16/08/2017 02:59
Giá vàng 'hạ nhiệt' cùng bán đảo Triều Tiên
Bước sang tuần này, giá vàng đã liên tục giảm khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên “hạ nhiệt”. Vậy đà sụt giảm của giá vàng có tiếp tục?
Bước sang tuần này, giá vàng đã liên tục giảm khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên “hạ nhiệt”. Vậy đà sụt giảm của giá vàng có tiếp tục?
Sau khi lên tới mức 1.292USD/oz vào phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng đã liên tục sụt giảm. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng đã có thời điểm giảm xuống mức 1.267USD/oz và đóng cửa ở mức 1.271USD/oz. Sáng nay trên thị trường châu Á, sau khi mở cửa, giá vàng đã phục hồi nhẹ lên mức 1.274USD/oz.
Giá vàng giảm là do ông Kim Jong-Un đã quyết định hoãn kế hoạch tấn công tên lửa đạn đạo vào đảo Guam để chờ thêm các động thái của Mỹ trong thời gian tới. Trong khi đó, ông Rex Tillerson tuyên bố Mỹ tiếp tục muốn đối thoại với Triều Tiên, khi cả hai bên dường như đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.
Ngoài ra, đồng USD cũng tác động tiêu cực đến giá vàng trong những phiên giao dịch vừa qua khi các số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến. Cụ thể, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 0,6%, cao gấp đôi so với mức dự kiến; chỉ số sản xuất công nghiệp Empire State tăng lên mức 25,2 điểm trong tháng 8, so với mức 9,8 điểm trong tháng 7. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Đồng USD còn được hỗ trợ tích cực khi Chủ tịch Fed New York William Dudley cho biết Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và sớm bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản của mình.
Giá vàng quốc tế giảm đã kéo giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam “trượt dốc”. Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,38- 36,52 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,22-36,30 triệu đồng/lượng, giảm 160.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 220.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tính đến 9h00 sáng nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở 3 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ ở mức giá 36,18- 36,36 triệu đồng/lượng, giá bán ra tiếp tục giảm 40.000 đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch chiều ngày hôm qua. Còn tại khu vực thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,23- 36,31 triệu đồng/lượng, giá bán ra giảm 60 nghìn đồng/lượng so với cuối giờ chiều ngày hôm qua.
Sáng nay (16/8), khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi tiếp tục duy trì ở mức 1,4 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 200.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.
Trong những ngày qua, giá vàng tăng mạnh chủ yếu do “khẩu chiến” giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lên tới đỉnh điểm, khiến nhu cầu đầu tư vàng làm nơi trú ẩn an toàn tăng đột biến. Nay tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã lắng xuống, cộng với những số liệu kinh tế khả quan của Mỹ đã và đang gây sức ép đối với giá vàng.
Giới chuyên gia cho rằng, đà giảm giá vàng có thể sẽ tiếp diễn trừ khi biên bản cuộc họp của FED được công bố trong tuần này cho thấy cơ quan này bật tín hiệu trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.
Mặc dù vậy, nhưng ông Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích của Forex.com, vẫn tin tưởng rằng, giá vàng sẽ tăng giá trong dài hạn, bởi vì trong nhiều tháng qua giá vàng vẫn trụ vững trên vùng 1.200USD/oz.
“Yếu tố có thể đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.300USD/oz trong thời gian tới chính là thị trường chứng khoán, chứ không phải là USD hay căng thẳng địa chính trị. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm sâu hơn nữa, thì sẽ đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.295USD/oz. Khi đó, lực mua đuổi giá sẽ tăng mạnh và hỗ trợ giá vàng vượt xa mức 1.300USD/oz.
Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang có xu hướng giảm nhẹ trong ngắn hạn. Nếu bị đẩy xuống dưới 1.265USD/oz (đường biên giữa dải Bollinger trên biểu đồ ngày), thì có thể xuống tới vùng 1.250USD/oz. Nếu không trụ vững trên vùng 1.250USD/oz, thì nhiều khả năng giá vàng sẽ về vùng 1.230USD/oz (MA200).
Trong khi đó, mức kháng cự đầu tiên đang ở 1.280USD/oz, kế tiếp là 1.288-1.296USD/oz.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp