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng ở Long An vẫn đang trong thời gian xây dựng, chưa hoàn thiện hoặc mới chỉ là quy hoạch khiến giao thông kết nối TP.HCM đến Long An còn hạn chế. Trong khi đó từ TP.HCM đi Bình Dương, hay Đồng Nai lại rất thuận tiện dễ dàng với nhiều hệ thống giao thông khác nhau.
Vì thế, điều cốt lõi để phát triển tiềm năng của Long An chính là đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện hệ thống giao thông huyết mạch, kết nối giữa Long An với TP.HCM cũng như tỉnh với các địa phương khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long một cách thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, để bất động sản Long An phát triển một cách bền vững, địa phương này cần kêu gọi được những doanh nghiệp có "máu mặt" về đầu tư, tạo nên những khu đô thị, khu dân cư kiểu mẫu, chứ không chỉ là những dự án "vườn không, nhà trống" như hiện nay.
* Còn tiếp...
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp