Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giá phân bón rục rịch tăng

Thị trường 24h

08/08/2017 07:21

Ngay sau khi Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu với mức thuế gần 1,86 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp cung ứng mặt hàng này đã thông báo sẽ tăng giá bán sản phẩm

Giá phân bón mới sẽ được các doanh nghiệp (DN) công bố sau ngày 19-8, thời điểm quyết định của Bộ Công Thương có hiệu lực.

Ảnh hưởng rộng

DAP và MAP là sản phẩm dùng bón lót, bón thúc cho tất cả cây trồng trên các loại đất khác nhau, sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân NPK hoặc phân bón khác. Đây là một trong những loại phân bón chính được sử dụng hiện nay nên khi sản phẩm này tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến nông dân và sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacam (TP HCM), một DN nhập khẩu phân bón - cho biết mặt bằng giá phân bón trên thị trường sẽ tăng sau quyết định trên. "Nhà nhập khẩu sẽ cộng thuế vào giá nhập và tăng giá bán. Nhiều DN còn hàng tồn sẽ được lợi do được hưởng giá mới. Cuối cùng thì chỉ nông dân chịu thiệt vì phải mua phân bón giá cao" - ông Hải nhận xét.

Nông dân sẽ khó khăn hơn nếu giá phân bón tăng Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Trần Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Hà Lan, DN mua phân DAP nguyên liệu để sản xuất - cho rằng dù hàng nhập khẩu tăng giá do thuế, công ty cũng không thể chuyển sang mua DAP nội địa. Nguyên nhân là DAP nội chỉ sản xuất được một số mặt hàng, còn lại vẫn phải mua nguyên liệu nhập để bảo đảm chất lượng.

Theo ông Dũng, hiện vụ mùa đã hết, giai đoạn tiêu thụ phân bón không lớn nên giá bán tạm thời vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, công ty của ông đang tính toán tăng giá theo mức tăng của nguyên liệu.

Theo đó, nếu cộng thêm thuế tự vệ, mỗi kg phân DAP sẽ tăng khoảng 1.900 đồng, phân NPK (40% DAP) tăng gần 800 đồng/kg. "Sau khi sụt giảm vào năm 2016, nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân năm nay tăng mạnh để thêm dinh dưỡng cho đất và tăng năng suất cây trồng" - ông Dũng nói.

Cứu doanh nghiệp thua lỗ!

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), 3 DN trong nước là DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai và Công ty CP Hóa chất Đức Giang (chiếm 100% sản lượng DAP sản xuất trong nước) đã nộp hồ sơ và ủng hộ điều tra tự vệ. Phân bón DAP sản xuất trong nước gia nhập thị trường năm 2011 và có giá bán thấp hơn hàng nhập khẩu.

Giá hàng nhập khẩu ổn định trong giai đoạn 2013-2015 nhưng đến năm 2016 đột ngột giảm 17,11% dù chi phí nhập khẩu tăng 30%. Vì thế, hàng trong nước buộc phải giảm giá theo, thậm chí dưới giá thành cả năm 2016 để duy trì sản xuất thay vì đóng cửa.

Tình trạng bán dưới giá thành còn diễn ra đến tháng 6-2017 và có thể gây âm vốn chủ sở hữu trong năm 2017. Nguy cơ 2 DN phải đóng cửa là rất cao nếu thua lỗ vẫn tiếp tục trong năm 2017. Cụ thể, năm 2013, tỉ suất lợi nhuận của ngành âm 0,4%, năm 2016 âm đến 86,4%, tức mỗi sản phẩm sản xuất ra chịu lỗ gần bằng doanh thu.

Cục Quản lý cạnh tranh đánh giá sự khó khăn của DAP sản xuất trong nước còn có 2 nguyên nhân khác là nhu cầu sử dụng sụt giảm (năm 2015 giảm 3% và năm 2016 giảm tiếp 10% do thời tiết) và việc mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ đầu vào khiến giá thành tăng 4%-5%. Nhưng nguyên nhân chính là do hàng nhập khẩu gia tăng tương đối 35%, gây ép giá và kìm giá hàng tương tự sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành thì việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng khó cứu được 2 nhà máy sản xuất phân bón DAP trong nước (DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai) do hạn chế về chất lượng sản phẩm cũng như công tác bán hàng.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bày tỏ quan điểm không nên áp dụng thuế tự vệ cho các sản phẩm đầu vào, như phân bón đối với ngành nông nghiệp.

Bởi vì, việc này sẽ tác động trực tiếp không chỉ với nông nghiệp mà còn tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh nông nghiệp gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề, tăng trưởng nhiều năm sụt giảm và người nông dân rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước từ phân bón, giống, thuốc trừ sâu...

"Áp thuế tự vệ với phân bón có thể làm chi phí trung gian tăng lên, giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh, nông dân mất lãi và quan trọng là giá trị gia tăng của toàn bộ nền kinh tế giảm đi" - ông Trinh phân tích.

Mặt khác, quyết định áp dụng thuế tự vệ dựa trên hồ sơ của bên yêu cầu là Công ty CP DAP (DAP Đình Vũ) và Công ty CP DAP số 2 (DAP Lào Cai) cùng thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), theo ông Bùi Trinh, là chưa thực sự thỏa đáng.

"Liệu có lợi ích nhóm trong quyết định này hay không, nhất là khi Bộ Công Thương đang có hàng loạt dự án thua lỗ trong lĩnh vực phân bón như Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai, DAP Đình Vũ. Sao người nông dân lại phải gánh chịu cho các dự án thua lỗ do làm ăn kém" - ông Trinh đặt vấn đề.

Nông dân chịu thiệt!

Ông Lê Văn Lam (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: "Tôi cảm thấy lo lắng trước thông tin phân bón ngoại nhập bị đánh thuế cao trong thời gian tới vì như thế thì chắc chắn phân trong nước sẽ tăng theo. Trong sản xuất lúa thì chi phí phân bón là lớn nhất, chiếm khoảng 25%, sau đó mới tới thuốc trừ sâu, làm đất… Tôi nghĩ nhà nước nên cân nhắc kỹ vấn đề này để làm sao hài hòa lợi ích của DN sản xuất phân bón trong nước với nông dân chúng tôi".

Tối 7-8, ông Nguyễn Văn Ửng, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (Tiền Giang), khẳng định việc áp thuế này nông dân bị thiệt là chắc chắn. Theo ông, với giá phân bón như hiện nay, nông dân đã gặp nhiều khó khăn, tăng thêm khoảng 1,8 triệu đồng/ tấn thì càng khổ. "Chất lượng DAP trong nước không bằng hàng nhập khẩu thì được bảo vệ, còn hàng nhập khẩu chất lượng tốt hơn thì bị đánh thuế cao" - ông Ửng bức xúc.

TH.NỐT - C.TUẤN

NGỌC ÁNH - THÙY DƯƠNG (Người lao động)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement