01/10/2019 08:36
Giá nước sinh hoạt tại TP.HCM sẽ tăng mạnh
Người dân sẽ phải trả 14.400 đồng/m3 nước sạch khi sử dụng vượt định mức trên 6m3 vào năm 2020.
Theo Zing, Sở Tài chính vừa trình UBND TP.HCM dự thảo quyết định về phương án giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2020.
Dựa theo phương án này, giá nước sạch tăng lũy tiến trong các năm tới với mức tăng từ 5-6,6%. Ở định mức 4 m3 đầu tiên, giá nước sạch dự kiến tăng lên 5.600 đồng/m3 trong năm nay và tăng lên 6.700 đồng vào năm 2022.
Cũng theo nội dung phương án, điều đáng chú ý là nếu như người dân sử dụng nước sạch vượt định mức 6m3 thì phải chi 14.400 đồng/m3 vào năm 2020. Đơn giá nước này chưa bao gồm thuế trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường theo quy định.
Cách xác định định mức sử dụng nước sinh hoạt là dựa trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn, mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước. Sinh viên và người lao động có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên được hưởng định mức như người dân có hộ khẩu TP.HCM.
Giá nước dự kiến tăng vào thời gian sắp tới. Ảnh: Sở Tài chính |
Hiện tại, người dân sinh sống tại TP.HCM đang trả tiền nước hàng tháng theo đơn giá nước sinh hoạt tại Quyết định 103/2009 của UBND TP.HCM. Trong 6 năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) nhiều lần đề xuất tăng giá nước sạch để cân đối chi phí, phát triển mạng lưới cấp nước.
Chỉ trong giai đoạn 2014-2017, Sở Tài chính đã trình UBND TP.HCM 7 tờ trình điều chỉnh giá nước nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Mấu chốt chính khiến phương án nước chưa được thông qua là tỷ lệ thất thoát được tính vào giá thành vẫn còn cao, hiện khoảng 22,2%.
Tổng công suất các nhà máy cấp nước trên địa bàn TP.HCM khoảng 2,4 triệu m3/ngày nhưng công suất tiêu thụ chỉ hơn 1,8 triệu m3/ngày. Bên cạnh nguồn nước sạch, khoảng 680.000 m3 nước ngầm cũng được khai thác mỗi ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.
Trước đó,Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng kiến nghị UBND TP.HCM điều chỉnh tăng giá bán lẻ nước sinh hoạt giai đoạn 2019-2022.
Theo tờ trình của SAWACO, từ năm 2013 đến nay, giá nước vẫn chưa được điều chỉnh. Từ năm 2015, tình hình tài chính của SAWACO bị ảnh hưởng do phải bảo đảm, duy trì tỉ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch khi triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND TP.HCM và thực hiện "nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội", trong khi chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước tăng hằng năm, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh nước sạch (42%). Từ năm 2016-2018, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỉ đồng/năm.
Người dân TP.HCM sẽ trả thêm tiền nước sinh hoạt. |
Để bù đắp chi phí tăng cao do trượt giá, các đối tác của SAWACO yêu cầu lộ trình giá mua bán sỉ nước sạch tăng định kỳ hằng năm hoặc 2 năm. Cụ thể, Công ty Cổ phần B.O.O nước Thủ Đức 2 năm sẽ tăng 5% giá nước sạch; Công ty Cổ phần Cấp nước Kênh Đông tăng 6 năm đầu, mỗi năm tăng 5%, các năm sau mỗi năm tăng 1%; Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nước sạch Sài Gòn 10 năm đầu, mỗi năm tăng 5%, các năm sau tăng 3%; Công ty Cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp năm thứ 2 tăng 5%, sau đó 2 năm tăng 7,5%.
Bên cạnh đó còn bị ảnh hưởng từ thay đổi chính sách thuế, giá điện. Một khó khăn nữa là do một bộ phận người dân còn sử dụng nước ngầm nên SAWACO chưa tiêu thụ hết lượng nước sản xuất và mua sỉ của các nhà máy nước khác, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của SAWACO.
SAWACO kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận nguyên tắc việc điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch phải gắn liền với việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch cho người tiêu dùng. Khi giá bán lẻ được điều chỉnh thì hai bên sẽ thương thảo điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch.
Đồng thời, chấp thuận cho SAWACO đàm phán lại sản lượng và đơn giá mua sỉ nước sạch với các nhà máy xã hội hóa theo khả năng tiêu thụ, phát huy công suất các nhà máy của SAWACO. Việc này nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp