Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giá vàng sẽ giảm đến đâu?

Vàng - Ngoại tệ

11/08/2020 21:52

Nhiều dự báo cho rằng giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh theo giá thế giới, về mốc 50 triệu đồng/lượng trước khi bắt đầu đợt tăng mới.

 Cuối phiên giao dịch chiều 11/8, giá vàng miềng SJC được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức giá 55,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm 2,8 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 10/8. Trong khi đó, giá mua vào rất thấp, ở mức 53,58 triệu đồng/lượng, giảm đến gần 3,1 triệu đồng/lượng so với kết phiên hôm trước.

Trong ngày, có thời điểm SJC niêm yết giá bán vàng miếng dưới 55 triệu đồng, về chỉ 54,98 triệu. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, giá vàng lại đẩy lên và đứng mức 55,5 triệu đồng/lượng cho đến cuối phiên.

Giá vàng tăng nhanh và giảm mạnh khiến nhiều người lo cơn ác mộng năm 2011 đang lặp lại. Ảnh: Zing
Giá vàng tăng nhanh và giảm mạnh khiến nhiều người lo cơn ác mộng năm 2011 đang lặp lại. Ảnh: Zing

Cùng diễn biến giá trong nước giảm mạnh, giá thế giới cũng đang lao dốc không phanh, khi giảm đến 57,7 USD so với hôm qua. Giá vàng thế giới lúc 21h đang ở mức 1.942,5 USD/ounce. So với mức đỉnh thiết lập được vào tuần trước, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 95 USD/ounce.

Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, vàng thế giới gần 55 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng thế giới và trong nước đã tiệm cận nhau, giá trong nước không còn chênh lệch cao hơn giá thế giới đến 5 triệu đồng như cuối tuần trước.

Trước đó, trong phiên giao dịch chiều 11/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn Kitco ở ngưỡng 1.984,40 USD/ounce rồi tăng trở lại quanh mức 1.998 USD/ounce.

Chỉ trong vài ngày leo lên đỉnh, giá vàng lao dốc không phanh, mất đến 7 triệu đồng/lượng khiến người giữ vàng sốt ruột. Theo ghi nhận chiều nay tại Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh vàng khá vắng khách, chỉ một số ít người bán vàng lẻ, khách mua vào hầu như không có.

Đại diện SJC cũng thừa nhận hiếm có người mua vàng lúc này, chỉ có người giữ vàng vội vã đi bán khi thấy giá vàng giảm nhanh. Việc người giữ vàng vội vã chốt lời khiến các đơn vị kinh doanh vàng càng nới rộng khoảng cách mua bán. Nhiều thời điểm trong ngày hôm nay giá mua vào được niêm yết chỉ 53 triệu đồng/lượng, thấp hơn đến 2,3 triệu đồng so với giá bán ra.

Giá vàng giảm dù khiến người cầm vàng sốt ruột, nhưng lại khiến những người vay vàng đỡ lo lắng.

Anh G. một người ở Bình Dương cho biết mấy ngày nay anh như ngồi trên lửa khi thấy giá vàng tăng vùn vụt. Hơn tháng trước, anh vừa mượn 3 lượng vàng để lo việc gia đình và bán ra chỉ ở mức 48 triệu đồng. Nếu giá vàng đứng ở đỉnh hơn 62 triệu, anh đã mất đứt hơn 50 triệu đồng. Do vậy, khi thấy vàng xuống vùng 55 triệu, anh vội cầm tiền đi mua vàng trả nợ, sợ giá bật tăng trở lại sẽ mất nhiều hơn.

Ông Trần Thanh Hải, chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ, cảnh báo nhà đầu tư và cả những người muốn tìm may rủi với vàng thời điểm này phải nhớ cơn khủng hoảng giá vàng  năm 2011. Khi giá vàng tăng mạnh lên 49 triệu đồng/lượng, người dân tranh nhau đi mua vàng mong kiếm lời thì đột ngột giá rớt thẳng đứng xuống dưới 35 triệu đồng và nằm im suốt 10 năm sau đó.

Diễn biến giá vàng trong 2 tuần đầu tháng 8.
Diễn biến giá vàng trong 2 tuần đầu tháng 8.

Dường như điều này đang lặp lại với giá vàng hiện nay, khi vàng tăng tốc rất nhanh và cũng lao dốc rất mạnh, mất đến 7 triệu đồng chỉ trong vài ngày.

Các chuyên gia tài chính nhận định diễn biến giá vàng trong nước hiện nay đang theo giá thế giới. Nếu giá thế giới điều chỉnh giảm thì giá trong nước cũng sẽ giảm theo và ngược lại. Với việc giá  thế giới đang lao dốc mạnh, nhiều khả năng sẽ điều chỉnh về ngưỡng thấp hơn 1.940 USD/ounce, sau những ngày tăng nóng. Khi đó, giá vàng trong nước nhiều khả năng sẽ điều chỉnh về vùng 50 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên sau đó, giá kim loại quý này nhiều khả năng sẽ tăng trở lại, bởi tình hình biến động hiện nay người dân vẫn coi vàng là nơi trú ẩn an toàn.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng dịch COVID-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng. Dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm gần 20 triệu người nhiễm và hơn nửa triệu người tử vong, đã đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lâu dài trực tiếp và mạnh mẽ đến toàn bộ các nền kinh tế. 

Ông Phong giải thích động lực tăng trưởng giảm sút, nạn thất nghiệp tăng, các biện pháp chống đỡ dịch làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính-tiền tệ… cộng hưởng biến vàng thành công cụ lựa chọn bảo toàn giá trị cho cả người dân và nhà nước.

Dù giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm và vàng trong nước giảm mạnh nhưng ông Phong cho rằng triển vọng ngắn hạn, thị trường vàng khó có động lực giảm giá mạnh trước khi mẻ vaccine chống COVID-19 đầu tiên chính thức được tung ra thị trường vào đầu quý IV/2020.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng nhận định thời điểm này vàng vẫn đang ở đỉnh cao, và chưa có khả năng giảm trong 2, 3 tháng tới. Về dài hạn, lịch sử cho thấy giá vàng không thể lên mãi và 2.000 USD/ounce, mốc được xem là mức rất cao. Người dân chỉ tăng tái phân bổ tiết kiệm vào vàng khi lo ngại tiền Việt mất giá, và chỉ nên mua khi giá ổn định. 

“Vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng quay đầu giảm. Cho dù dịch COVID-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên, giá vàng không thể tăng lên mức quá cao trong một vài năm tới", ông Hiển nói.

Ngân hàng Nhà nước lưu ý dù giá vàng trong nước vài ngày qua tăng chóng mặt nhưng giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán trầm lắng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.

Q. HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement