15/05/2019 08:16
Giá vé máy bay thay đổi như thế nào sau ngày 1/7?
Giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, từ 500-800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư mới có hiệu từ ngày 1/7. Theo quy định tại Thông tư 17, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt.
Từ 500-800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt. Từ 850km đến dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng. Từ 1.000 đến dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng. Từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé một chiều.
Thông tư 17 nêu rõ, mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ tiền thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh như giá dịch vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm.
Như vậy, khung giá mới này cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể là văn bản 5010 của Cục Hàng không Việt Nam để triển khai Quyết định 3282 ngày 19/12/2014 của Bộ Tài chính với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.
Chặng bay từ 1.280km trở lên có giá 3,75 triệu đồng/vé một chiều. |
Việc ban hành Thông tư 17 là theo quy định tại Điều 116 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hãng hàng không sẽ quyết định toàn bộ giá dịch vụ vận chuyển nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ. Trước đây, quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo quyết định của Bộ Tài chính.
Ngoài việc không tăng mức giá trần theo quy định, tại Thông tư 17, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giữ quan điểm không quy định giá sàn giá vé máy bay. Dịch vụ vận chuyển hàng không có tính mùa vụ, với mùa cao điểm, mùa thấp điểm. Chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé và ngược lại những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách.
Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ là cần thiết. Đối với những chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn, thường có giá vé phù hợp để khuyến khích, kích cầu hành khách nhằm lấp đầy chỗ trống trên tàu bay. Việc này phù hợp quy định tại Khoản 6, Điều 11, Luật Giá.
Trước đó, cả 3 hãng hàng không lớn trên cả nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines đều đã có văn bản đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp với thực tế giá xăng dầu tăng liên tục thời gian vừa qua.
Ngoài ra, từ ngày 13/5, Jetstar Pacific sẽ có sự thay đổi về cách tính phí ký gửi hành lý. Thay vì đồng giá như trước, cách tính phí ký gửi hành lý mới của hãng sẽ tăng theo độ dài đường bay. Cụ thể, giá cước của hành lý ký gửi mua thêm của Jetstar Pacific sẽ được tính tùy theo độ dài đường bay được phân chia thành 3 nhóm, dưới 600km, 600-1.000 km và trên 1.000km.
Theo cách tính mới, hành khách mua 15kg hành lý gửi trên chặng bay TP.HCM đi Hà Nội sẽ chi trả mức phí 200.000 đồng thay vì 160.000 đồng như trước ngày 13/5.
Một hãng bay khác có thay đổi về chính sách vé trong tháng 5/2019 là Vietnam Airlines. Từ ngày 20/5, hãng có thêm hạng vé khuyến mãi đặc biệt trên chặng quốc tế, không bao gồm 20kg hành lý ký gửi và không được phép hoàn, hủy, thay đổi ngày giờ bay. Điều này đồng nghĩa nếu hành khách mua vé khuyến mãi đặc biệt trên chặng quốc tế không bay đúng ngày giờ sẽ phải bỏ vé.
Từ ngày 1/6, Vietjet Air cũng có thay đổi về phụ thu thay đổi tên hành khách bay nội địa từ 340.000 đồng cộng chênh lệch giá vé tại thời điểm đổi tên lên 374.000 đồng cộng chênh lệch giá vé, tăng 34.000 đồng so với trước ngày 1/6.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp