Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giá nhà: Những áp lực tăng mới

Tăng giá nguyên vật liệu không chỉ tạo áp lực cho nhóm doanh nghiệp nhà thầu, chủ đầu tư và giá nhà, đằng sau đó, còn tồn tại không ít vấn đề về mặt quản lý liên ngành cần được xem xét.

Giá nhà: Những áp lực tăng mới

Giá nhà chung cư dự báo tăng thêm 20% trong thời gian tới… Ảnh: Dũng Minh

Từ “cơn bão” giá nguyên vật liệu

“Giá hầu hết các loại vật liệu xây dựng đều tăng phi mã, đặc biệt là thép, điều này khiến doanh nghiệp nhà thầu như chúng tôi gặp vô vàn khó khăn”. Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings cho biết.

Theo ông Phúc, với phân khúc nhà biệt thự và nhà liền kề xây thô, tính riêng giá thép đã chiếm từ 32-33% chi phí xây dựng, với công trình nhà chung cư xây thô thì con số này dao động trong khoảng 29-30%, còn tính đến khi căn hộ hoàn thiện thì giá thép chiếm tỷ lệ 10-15% tổng chi phí xây dựng.

“Với việc giá thép tăng khoảng 40% trong những tháng qua, ước tính giá xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề đã tăng 12%, còn nhà chung cư tăng 5%. Lấy ví dụ, trước đây nhà biệt thự, nhà liền kề có giá khoảng 6 tỷ đồng thì nay tăng lên hơn 6,6 tỷ đồng, còn căn hộ chung cư tăng từ khoảng 2 tỷ đồng/căn lên khoảng 2,1 tỷ đồng/căn. Cộng với giá cả các loại vật liệu khác như sắt, nhôm, đồng, nhựa, cát, sỏi… cũng đều tăng mạnh, cho nên giá nhà tăng là điều khó tránh”, ông Phúc nhìn nhận.

Cũng bày tỏ quan ngại về áp lực tăng giá nhà trong cơn bão giá nguyên vật liệu hiện nay, ông Trần Huy Tưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng cho biết, giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép nói riêng tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến giá nhà.

“Trong kết cấu xây dựng nhà cao tầng, thép luôn chiếm tỷ trọng cao, nên việc nguyên liệu này tăng mạnh khiến tổng giá trị xây dựng bị đội lên 2-3%. Nếu tính cả mức tăng trung bình từ 20-30% của các nguyên vật liệu khác, giá nhà chung cư trong thời gian tới có thể tăng thêm 20% (chưa tính tăng giá đất)”, ông Tưởng tính toán.

… khi giá sắt thép và các vật liệu xây dựng khác đã tăng vài chục phần trăm những tháng qua. Ảnh: Dũng Minh

… đến giải bài toán lợi ích

Thực tế, về cơ bản, các hợp đồng xây dựng, thi công dự án của Nhà nước đều có điều khoản điều chỉnh chi phí xây dựng theo biến động giá nguyên vật liệu, còn với chủ đầu tư tư nhân thì khó xin điều chỉnh do thường là hợp đồng trọn gói.

Cụ thể hơn, ông Trần Hồng Phúc cho hay, khi triển khai dự án, việc thống nhất cách giải quyết để làm hài lòng cả chủ đầu tư và nhà thầu là không đơn giản, bởi lợi ích của mỗi bên không giống nhau.

“Ví dụ, nhà thầu đưa ra biên độ lợi nhuận ở mức 5-7%, nhưng vì giá nguyên vật liệu bất ngờ tăng cao khiến chi phí thi công bị đội gấp đôi (10-14%), thậm chí cao hơn và để bù đắp, chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán nhà, mà nếu tăng giá nhà thì dễ bị phản ứng bất lợi từ khách hàng, thị trường”, ông Phú nói.

Đưa ra giải pháp, theo ông Phúc, trước mắt, nhà thầu thi công cần chuẩn bị tốt nguồn tiền để thu mua nguyên vật liệu với khối lượng lớn, thương thảo với các chủ đầu tư để xin hỗ trợ về giá thi công, với các hợp đồng mới thì kiên quyết bổ sung các điều khoản điều chỉnh giá theo biên độ tăng, giảm của thị trường.

Còn về lâu dài, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và bổ sung yếu tố tăng giá nguyên vật liệu như là yếu tố bất khả kháng trong quá trình thực hiện các hợp đồng thi công để làm căn cứ điều chỉnh giá.

“Có những chủ đầu tư dù đã ký hợp đồng trọn gói nhưng vẫn thông cảm và hỗ trợ chúng tôi phần nào. Nói thật, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, chúng tôi sẽ ‘về mặt đất’ ngay. Còn với các hợp đồng mới, điều khoản điều chỉnh biên độ giá nguyên vật liệu tăng/giảm trong khoảng 5% là bắt buộc”, ông Phúc chia sẻ thêm.

Để hài hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã khó, nhưng ngay cả khi có sự đồng thuận của đôi bên thì cũng chưa đảm bảo dự án “xuôi chèo mát mái”. Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp nhà thầu cho biết, trước đây, doanh nghiệp ông ký hợp đồng thi công một dự án có vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong hợp đồng thi công, nhà thầu đã đưa ra điều khoản điều chỉnh chi phí xây dựng theo diễn biến giá nguyên vật liệu trên thực tế và được chủ đầu tư ủng hộ, nhưng lại không được cơ quan quản lý xác nhận vì thiếu cơ sở đánh giá, gây thua thiệt cho nhà thầu.

“Khi giá vật liệu có biến động lớn, theo điều khoản trong hợp đồng, các điều khoản điều chỉnh cũng như công thức tính chi phí xây dựng mới được kích hoạt, nhưng khi tôi lên xin bảng xác nhận biến động giá từ cơ quan quản lý thì tài liệu thống kê, xác nhận biến động giá của cơ quan quản lý chỉ nêu “chỉ mang tính tham khảo” mà không có ý kiến chấp thuận, cho nên phía đối tác không thể hỗ trợ điều chỉnh bởi thiếu căn cứ pháp lý.

Thực tế này cho thấy công tác thu thập dữ liệu, công bố thông tin, nguồn tin và số liệu thị trường của chúng ta còn nhiều hạn chế, khiến các nhà thầu nội bị thua thiệt ngay trên sân nhà”, vị đại diện trên nói.

Và nghi vấn “làm giá”

Không chỉ vướng trong việc “gỡ rối tơ lòng” cho chủ đầu tư và nhà thầu, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, câu chuyện “bão giá” nguyên liệu còn phản ánh hạn chế trong việc quản lý thị trường vật liệu xây dựng hiện nay.

Ông Phúc cho biết, khi thị trường vật liệu xây dựng diễn biến xấu thì bên thiệt hại trước tiên là các nhà thầu, cuối cùng là người tiêu dùng. Theo ông Phúc, hiện tại, ngoài việc giá tăng, nhà thầu có tiền mua nguyên vật liệu cũng khó khăn, một mặt do các đại lý, đơn vị cung cấp muốn găm giữ hàng chờ giá tăng cao hơn để trục lợi, mặt khác do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do dịch Covid-19 khiến nguồn cung nguyên vật liệu trong nước bị thiếu hụt.

Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch HĐQT Ruby Group, đơn vị thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông từ nguồn vốn đầu tư công cho biết, các địa phương rất thích xin dự án đầu tư công, nhưng công tác quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án chưa tốt, dẫn đến tình trạng các đơn vị cung cấp địa phương kinh doanh tự phát, hàng bán trôi nổi, không kiểm soát được giá…

Đáng chú ý, hiện nay, các cơ quan liên ngành hàng tháng đều có thông báo giá vật liệu, nhưng giá này lại không phản ánh giá thị trường, cũng không quản lý chặt, để các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu “bắt tay” nhau làm giá, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường vật liệu xây dựng.

“Để điều tiết giá vật liệu xây dựng, bình ổn thị trường, giải pháp căn cơ phải xuất phát từ quản lý vĩ mô, Chính phủ cần sớm vào cuộc, có hỗ trợ về giá, thuế cho đơn vị thi công, nhà thầu xây dựng, hỗ trợ cả các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, giao cho địa phương điều tiết, từ đó hạn chế các mặt hàng tăng do đầu cơ…”, ông Hoạt đề xuất.

PV
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement