Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

GDP Nhật Bản giảm 5,1% trong quý I/2021

Kinh tế thế giới

19/05/2021 08:34

Ngày 18/5, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế nước này, theo đó trong quý I/2021, tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản giảm 1,3% so với quý trước đó, do các đợt bùng phát COVID-19 trở lại.

Cụ thể, GDP của Nhật Bản giảm 1,3% so với quý trước, tính theo tỷ suất hàng năm là 5,1%, do dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã phá vỡ đà tăng trưởng liên tiếp của hai quý trước.

Trước đó, một báo cáo từ cuộc khảo sát với 37 nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đã dự đoán GDP của nước này sẽ giảm 1,2%, tính theo tỷ suất hàng năm là 4,5%. 

gdp-nhat-ban.jpg
Giao thông dành cho người đi bộ tương đối thưa thớt ở quận Ginza của Tokyo phản ánh nền kinh tế ảm đạm trong tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Ảnh: Yo Inoue

Sự sụt giảm GDP được cho là do chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp thứ hai (kéo dài từ ngày 8/1 đến ngày 21/3), kêu gọi mọi người hạn chế ăn tối ở ngoài, hạn chế đi du lịch qua biên giới tỉnh và làm việc ở nhà càng nhiều càng tốt. Những hạn chế này được cho là đã kìm hãm chi tiêu cá nhân cho việc đi lại và ăn uống.

Cụ thể, tiêu dùng tư nhân giảm 1,4% so với quý trước. Các dịch vụ như ăn uống giảm 2,6%, hàng hóa lâu bền như quần áo giảm 3,0% và đồ dùng lâu bền như đồ gia dụng giảm 3,1%.

Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tiêu thụ chậm. Toru Suehiro, nhà kinh tế cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết tiền thưởng mùa đông ít hơn cũng là một nguyên nhân. 

Theo một cuộc khảo sát của Nikkei, tiền thưởng mùa đông đã giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ mức giảm 14,9% vào năm 2009, một năm sau cuộc khủng hoảng Lehman.

Nhật Bản đã áp đặt tình trạng khẩn cấp thứ ba vào ngày 25/4 khi các biến thể COVID-19 mới lan rộng khắp đất nước, đặc biệt là bên ngoài Tokyo, khiến một số nhà kinh tế dự đoán một "đợt co thắt" khác sẽ diễn ra vào tháng 4 đến tháng 6. Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi 0,5%, tính theo tỷ suất hàng năm là 1,8%, trong quý II/2021, theo một cuộc khảo sát của JCER.

nhat-ban.jpg
Khả năng phục hồi của Nhật Bản sau COVID-19.

Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết sự phục hồi trong quý II phụ thuộc vào việc, liệu tình trạng khẩn cấp có được dỡ bỏ vào cuối tháng 5 hay không. Số ca nhiễm mới đang có dấu hiệu giảm ở Tokyo và Osaka. Kumano mong đợi một sự phục hồi nhưng ông nói thêm rằng: "Thật khó để mong đợi một sự thay đổi mạnh mẽ".

Sự khác biệt về tình hình kiểm soát đại dịch cũng như thời gian triển khai vaccine đã dẫn đến tình hình kinh tế khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực trong quý đầu tiên. Nhật Bản đã phải vật lộn để tung ra vaccine, một phần do nguồn cung hạn chế và thiếu nhân viên y tế tiêm phòng.

Theo ước tính của Văn phòng Nội các, Mỹ đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,4% trong quý I/2021 so với quý trước, trong khi Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 2,4%. Trong khi đó, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu thu hẹp với tốc độ 2,5%.

Ngành sản xuất định hướng xuất khẩu đã và đang là điểm sáng của nền kinh tế Nhật Bản. Chẳng hạn, nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với chất bán dẫn đã giữ cho sản lượng và đầu tư ở mức cao trong lĩnh vực máy móc của nước này, ông Suehiro của Daiwa cho biết. Nhật Bản là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip chính cho Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, số liệu sản xuất mạnh mẽ không thể bù đắp những điểm yếu trong các lĩnh vực phi sản xuất, chẳng hạn như lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn, cũng như trong tiêu dùng tư nhân nói chung, Kumano của Dai-ichi cho biết. Trong quý đầu tiên, đầu tư ngoài nhà ở giảm 1,4% sau khi tăng 4,3% trong tháng quý IV/2020.

Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Yasuda Meiji, cho biết: “Miễn là nền kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà vững chắc, nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ duy trì đà tích cực của nó”. Ông nói thêm rằng, sự khác biệt trong tốc độ triển khai vaccine sẽ có tác động "không đáng kể" đến tốc độ phục hồi kinh tế.

NHẬT SANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement