Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giá bán lên mức cao nhất 4 năm, doanh nghiệp mía đường lãi lớn quý đầu niên độ 2021-2022

Doanh nghiệp

05/11/2021 14:48

Nhiều doanh nghiệp mía đường báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu niên độ 2021-2022.

Nhiều cửa sáng cho doanh nghiệp mía đường nội địa

Giá đường thô kỳ hạn trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE) hiện giao dịch ở mức 19,63 cent mỗi pound, vùng giá cao nhất trong vòng 4 năm qua và tăng 33% trong vòng 1 năm qua. Nguyên nhân theo nhiều chuyên gia là do thời tiết khô hạn kéo dài và băng giá ảnh hưởng đến cây mía ở nước sản xuất hàng đầu Brazil – quốc gia cung cấp khoảng 50% lượng đường thế giới. Ngoài ra, giá dầu tăng mạnh thúc đẩy nhu cầu đối với ethanol từ mía, thu hút các nhà máy sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học hơn thay vì chất làm ngọt.

gia-duong-the-gioi-4785-1636091723.png
Nguồn: TradingEconomics

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường thế giới tăng cao cùng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao. Theo đó, giá đường trong nước sẽ tiệm cận với giá đường trong khu vực và giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống phá giá, chống trợ cấp. Giá đường trong nước bán tại nhà máy đã lên mức trên dưới 20.000 đồng/kg, tăng mạnh so với vùng 12.000-13.000 đồng/kg năm 2020.

gia-duong-noi-dia-5574-1636091723.png
 

Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá ngành mía đường đang có nhiều cửa sáng. Việc áp thuế gần 48% cho các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, sản lượng mía dự kiến tăng 2% trong niên vụ 2021/2022 nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đạt 8,6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, ngành vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro khi năng suất, quy mô đều thấp hơn so với Thái Lan. Thời tiết, dịch bệnh cũng là những yếu tố cần chú ý trong trung, dài hạn.

Mặt khác, Agriseco dẫn báo cáo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ 2021/2022, sản lượng mía đường Thái Lan hồi phục mạnh so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ của chính phủ, xuất khẩu đường sẽ đạt mức 10 triệu tấn, tăng từ mức thấp kỷ lục 4 triệu tấn ở niên vụ 2020/2021. Tuy nhiên, sản lượng mía đường ở Brazil tiếp tục sụt giảm 10% so với niên vụ 2020/2021 do thời tiết khô hạn, lượng mưa dưới mức trung bình và tình trạng sương giá, sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm hơn 6 triệu tấn so với niên vụ trước. Sản lượng dự trữ đường trên thế giới tiếp tục được dự báo giảm trong niên vụ tới, về mức 43,9 triệu tấn. Tổ chức Đường Quốc tế ISO dự báo sản lượng đường thế giới sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, qua đó dự báo giá đường tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp mía đường lãi lớn

Sau niên độ 2020-2021 tương đối thuận lợi, đa phần các doanh nghiệp mía đường đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan quý đầu niên độ 2021-2022.

TTC Sugar (HoSE: SBT) công bố BCTC hợp nhất quý I niên độ 2021-2022 với doanh thu tăng 18% lên 4.312 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,7% xuống 11,5% khiến lợi nhuận gộp còn tăng 7% lên 497 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng đột biến từ 73 tỷ đồng lên 346 tỷ đồng nhờ khoản thu tài chính 241,3 tỷ đồng từ lãi kinh doanh hợp đồng tương lai đã thúc đẩy lãi ròng doanh nghiệp.

Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS) báo cáo doanh thu quý I đạt 303 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lãi ròng 7,4 tỷ đồng, gấp 4,7 lần. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,2% về 12,5%.

Mía đường Sơn La (HNX: SLS) thông tin giá đường trên thị trường thế giới tăng giúp giá bán sản phẩm đường quý này tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, doanh thu đạt 146 tỷ đồng, tăng 35%; lãi sau thuế 33 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 33,56%, tăng so với mức 20,5% cùng kỳ.

Dù vậy, không phải doanh nghiệp mía đường nào cũng lãi lớn quý đầu niên độ 2021-2022. Doanh thu Mía đường Kon Tum (HNX: KTS) giảm mạnh từ 41 tỷ về 6,8 tỷ đồng. Lãi gộp vỏn vẹn 279 triệu đồng và lãi sau thuế 420 triệu đồng, lần lượt bằng gần 5% và 39% cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lý giải diễn biến này do yếu tố mùa vụ, mỗi năm chỉ sản xuất 4-5 tháng nhưng bán hàng cả năm. Kết thúc niên độ 2020-2021, đơn vị đã bán hết hàng tồn kho nên không còn sản lượng để chuyển qua niên độ mới, trong khi vụ mới bắt đầu từ tháng 12. Trong quý I, công ty không còn hàng để bán khiến doanh thu không đáng kể, các chi phí vẫn tương đương cùng kỳ năm trước.

Theo BCTC hợp nhất quý III, doanh thu Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) quý III đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 17%. Biên lợi nhuận tăng từ 31,9% lên 34% giúp lợi nhuận ròng tăng 49% đạt 348 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 15% lên 5.776 tỷ đồng, lãi ròng tăng 30% đạt 869 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, mảng sữa đậu nành, nước khoáng suy giảm nhưng hiệu quả mảng đường tăng đã giúp lợi nhuận chung tập đoàn gia tăng. Trong quý III, doanh nghiệp cho biết cả mảng đường và sữa cùng cải thiện, riêng mảng sữa ghi nhận tốc độ tăng trên 10% và đã xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

doanh-nghiep-duong-7771-1636092297.png
Đơn vị: tỷ đồng

Trái chiều kế hoạch niên độ mới

Dù bối cảnh ngành được đánh giá thuận lợi, HĐQT TTC Sugar vẫn đề ra kế hoạch lợi nhuận niên độ mới giảm so với năm trước. Cụ thể, doanh nghiệp đặt kế hoạch 16.905 tỷ doanh thu và 750 tỷ lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 13% và giảm 4% so với thực hiện niên vụ trước. Sau quý đầu năm, đơn vị thực hiện 25,4% mục tiêu doanh thu và 35% mục tiêu lợi nhuận dự kiến.

Mía đường Sơn La đặt kế hoạch doanh thu 1.037 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng; lần lượt tăng 25% và giảm 54% so với năm trước. Lý giải cho kế hoạch lợi nhuận giảm sâu, ban lãnh đạo cho biết tình hình kinh doanh niên độ mới dự kiến nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh của các lò đường thủ công trên địa bàn và một số thương lái mua mía đi Trung Quốc làm giảm sản lượng mía thu mua. Mặt khác, mặc dù Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế gần 48% với đường Thái Lan nhưng đường Thái Lan vẫn “lẩn tránh” qua các nước ASEAN khác về Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngược lại, HĐQT Mía đường Lam Sơn dự kiến trình cổ đông phương án kinh doanh niên độ mới gồm doanh thu tăng 41% lên 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gấp 3,5 lần lên 99 tỷ đồng. Các năm qua, LSS thường xuyên đề ra kế hoạch kinh doanh tham vọng nhưng tỷ lệ đạt được thấp (năm 2020 thực hiện được 22,5% mục tiêu lợi nhuận năm).

NGỌC ĐIỂM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement