22/08/2017 04:54
Giá bất động sản có thể tăng 4 – 5% nếu mức thuế GTGT tăng lên 12%
Giá bất động sản có thể tăng 4 -5% nếu thuế GTGT được tăng từ 10% lên 12% theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Trong trường hợp Nhà nước đồng ý tăng thuế GTGT lên 12%, giá bất động sản có thể tăng 4 -5%, gây khó khăn cho người dân nếu muốn sở hữu nhà.
Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia trước thông tin Bộ Tài chính vừa đề xuất dự thảo nâng thuế suất GTGT để giảm bội chi ngân sách.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là tăng mức thuế GTGT từ 10% lên 12%. Phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/9/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Hiệncác nước trong khu vực Asean như Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT là 10%. Trong khi Singapore là 7% và Thái Lan 5%.
Đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ, việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công...tăng lên, giá bán nhà tăng lên.
“Trong bối cảnh thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, việc tăng thuế như vậy sẽ làm cho nhiều người khó khăn hơn trong việc mua cho mình một ngôi nhà để ổn định chốn an cư”, ông Châu chia sẻ.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hoà thì cho rằng, với việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% theo cách giải thích của Bộ Tài chính nhằm tăng thu ngân sách để tránh bội chi cũng như đưa lên mức thuế ngang bằng các nước xung quanh là chưa thuyết phục.
Bởi muốn giảm chi ngân sách, thay vì tăng thuế, nhà nước cần phải thực hiện nhiều biện pháp như thực hành tiết kiệm, tinh giản bộ máy cồng kềnh hay thu đúng, thu đủ những hạng mục thuế cần thiết.
Theo ông Quang, nếu thuế GTGT được áp dụng tăng từ 10% lên 12% sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản. Cụ thể, nếu thuế GTGT tăng 2% thì giá bất động sản có thể tăng 4 – 5%.
Ông Quang lý giải, nếu thuế GTGT được nâng lên, đồng nghĩa với các mặt hàng như xi măng, sắt thép… cũng sẽ tăng theo. Thế nhưng, trên nguyên tắc, các mặt hàng nhỏ sẽ sẽ tăng giá nhiều hơn so với các mặt hàng có giá trị lớn.
Khi giá những mặt hàng nhỏ như vậy tăng lên, sẽ làm giá thành sản phẩm khi chưa có thuế đã tăng. Cộng thêm việc các chủ đầu tư khi bán sản phẩm ra thị trường phải cộng thêm con số dự phòng sẽ làm giá bất động sản tăng lên rất lớn.
Về mặt vĩ mô, thông tin tăng thuế GTGT cũng có thể khiến cho thị trường bị nhiễu loạn và rơi vào khủng hoảng hoặc sốt ảo.
“Ví dụ, nếu như có thông tin đầu năm 2019 nhà nước sẽ tăng thuế GTGT, kéo theo việc giá bất động sản tăng thì người ta sẽ đổ xô đi mua nhà vào năm 2018. Lúc này, sẽ tạo nên một cơn sốt ảo, giới đầu tư tranh thủ đầu cơ, chủ đầu tư cũng sẽ tranh thủ thổi giá. Nhưng đến năm 2019, giá bất động sản cao quá thì nguồn cầu sẽ giảm đi, thị trường sẽ bị rối loạn”, ông Quang đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc tăng thuế GTGT là biện pháp dở nhất nhằm cân bằng bội chi ngân sách.
Lý do bởi việc tăng thuế VAT là biện pháp thu thuế nhanh nhất nhưng lại giảm nguồn thu trong tương lai cũng như kìm hãm nền kinh tế phát triển.
“Hiện nay, xu thế trên thế giới là thu thuế sau quá trình kinh doanh. Tức là nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, giảm giá thành để tạo ra giá trị thặng dư lớn. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và sau đó là đánh vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản để tạo ra nguồn thu”, ông Hiển cho biết.
Thế nhưng, theo TS Đinh Thế Hiển, hiện nay, chúng ta lại đang làm một quy trình ngược. Tức là khuyến khích kêu gọi thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế thu nhập.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không cần điều này, bởi thuế thu nhập chỉ là cái mà doanh nghiệp thu được sau khi đã hoạt động, cái họ cần trước mắt là giảm thuế VAT, là cơ chế thông thoáng để có thể kinh doanh. Một khi doanh nghiệp làm ăn có lời, việc thu thuế vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ mà doanh nghiệp đó cần thực hiện và không thắc mắc.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp