22/02/2022 16:11
Giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trên thế giới
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới nhờ sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu.
Cụ thể, giá xăng của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Tại Việt Nam, chiều 21/2, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu với mức tăng 961 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 965 đồng/lít với xăng RON 95.
Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít. Theo Bộ Tài chính, mức này thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng dầu chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).
Đây là một trong những nội đung được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội. Theo đó, cử tri thành phố Hà Nội phản ánh hiện Bộ Tài chính áp dụng cách tính giá xăng dầu dựa vào các loại thuế, phí quá cao như thuế nhập khẩu 10%, giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít; 4 loại thuế chiếm 38%...
Ngoài ra còn một số chi phí khác như vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62% dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao. Cử tri đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh thuế và phí phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.
Bộ Tài chính cho biết, từ đầu 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường; trong đó có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn. Trong nước, để giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá xăng dầu trên thế giới đối với giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã 7 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (cả tăng và giảm), để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới.
Về chính sách, cơ cấu thuế, phí và yếu tố cấu thành trong công thức giá, Bộ Tài chính cho biết các sắc thuế áp dụng với mặt hàng xăng, dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho rằng so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước khoảng 45-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mở lớn thì thấp hơn).
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, ở Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này chỉ chiếm 5-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được sử dụng hợp lý, giúp việc điều hành giá trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không đột biến. Năm 2021 , quỹ bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí… Đặc biệt, Nghị quyết 43 được Quốc hội thông qua đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10% còn 8%.
Liên quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới để nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.
Advertisement
Advertisement