Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giải mã Tân Thành Holdings của doanh nhân Lê Thành: Quỹ đất khủng và 'hệ sinh thái' xanh

Doanh nghiệp

12/10/2020 05:00

Thị trường đồn đoán sau khi thâu tóm Tập đoàn Tân Mai, ông Lê Thành sẽ đánh mạnh lĩnh vực bất động sản với Tân Thành Holdings.
news

Gần đây, thị trường đón nhận không ít doanh nghiệp trái ngành có tiềm lực tài chính mạnh hay quỹ đất lớn, quyết định “lấn sân” sang ngành bất động sản. Các nhà đầu tư hiện đang đồn đoán về một doanh nghiệp bất động sản liên đới với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group).

Tân Thành Holdings, công ty mẹ của "hệ sinh thái" Tân Thành - Green?

Giữa tháng 12/2019, Công ty Cổ phần Đồng Nai (Codona) cùng loạt cổ đông cá nhân có liên quan cùng nhau bán ra toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ tại Tân Mai Group. Lập tức, ông Lê Thành, một doanh nhân kín tiếng trong lĩnh vực bất động sản, xuất hiện để trở thành chủ mới của Tân Mai Group. Ông Thành mua vào hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 61,74% vốn điều lệ.

Đến tháng 1/2020, chức vụ Chủ tịch HĐQT Tân Mai Group được chuyển giao từ ông Trần Đức Thịnh sang ông Lê Thành.

Ngoài Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh, ông Lê Thành còn là doanh nhân kinh qua nhiều vị trí. Ông từng là Thành viên HĐQT, sở hữu đến 12,8% vốn Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1). Hiện tại, ông Thành còn đứng tên ở hàng loạt pháp nhân khác, trong đó, thị trường đang dồn sự chú ý cho Công ty Cổ phần Tân Thành Holdings.

Ông Lê Thành, Chủ tịch Tập đoàn Tân Mai, chủ tịch sáng lập Tân Thành Holdings. Ảnh: IOAE
Ông Lê Thành, Chủ tịch Tập đoàn Tân Mai, chủ tịch sáng lập Tân Thành Holdings. Ảnh: IOAE

Tân Thành Holdings được thành lập vào tháng 11/2018, tên cũ là Công ty Cổ phần Green Invest Holdings. Tân Thành Holdings đăng ký 100 lĩnh vực hoạt động, trong đó lĩnh vực chính là xây dựng công trình cầu đường.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng, trong đó ông Lê Thành góp đến 90% vốn, giữ chức tổng giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật.

Đến tháng 10/2019, Tân Thành Holdings quyết định đổi vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật từ ông Lê Thành sang bà Dương Thị Bích Diệp.

Đến tháng 5/2020, công ty trên vừa thực hiện đổi tên sang Tân Thành Holdings như hiện nay, vừa thực hiện thay “ghế” tổng giám đốc và người đại diện pháp luật. Bà Bích Diệp nhường lại vị trí này cho bà Lê Hồng Bảo Trâm. Lần này, bà Trâm vừa đảm nhiệm chức tổng giám đốc, vừa kiêm nhiệm chức giám đốc công ty.

Cả bà Diệp và bà Trâm đều có liên hệ nhất định với ông Lê Thành. Rất có thể đây là một công ty hoạt động đúng theo mô hình holding. Tân Thành Holdings đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con trong "hệ sinh thái" Tân Thành và Green, nhưng không trực tiếp điều phối kinh doanh.

Lãnh đạo toàn “tướng” lớn

Nhìn sơ qua, Tân Thành Holdings có vẻ như một doanh nghiệp chẳng có gì đáng chú ý. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm về thông tin những “vị tướng” tại đây, dễ suy đoán vị thế của công ty này không hề nhỏ.

Bà Dương Thị Bích Diệp hiện đang đại diện cho các doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Green Lotus, Công ty Cổ phần Đầu tư Green Logistics Hà Nam, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam, Công ty TNHH Xăng Dầu Xanh Trà Vinh.

Bà Dương Thị Bích Diệp. Ảnh: TTXVN
Bà Dương Thị Bích Diệp. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam cùng với Công ty Cổ phần Lavifood mà bà giữ chức Phó Tổng giám đốc, đang đánh mạnh mảng xuất khẩu nông sản. Lavifood là công ty chế biến về nông sản rau, củ quả có tiếng khi thành công tại các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Ông Lê Thành cũng nằm trong ban lãnh đạo của công ty này. 

Gần đây, Lavifood bắt đầu chú tâm tới thị trường Trung Đông - châu Phi. Bà Diệp từng chia sẻ, với Lavifood đây lại là cơ hội rất lớn. “Lavifood tự tin vào chất lượng nông sản của Việt Nam và hệ thống công nghệ của Lavifood, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật của thị trường Trung Đông - châu Phi”, bà khẳng định.

“Tướng mới” Lê Hồng Bảo Trâm cũng đại diện pháp luật cho hàng loạt công ty khác gồm Công ty Cổ phần Xây dựng và Bất động sản Tân Thành, Công ty Cổ phần Green Consulting, Công ty Cổ phần Tân Thành Đồng Nai,…

Hiện, bà Trâm còn là tổng giám đốc của Công ty Cổ phần đầu tư Truyền thông Xanh. Công ty này từng có liên doanh với Công ty Cổ phần Giải pháp Truyền hình thế hệ mới (Next Media) ký kết hợp đồng mua bản quyền Giải AFFSuzuki Cup 2018 từ đơn vị nắm bản quyền toàn cầu Lagardere Sports.

Bà Lê Hồng Bảo Trâm. Ảnh: Hawee
Bà Lê Hồng Bảo Trâm. Ảnh: Hawee

Lê Thành, doanh nhân có tiếng về bất động sản

Đáng chú ý, chủ tịch sáng lập của Tân Thành Holdings, ông Lê Thành, lại đang đứng tên ở hai pháp nhân nổi bật là Công ty Cổ phần Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest).

Trong đó, Green Connection Invest được thành lập từ tháng 1/2017, với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Lê Thành sở hữu 35% vốn, ông Tô Dũng sở hữu 35% và ông Phạm Ngô Quốc Thắng sở hữu 30%.

Ông Tô Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT của Manager Invest, nơi ông Lê Thành đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc. Ông Dũng cũng là một doanh nhân kỳ cựu với “đế chế” kinh doanh lớn mạnh Xuân Cầu Holding.

Tập đoàn của ông Tô Dũng được thị trường biết đến với vai trò nhà phân phối dòng xe Piaggo của Italy tại Việt Nam. Nhưng Xuân Cầu Holding lại được chú ý hơn cả ở lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này đã rót vốn đầu tư vào nhiều dự án đình đám như Dự án Xanh Villas (50 ha tại Thạch Thất, Hà Nội), Khu đô thị Phượng Hoàng - Phú Yên, Khu resort Mercure Cát Bà, MP Resort - Phú Quốc, Sân Golf Phượng Hoàng - Phú Yên.

Ngoài có quan hệ gián tiếp với Xuân Cầu, riêng bản thân ông Lê Thành cũng có trong tay các doanh nghiệp đáng chú ý như Công ty Cổ phần Codona Thế kỷ 21 (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Mây), Công ty TNHH Organic Life, Công ty Cổ phần Đầu tư Nông Trường Xanh,…

Ông Thành cũng đang tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An hay Tổng Công ty Xây dựng số 1,…

Vừa qua, Tân Thành Long An cùng Công ty Cổ phần Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) đã khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích hơn 1.800 ha tại Long An, một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất hiện nay. Dự án này trước đây còn được biết đến với tên gọi Khu công nghiệp Tân Thành Thủ Thừa.

Ông Lê Thành trong buổi lễ khởi công Khu công nghiệp Việt Phát. Ảnh: Kim Anh
Ông Lê Thành trong buổi lễ khởi công Khu công nghiệp Việt Phát. Ảnh: Kim Anh

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Tân Thành Long An, cho biết khu công nghiệp này sẽ được quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha. Ông đảm bảo, Việt Phát sẽ trở thành khu công nghiệp kiểu mới, theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Quỹ đất 30.900 ha của Tân Mai Group

Không phải đến khi về tay ông Lê Thành, Tân Mai mới rục rịch tới mảng bất động sản. Từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam cùng với quỹ đất rừng hàng nghìn ha, Tân Mai nhiều năm gần đây lại chịu cảnh kinh doanh đình trệ và thua lỗ liên tục.

Đến cuối năm 2018, tập đoàn này lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ này đã giảm đáng kể khi trong năm 2017 khi Tân Mai Group ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 400 tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi vay và chuyển nhượng dự án bất động sản.

Những năm gần đây, Tập đoàn Tân Mai hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp bất động sản để khai thác quỹ đất khủng của mình. Điểm chung tại phần lớn dự án này là Tân Mai Group tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong công ty liên doanh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.

Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố vào năm 2018, Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý gần 30.900 ha đất rừng ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai. Ngoài ra, quỹ đất của doanh nghiệp này còn hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương.

Gần đây, Tập đoàn Tân Mai và Công ty Cổ phần Bất động sản Tân Mai đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị đầu tư dự án khu Trung tâm thương mại dịch vụ dân cư tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa. Dự án này đã “đắp chiếu” nhiều năm qua do thời hạn thỏa thuận địa điểm và thời hạn sử dụng đất của tập đoàn đã hết. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng gặp khó khăn.

UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Tập đoàn Tân Mai có văn bản báo cáo cụ thể quá trình thực hiện dự án trước đây, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để UBND tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Dù đã khởi công và có nhiều kỳ vọng nhưng dự án Khu công nghiệp Việt Phát vừa bị Thanh tra tỉnh Long An chỉ ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, Thanh tra tỉnh Long An kết luận việc xin điều chỉnh diện tích từ 300 ha lên 1.213,7 ha là chưa thể hiện dựa trên cơ sở pháp lý, không dựa trên năng lực của chủ đầu tư.

Tại dự án này, Tân Thành Long An còn san lấp trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích như khai thác hầm đất trên đất nông nghiệp, cho người dân trồng cây ngắn ngày,…

Ngoài ra, việc UBND tỉnh cho Công ty Tân Thành thuê 4.717.738 m2 đất nông nghiệp là chưa phù hợp với Luật Đất đai, bởi công ty của ông Lê Thành không có nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án, không có dự án sản xuất nông nghiệp để được giao đất nông nghiệp.

Trước đó, dự án này đã được phê duyệt từ năm 2006. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kỹ thuật của Công ty Tân Thành liên tục bị chỉ điểm chưa hoàn thành, tiến độ triển khai quá chậm.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ