08/08/2020 06:47
Giá vàng lập đỉnh 62,4 triệu đồng/lượng, mua vàng lúc này là tìm kiếm sự bất ổn
Cuối ngày 7/8, vàng miếng SJC bán ra 62,4 triệu đồng/lượng, trong khi thế giới gần 58 triệu đồng/lượng, tức giá trong nước đang cao hơn khoảng 4,5 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng lập đỉnh 62,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng lãi 20 triệu đồng trong 6 tháng
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng SJC trong nước đã có một ngày 6/8 điều chỉnh giá vàng mỏi tay theo hướng ngày càng đi lên. Bước sang 7/8, giá vàng SJC lại tiếp tục tăng sốc và lần đầu tiên giữ mức hơn 62 triệu đồng mỗi lượng ở thời điểm chốt phiên giao dịch.
Vàng lập đỉnh 62,4 triệu đồng mỗi lượng. Ảnh: Zing. |
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn hiện đang niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 60,75 triệu đồng/lượng, bán ra 62,4 triệu đồng/lượng. Mức giá bán ra cuối ngày đã tăng được thêm 200.000 đồng/lượng so với đầu ngày, khiến vàng miếng tăng đúng 1 triệu đồng sau 24h.
Mức tăng này cũng khiến các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hay PNJ, Bảo Tín Minh Châu đều điều chỉnh giá theo hướng tăng mạnh, tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chưa chấp nhận giá bán vượt mốc 62 triệu đồng/lượng.
Cuối ngày, Bảo Tín Minh Châu niêm yết 60,4-61,85 triệu đồng/lượng(mua vào - bán ra), chênh lệch mua bán giãn rộng đến 1,45 triệu. PNJ và DOJI cùng chấp nhận giá bán 61,9 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào tại PNJ là 60,1 triệu đồng và giá mua tại DOJI thấp hơn giá bán gần 2 triệu đồng: 59,8 triệu đồng/lượng.
Dù vẫn chưa niêm yết giá bán vàng miếng SJC vượt 62 triệu đồng/lượng nhưng đây là mức kỷ lục tại các doanh nghiệp này từ trước đến nay.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC trong nước đã tăng đến 3,3 triệu đồng mỗi lượng. Đây là lý do một số tiệm vàng tại Hà Nội và TP.HCM trong 2 ngày qua có hiện tượng nhiều người dân tranh thủ đi bán vàng để chốt lời.
Mua vàng từ thời điểm đầu năm với giá hơn 42 triệu đồng/lượng, đến nay, người mua đã lời ngay gần 20 triệu đồng. Thậm chí, mua vàng hồi tháng 2 với giá vàng kỷ lục 49, dù thấp thỏm nhưng hiện cũng lời được chục triệu.
Vàng sẽ tăng đến khi nào?
Về giá vàng tăng sốc hiện nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng, trong giai đoạn hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế.
Giao dịch vàng tại TP.HCM. Ảnh: TTO |
Đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD. Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đã bồi thêm, khiến kim loại quý thế giới tăng vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce và vẫn tiến về phía trước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới hiện nay, và mới nhất là vụ nổ tại Lebanon khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng và lui vào kênh trú ẩn an toàn. Ông nhấn mạnh vàng chính là kênh trú ẩn an toàn nhất từ trước đến nay.
Chuyên gia đánh giá hiện khi các nước bơm tiền để cứu kinh tế, lượng tiền lưu thông trong thị trường càng nhiều. Không chỉ người dân mà ngay cả Chính phủ các nước cũng mua vào.
Ông cho rằng từ nay đến cuối năm, chưa có yếu tố nào có thể làm giảm giá vàng, ngược lại với các trợ lực sẵn có, vàng được dự báo vẫn còn tăng thêm.
Chuyên gia Trần Thanh Hải nhận định thêm giá vàng trong nước tăng mạnh hơn 3 triệu đồng mỗi lượng là tăng bù cho phiên hôm trước theo giá thế giới.
Ông cũng nói thêm do Việt Nam không sản xuất được vàng nguyên liệu nên giá kim loại quý thế giới tăng thì vàng trong nước phải tăng theo. Nghị định 24 cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng không tự chủ được nguồn cung, bắt buộc neo giá cao để tránh thâm hụt quỹ vàng.
Mua vàng lúc này là tìm kiếm sự bất ổn, không phải an toàn
Đáng chú ý, diễn biến giá vàng trong nước được các chuyên gia đánh giá là đang có dấu hiệu “tăng hỗn” so với giá thế giới. Bởi trong 2 ngày liên tiếp, giá vàng thế giới đi lên nhưng sau đó có dấu hiệu hạ nhiệt thì giá trong nước vẫn được các doanh nghiệp đều đặn điều chỉnh tăng.
Cụ thể, đỉnh điểm hôm qua, giá vàng thế giới leo lên mốc 2.066 USD/ounce, đến chiều giảm còn 2.058 USD/ounce nhưng giá trong nước vẫn tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, vàng thế giới gần 58 triệu đồng/lượng, tức trong nước đang cao hơn khoảng 4,5 triệu đồng mỗi lượng.
Do đó, theo nhận định, nếu giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng thì giá vàng trong nước còn bị đẩy lên dữ dội hơn. Ngược lại, nếu giá vàng thế giới đi xuống thì giá vàng trong nước sẽ giảm mạnh.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng nhận định thời điểm này vàng vẫn đang ở đỉnh cao, và chưa có khả năng giảm trong 2, 3 tháng tới. Tuy nhiên, ông không ủng hộ mua vàng ở thời điểm giá tăng nóng và đầy rủi ro.
Trong vòng 1 năm qua, giá vàng tăng thẳng đứng, theo kinh nghiệm quá khứ thì khi mua ở đỉnh, dư địa tăng không còn nhiều, trong khi việc giá vàng quay đầu hoàn toàn có thể xảy xa. Trong vòng 4 tháng tới giá vàng vẫn neo ở mức cao như hiện nay hoặc có thể tăng thêm. Sau đó, nhiều khả năng sẽ giảm. Như vậy, không nên mua vàng lúc này, ở thời điểm giá quá cao.
“Mua vàng lúc này không phải để tìm kiếm sự an toàn mà là mua trong bất ổn. Bởi vàng có khả năng tăng hoặc giảm giá mạnh...Về dài hạn, lịch sử cho thấy giá vàng không thể lên mãi và 2.000 USD/ounce, mốc được xem là mức rất cao", ông Hiển phân tích.
Theo ông, người dân chỉ tăng tái phân bổ tiết kiệm vào vàng khi lo ngại tiền Việt mất giá, và thường mua khi giá vàng ổn định. Còn hiện tại, giá vàng đã vượt đỉnh năm 2011. Và bài học người dân, nhà đầu tư xếp hàng tranh mua khi giá vàng tăng sốc 49 triệu đồng/lượng, sau đó lùi sâu về mức giá dưới 35 triệu đồng/lượng vẫn còn nóng.
“Vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng quay đầu giảm. Cho dù dịch COVID-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên, giá vàng không thể tăng lên mức quá cao trong một vài năm tới", ông Hiển nói.
Ngân hàng Nhà nước lưu ý dù giá vàng trong nước vài ngày qua tăng chóng mặt nhưng khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vàng miếng SJC duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Ngân hàng Nhà nước nhận định thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp