27/08/2020 09:38
Giá vàng sẽ biến động dữ dội sau đêm bầu cử tổng thống Mỹ 2020
Hai sự kiện lớn sẽ khiến giá vàng biến động dữ dội là đêm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và khi các chính phủ quyết định bơm thêm tiền.
Giá vàng thế giới đang trải qua những phiên giao dịch ảm đạm khi biên độ dao động trong phiên chỉ trên dưới 20 USD/ounce. Nhưng các chuyên gia quốc tế nói với Zing, giá kim loại quý sẽ biến động mạnh vào hai mốc thời gian sắp tới.
Đó là sau khi các ngân hàng trung ương thống nhất gói kích thích kinh tế tiếp theo và đêm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Giá vàng trải qua đợt điều chỉnh giảm sau khi chạm ngưỡng kỷ lục 2.075 USD/ounce. Ảnh: Getty Images. |
"Lạm phát sẽ tấn công các nền kinh tế trên thế giới trong một vài tháng tới. Cùng với đó là những bất ổn địa chính trị gia tăng. Các yếu tố này sẽ thúc đẩy giá vàng tăng cao. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng giá kim loại quý tăng cao trong dài hạn", chuyên gia phân tích về kim loại quý Jim Wyckoff của Kitco News trả lời Zing.
Bao giờ giá vàng trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce?
Trong khi đó, ông Edward Moya, nhà phân tích cao cấp tại Công ty giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), bình luận với Zing: "Giá vàng vẫn đang được điều chỉnh. Tuy nhiên, đây là một đợt điều chỉnh lành mạnh giúp duy trì đà tăng, nhất là sau khi các chính phủ và ngân hàng trung ương thống nhất về gói kích thích kinh tế tiếp theo".
Theo ông, giá vàng đã trải qua một vài ngày tồi tệ vì những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế và mối quan hệ Mỹ - Trung giảm căng thẳng. Bắc Kinh đang đẩy mạnh mua nông sản Mỹ để bù đắp sự thiếu hụt lớn do lũ lụt gây thiệt hại mùa màng và cơ sở hạ tầng dọc sông Dương Tử.
Tuy nhiên, rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn giữ giá vàng trên ngưỡng 1.900 USD/ounce.
"Giá vàng sẽ duy trì tình trạng lấp lửng như vậy cho đến khi các chính phủ quyết định bơm thêm tiền", ông dự đoán.
Theo ông, giá vàng sẽ trở lại ngưỡng 2.000 USD khi chính phủ Mỹ tăng cường các gói hỗ trợ tài khóa. Một điều kiện nữa là Cục Dự trữ Liên bang (FED) ra tín hiệu sẽ duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài và không bị ảnh hưởng quá nhiều từ sự tăng vọt của đường cong lãi suất kho bạc (chênh lệch giữa lợi suất của các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn).
Các gói kích thích kinh tế đè nặng lên sức mạnh của đồng USD, đẩy giá vàng tăng vọt. Ảnh: Reuters. |
Trong một lưu ý với Zing, ông Neil Wilson, Trưởng bộ phận phân tích tại Markets.com, bình luận: "Chúng tôi dự đoán trong bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch Jay Powell, FED sẽ gửi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẵn sàng cho phép lạm phát tăng cao, tức giữ lãi suất thấp trong thời gian dài. Nếu lạm phát tăng đột biến, chứng khoán và vàng là những đối tượng hưởng lợi chính, trong khi đồng USD bị đè nặng".
FED từng khẳng định mục tiêu hàng đầu là chống khủng hoảng và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Tính tổng 2 quý đầu năm tài chính này, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đã lên đến 2.700 tỷ USD, gần bằng mức thâm hụt năm kỷ lục do chính phủ Mỹ đổ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế. Theo báo cáo của Goldman Sachs, dự kiến thâm hụt năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ USD, tương đương gần 20% GDP nước này.
Thời điểm đêm bầu cử
Theo ông Moya tại Oanda, giá kim loại quý sẽ biến động dữ dội trong đêm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. "Vàng có thể bị bán tháo mạnh nếu 'làn sóng xanh' trỗi dậy, ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và đảng Dân chủ chiếm Thượng viện. Ở kịch bản đó, các tài sản rủi ro sẽ trượt dốc và kéo theo vàng sụt giảm", ông nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, giới đầu tư tin rằng các biện pháp kích thích nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh, thúc đẩy giá vàng tăng cao.
Giá vàng sẽ biến động mạnh trong đêm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: Getty Images. |
Theo cuộc thăm dò được Wall Street Journal và NBC News phối hợp thực hiện trong tháng 8, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump hiện ở mức 41%, kém ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden 9%. Cựu phó tổng thống Mỹ cũng thắng thế trước ông Trump trong hầu hết cuộc thăm dò cử tri tại các bang tranh chấp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia tại Moya cho rằng bất cứ ai vào Nhà Trắng cũng sẽ tìm mọi cách để kích thích nền kinh tế. "Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tạo ra một môi trường thuế khắc nghiệt hơn đối với Phố Wall, nhưng chính sách của ông này vẫn hỗ trợ cho người Mỹ và tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng", ông nói thêm.
Các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc đối với hệ thống kinh tế Mỹ, buộc giới chức trách phải tìm mọi cách để cứu hàng triệu việc làm.
"Các động thái của FED nhằm đối phó với đại dịch khiến lãi suất thực rơi tự do. Cả thế giới đang tranh giành lợi suất, trong khi các nhà hoạch định sẽ chậm chạp hơn trong việc loại bỏ gói kích thích kinh tế", ông Moya bình luận.
Các chính phủ trên khắp thế giới đã công bố hàng loạt gói kích thích có tổng trị giá 20.000 tỷ USD, tương đương 20% GDP toàn cầu, để chống lại những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Phát biểu tại sự kiện tranh cử ở "bang chiến trường" Pennsylvania hôm 9/7, Cựu phó tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 700 tỷ USD nhằm khôi phục và tái đầu tư vào sản xuất của Mỹ. Ông kêu gọi chi ngân sách nhiều hơn, khẳng định kế hoạch sẽ thúc đẩy chính sách thương mại, thuế và đầu tư để đẩy mạnh đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài và tạo thêm 5 triệu việc làm cho người Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết "đã sẵn sàng ban hành gói kích thích kinh tế mới". Tuy nhiên, ông đổ lỗi cho đảng Dân chủ khiến lưỡng viện Mỹ không thể thông qua gói kích thích kinh tế.
Đảng Dân chủ muốn giá trị gói kích thích kinh tế là 3.000 tỷ USD, còn đảng Cộng hòa chỉ đồng ý hỗ trợ tổng cộng 1.000 tỷ USD.
Advertisement
Advertisement