Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giá dầu thô xuống mức âm không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng

Thị trường 24h

23/04/2020 21:17

Báo Straits Times của Singapore vừa cho rằng việc giá dầu mỏ gần đây rơi vào vùng âm, có thể không thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Ngược lại, cú sốc đối với niềm tin của các nhà đầu tư có thể tạo ra những "gợn sóng" trên thị trường tài chính, tác động tới cổ phiếu, trái phiếu, các loại tiền tệ và cuối cùng có thể khiến nhiều công ty gặp khó khăn.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn bài báo cho biết, nguyên nhân giá dầu thô giảm đột biến là do những tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.

Việc các nước tiến hành các biện pháp phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan, dẫn tới rất ít phương tiện được lưu thông trên đường phố, trong khi hàng nghìn máy bay buộc phải “đắp chiếu” tại các sân bay trên khắp thế giới, làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu đối với nhiên liệu.

Giá dầu thô giảm mạnh có thể khiế giá xăng giảm theo, nhưng tác động của nó đến nền kinh tế thế giới còn nặng nề hơn gấp nhiều lần và khiến hàng nghìn người mất việc. Ảnh: ST
Giá dầu thô giảm mạnh có thể khiế giá xăng giảm theo, nhưng tác động của nó đến nền kinh tế thế giới còn nặng nề hơn gấp nhiều lần và khiến hàng nghìn người mất việc. Ảnh: ST

Cuộc chiến giá dầu kéo dài 6 tuần giữa Nga và Saudi Arabia cũng là cú sốc nguồn cung thứ hai góp phần làm các kho chứa dầu mỏ, các đường ống dẫn dầu trở nên đầy ứ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ - nước khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Bất đồng về vấn đề cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ giữa hai nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này đã khép lại trong tháng 4 với một thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC ) nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác ở mức lớn nhất từ trước đến nay 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5/2020.

Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này quá ít và quá chậm trễ trong bối cảnh ngành dầu mỏ toàn cầu đang phải vật lộn đối phó với nhu cầu sụt giảm mạnh. Goldman Sachs ước tính sản lượng khai thác dầu thô cần cắt giảm tới 26 triệu thùng/ngày mới phù hợp.

Theo giới phân tích, trong khi thiếu hụt nhu cầu sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu mỏ nói chung, sự đổ vỡ của giá dầu trong ngày 20/4, từ mức 17,85 USD/thùng thời điểm mở cửa xuống đến -37,63 USD/thùng thời điểm đóng cửa, về cơ bản là một "lỗ hổng giao dịch" đối với các hợp đồng kỳ hạn tại thị trường Mỹ.

Tình trạng này chưa từng được dự báo và dù mức giá đối với hợp đồng giao dầu WTI tháng 5/2020 đã dương trở lại trong ngày 21/4, song điều này không có nghĩa tình trạng đó sẽ không lặp lại trong tương lai.

Đối với các hợp đồng kỳ hạn giao tháng 6/2020, tình trạng bán tháo tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trừ phi các kho chứa dầu mỏ không còn “đầy đến ngọn”. Tuy nhiên, viễn cảnh này xem ra khó có thể xảy ra “một sớm, một chiều” nếu đặt trong bối cảnh tình trạng nhu cầu nhiên liệu hiện tại.

Các nhà phân tích cũng nhận định trong tình huống giá dầu mỏ sụt giảm tới mức giá âm chỉ diễn ra đối với các hợp đồng kỳ hạn và với khối lượng giao dịch tương đối thấp, tác động và ảnh hưởng lan truyền của vấn đề này đối với các tài sản khác có thể cũng chỉ có giới hạn.

Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư suy yếu có thể làm giảm giá cổ phiếu và trái phiếu của các công ty năng lượng do các công ty này dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu, nợ cao hoặc tình trạng cân đối thu chi yếu kém.

  Có tới 30 triệu thùng mỗi ngày đã được bơm vào kho trên toàn thế giới trong hai hoặc ba tháng qua. ẢNH: AFP

Có tới 30 triệu thùng mỗi ngày đã được bơm vào kho trên toàn thế giới trong hai hoặc ba tháng qua. ẢNH: AFP

Hai chuyên gia phân tích Pei Hwa Ho (Pây Hoa Hô) và Suvro Sarkar (Su-rô Xa-ca) của Ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng giá dầu mỏ sẽ vẫn duy trì tình trạng biến động với áp lực suy giảm trong quý II/2020, đặc biệt là vào tháng 4, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa trên toàn thế giới vẫn đang được áp dụng.

Sự phục hồi giá dầu có thể sẽ chỉ bắt đầu diễn ra vào nửa cuối năm 2020 khi tình trạng phong tỏa được dự báo sẽ nới lỏng. Giá dầu ở mức thấp sẽ tiếp tục ngăn cản hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, trong khi những doanh nghiệp, công ty lọc dầu dự kiến sẽ có doanh thu thấp hơn trong bối cảnh  nhu cầu nhiên liệu còn yếu.

Hai nhà phân tích Pei Hwa Ho và Suvro Sarkar cũng cho rằng mức giá dầu mỏ trung bình thấp cũng đang tác động tiêu cực tới dòng chảy tiền của các tập đoàn dầu mỏ lớn, đã phải tuyên bố hoặc có những động thái cắt giảm chi tiêu khoảng 20-30% để duy trì dòng tiền. Sự cắt giảm chi tiêu và nguồn vốn đầu tư mà các công ty như Shell, ExxonMobil, Chevron hay các công ty như Aramco và Adnoc đã tuyên bố sẽ tác động tới hợp đồng của các công ty đóng tàu.

Đối với những người sở hữu ô tô và người tiêu thụ điện năng, tác động của giá dầu mỏ thấp đối với chi phí hàng tháng của họ sẽ là không lớn. Các hãng hàng không sẽ chỉ được hưởng lợi khi các máy bay của họ tiếp tục được sử dụng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Howie Lee (Hô-uy Li) của Ngân hàng OCBC cho rằng xăng dầu là sản phẩm được tinh chế, và mặc dù sản phẩm này có nguồn gốc từ dầu thô thì cũng có thị trường khác biệt riêng. Giá xăng dầu (đã qua xử lý) không tương ứng với giá dầu thô khai thác từ các mỏ dầu.

Thậm chí, hầu hết giá dầu mỏ tại châu Á thường được định giá theo dầu Brent và loại dầu mỏ này vẫn đang duy trì tương đối ổn định bất chấp giá dầu WTI sụt giảm mạnh. Do vậy, chuyên gia Lee cho rằng sẽ không có chuyện giá xăng dầu đã qua xử lý sẽ ở mức âm tại Singapore và thậm chí ngay cả tại Mỹ cũng sẽ không có điều đó xảy ra.

Xét về tổng thể, giá các mặt hàng hàng hóa và tài sản suy giảm sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ giảm phát cao. Đây cũng là viễn cảnh - sự suy giảm chung về tổng cầu - mà mọi nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực tránh bằng bất kỳ giá nào.

PV (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement