20/05/2020 12:06
'Giải mã' bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Đại hội đồng Y tế Thế giới
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Đại hội đồng Y tế Thế giới, ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc công khai và minh bạch về dịch COVID-19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 18/5.
Việc giải mã bài phát biểu này sẽ làm sáng tỏ đường lối phòng vệ cũng như các điểm yếu và ưu tiên của Trung Quốc trong tương lai. Đây là bài diễn văn với những nội dung mà thế giới sẽ phải đối mặt trong những tháng tới.
Các lãnh đạo tham dự cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) hôm 18/5. Ảnh: WHO |
Ưu tiên của Bắc Kinh là phải thay đổi nhận thức về đại dịch COVID-19 từ “do Trung Quốc sản xuất” thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu “bất ngờ tấn công thế giới”.
Người dân Trung Quốc tin chắc rằng giới lãnh đạo đã làm mọi thứ để cứu và bảo vệ họ và đã thành công trong “việc đảo ngược tình thế” để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Theo bài diễn văn này, Trung Quốc là một nạn nhân, không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà thế giới đang gánh chịu. Ông Tập đồng thời bác bỏ những cáo buộc và gửi “lời chia buồn đến những người mất do dịch bệnh”.
Để biện minh cho những lời chỉ trích về phản ứng ban đầu của Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát, Tập Cận Bình kiên quyết khẳng định lại rằng Trung Quốc đã hành động với sự cởi mở và hoàn toàn minh bạch trong việc chia sẻ thông tin về bộ gen virus mới.
Trên thực tế, phòng thí nghiệm Thượng Hải - từng chia sẻ thông tin về bộ gen virus mới - đã được yêu cầu tạm ngừng nghiên cứu và phải xin ý kiến của các cơ quan trung ương.
Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh vai trò mang tính quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và “ca ngợi việc làm đúng đắn” của Tổng Giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros, trong nỗ lực “làm im bặt” những lời chỉ trích chống lại một thể chế mà ít nhất ban đầu đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Bài phát biểu của ông Tập được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải. Ảnh: AFP |
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình là một cuộc chiến giành lại “chiến trường đã mất” và tái khẳng định vai trò lãnh đạo hoặc “vị trí trung tâm” của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất với mục tiêu chính là gây chia rẽ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới và bảo vệ chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Trung Quốc, gần đây bị Brussels và Mỹ cáo buộc tăng cường các hoạt động xâm nhập và đánh cắp dữ liệu của các phòng y sinh nghiên cứu vaccine và phương pháp điều trị COVID-19, cũng đã đề xuất rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Để bác bỏ những lời chỉ trích, đặc biệt từ châu Âu, ông Tập Cận Bình đã đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin và nghiên cứu y học, “đặt người dân lên trên hết” trước các lợi ích tài chính. Vai trò lãnh đạo của WHO đã được tái khẳng định và Trung Quốc - một lần nữa trái ngược với thái độ của Mỹ - cam kết đóng góp tài chính thêm nữa.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi “quản trị toàn cầu tốt hơn trong lĩnh vực y tế công”, phớt lờ thực tế rằng Bắc Kinh một mình phải chịu trách nhiệm về việc thiếu thông tin và gây áp lực để WHO trì hoãn công bố đại dịch, trái với các quy tắc mới được tổ chức quốc tế này thông qua năm 2005.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng ủng hộ việc “đánh giá toàn diện” dịch COVID-19, nhưng cho rằng việc đánh giá nên tập trung vào “phản ứng toàn cầu” chứ không phải nguồn gốc của virus. Nó phải được “dựa trên cơ sở khoa học”, một “từ khóa” được sử dụng để từ chối bất kỳ chỉ trích “chính trị” nào.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm hồi cuối tháng 2. Ảnh: Reuters |
Đánh giá toàn diện cũng nên được WHO đứng đầu, mà theo Tiến sỹ Tedros, phải hết sức tránh gây rắc rối cho Trung Quốc, kể cả bằng cách phủ nhận tình trạng quan sát viên WHA của Đài Loan dưới áp lực của Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình cũng nêu bật ý tưởng của ông về “tương lai chung cho người dân thế giới”. Để tiếp cận châu Âu và cố gắng xua tan những lời chỉ trích, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến sự cần thiết phải “bảo vệ hành tinh của chúng ta” và cộng đồng toàn cầu, một chủ đề chính trong lá thư gần đây của các đại sứ châu Âu gửi Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Biến đổi khí hậu thực sự là ưu tiên hàng đầu của Pháp - một nhân tố quan trọng ở châu Âu - và EU; đó cũng là một lĩnh vực nơi Trung Quốc khá thoải mái và tìm cách nuôi dưỡng một cuộc đối thoại bị hủy hoại bởi COVID-19 và phong cách ngoại giao “chiến lang” của nước này.
Trung Quốc cũng đề nghị đóng góp một “kho hàng nhân đạo” và “các hành lang y tế nhanh chóng” để “đảm bảo việc vận chuyển thiết bị y tế” và đảo ngược cảm giác bất an toàn cầu về sự độc quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên chiến lược này.
Mục tiêu chính trong bài phát biểu của Tập Cận Bình là “Nam bán cầu” và cụ thể hơn nữa là lục địa châu Phi. Về mặt ảnh hưởng toàn cầu, vai trò của Nam bán cầu và châu Phi là rất quan trọng đối với Trung Quốc. Ở đó hình ảnh của Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng. Lần đầu tiên, các đại sứ châu Phi tại Trung Quốc đã viết một lá thư chung phản đối việc người dân châu Phi ở Trung Quốc bị phân biệt đối xử.
Người châu Phi ở Trung Quốc lên tiếng vì bị phân biệt chủng tộc. Ảnh: AP |
Ông Tập nhắc lại công khai rằng ông sẽ “làm việc với các nước G20” về xóa nợ và đề nghị cung cấp 2 tỷ USD trong 2 năm để giúp đối phó với COVID-19, tập trung vào các nước đang phát triển. Ông Tập đã nhắc nhở “châu Phi” về những giúp đỡ mà họ đã nhận được - và vẫn sẽ nhận được - từ các bác sỹ y khoa Trung Quốc “trong hơn 7 thập kỷ qua” và sự trợ giúp đó là rất lớn.
Trung Quốc cũng đã đề nghị giúp đỡ bằng cách liên kết các bệnh viện của Trung Quốc với bệnh viện ở châu Phi, nhưng không nhận ra rằng cho đến nay, lục địa châu Phi cũng có thể được coi là mô hình trong đối phó dịch bệnh và - không giống như Trung Quốc - họ hạn chế lây lan các dịch bệnh mới cho thế giới.
Bài phát biểu của ông Tập là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc bị giáng một đòn mạnh. Việc xây dựng lại hình ảnh của một cường quốc nhân từ, một nguồn cơ hội cho tất cả mọi người, sẽ rất khó khăn.
Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng này và những rủi ro phi địa phương hóa tạo ra vào thời điểm đất nước này không thể để mất vị thế là “công xưởng của thế giới”.
Trong bối cảnh đó, khuyến nghị quan trọng nhất trong bài phát biểu của ông Tập - khi nó liên quan trực tiếp đến lợi ích trước mắt của Đảng Cộng sản - có thể là “phục hồi phát triển kinh tế, xã hội và tái lập chuỗi cung ứng toàn cầu”. Đây thực sự vẫn là ưu tiên hàng đầu cho sự ổn định của chế độ Trung Quốc.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement