Tỷ phú Gautam Adani, người giàu thứ hai châu Á, bày tỏ mong muốn đầu tư khoản "cực kỳ lớn" vào Việt Nam trong cuộc gặp với Đại sứ Phạm Sanh Châu mới đây.
Trong chuyến công tác đến thành phố Ahmedabad, bang Gujarat ngày 28/9, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã gặp tỷ phú Gautam Adani, chủ tịch tập đoàn Adani, với mong muốn thuyết phục người giàu thứ hai Ấn Độ và thứ 24 thế giới với khối tài sản lên tới hơn 71 tỷ USD này đầu tư vào Việt Nam.
Con trai đầu của tỷ phú Adani, đồng thời là tổng giám đốc điều hành tập đoàn và phụ trách về lĩnh vực cảng biển, cùng với một tổng giám đốc phụ trách về năng lượng và một tổng giám đốc về sản xuất vũ khí, thiết bị không gian cũng tham gia cuộc gặp.
Sau khi trao đổi với Đại sứ Sanh Châu, Chủ tịch tập đoàn Adani đã bày tỏ mong muốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hải cảng và cảng hàng không…
Tỷ phú Gautam Adani đã đi một chặng đường dài kể từ khởi đầu khiêm tốn khi bỏ học bằng cử nhân thương mại tại Đại học Gujarat, Ahmedabad. Hiện đang nắm quyền lãnh đạo Tập đoàn Adani - tập đoàn tham gia vào nhiều ngành công nghiệp bao gồm sản xuất điện, dầu mỏ, bất động sản và cơ sở hạ tầng – Ông Adani đã vượt qua ông trùm nước đóng chai Trung Quốc Zhong Shanshan trở thành người giàu thứ hai ở châu Á.
Theo Tạp chí Forbes, Chủ tịch Gautam Adani đã chứng kiến khối tài sản khổng lồ của mình tăng gần gấp 3 lần lên 74,8 tỷ USD trong năm vừa qua. Bloomberg thậm chí còn đưa tin rằng ông Adani đã vượt mặt cả Elon Musk lẫn Jeff Bezos để có mức tăng trưởng tài sản lớn nhất vào năm 2021.
Gautam Adani sinh ngày 24/6/1962 tại Ấn Độ, ông Adani là con trai trong một gia đình có 7 người anh em. Cha của ông Adani là một thương gia ngành may mặc nên có đủ tiền cho các con ăn học. Thế nhưng ngay từ bé, Adani đã chẳng mấy hứng thú đến chuyện học hành.
Khi đang là sinh viên của trường Đại học Gurajat, Adani đã bỏ ngang ở năm thứ 2 để đi làm kiếm tiền. Năm 1978, Adani lên thành phố Mumbai làm trong ngành buôn kim cương thay vì theo nghề kinh doanh may mặc như bố mình.
Chỉ 2 năm sau đó, Adani đã tự mở được cơ sở kinh doanh kim cương của riêng mình tại Mumbai. Những tưởng cuộc đời Adani đã gắn với nghề kim cương thay vì buôn vải như của gia đình thì năm 1981, người anh trai Mansukhbhai Adani mua một nhà máy sản xuất nhựa và mời Adani về làm quản lý.
Chính sự kiện này đã mở ra một trang mới cho sự nghiệp của Adani. Năm 1985, Adani bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu nhựa Polyme cho các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ. Từ thành công này, ông bắt đầu thành lập Adani Export, tiền thân của Tập đoàn Adani ngày nay vào năm 1988.
Trong khoảng thời gian đầu, tập đoàn này chủ yếu kinh doanh các mặt hàng nông sản và năng lượng mà đặc biệt là khai thác than.
Năm 1991, Adani mở rộng sang các hoạt động dệt may và luyện kim nhằm bắt kịp với xu hướng tự do hóa kinh tế của Ấn Độ. Đây là thời điểm mà Adani được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách cải cách mở cửa kinh tế của chính phủ.
Năm 1996, Adani đồng sáng lập Quỹ Adani với vợ mình, Priti, người giữ vai trò chủ tịch của quỹ. Họ đã đóng góp vào phúc lợi của các cộng đồng trên khắp Ấn Độ với các dự án về giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng cộng đồng và sinh kế bền vững.
Vào năm 2020, Adani đã quyên góp khoảng 13,7 triệu USD cho Quỹ PM Cares để giúp chiến đấu với COVID-19. Tập đoàn Adani đã giúp bố trí 4 bể đông lạnh ISO với 80 tấn ôxy lỏng và 5.000 bình ôxy y tế từ Ả Rập Xê Út để giúp những người bị nhiễm virus.
Vậy là phải 13 năm sau ngày bỏ học, chàng sinh viên Adani ngày nào mới kinh doanh nghề buôn vải của gia đình. Dẫu vậy phải đến năm 1995 khi Adani thắng thầu quản lý cảng Mundra từ chính phủ thì vị tỷ phú này mới mở rộng sang các hoạt động cảng biển và hàng không như đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Phát triển là vậy nhưng theo đánh giá của Bloomberg, tỷ phú Adani phất lên hoàn toàn là nhờ các dự án than. Từ mảng kinh doanh than từ thời kỳ đầu thành lập, tập đoàn Adani xây dựng mảng nhiệt điện mang tên Adani Power vào năm 1996. Tổng công suất hiện nay của Adani Power đạt tới 4.620 MW và là công ty nhiệt điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ.
Tuy nhiên, thế giới chỉ biết đến tên Adani khi ông thực hiện hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong khoảng 2009-2012 tại Australia. Trớ trêu thay, ngoài câu chuyện về sự giàu có thì việc các nhà hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường phản đối những mỏ than của Adani mới là thứ thu hút công chúng quốc tế nhiều nhất.
Trong một bài phỏng vấn năm 2019 với hãng tin Bloomberg, tỷ phú Asani vẫn bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng, các mỏ than sẽ đảm bảo được an ninh năng lượng cho Ấn Độ trong khi tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Mặc dù vậy, Tập đoàn Adani đã bắt đầu dịch chuyển kinh doanh sang các mảng cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, trung tâm dữ liệu. Trên thực tế theo đánh giá của tờ The Print, Adani có mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dù ông nhiều lần phủ nhận.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng chính mối quan hệ này đã tác động đến chiến lược kinh doanh cũng như đem lại thành công cho Adani. Trong những năm gần đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Modi khi cắt giảm sự phụ thuộc nhập khẩu khi giá cả lên cao, Adani đã chuyển hướng sang năng lượng sạch.
Năm 2020, Adani thắng thầu dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới tại Ấn Độ với tổng trị giá đạt 6 tỷ USD. Tập đoàn này có kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo của mình lên gấp 8 lần vào năm 2025 và dần chuyển mình khỏi mảng năng lượng "bẩn" như than.
Tỷ phú Adani cũng có kế hoạch chuyển các nhà máy sản xuất than sang sản xuất nhựa (From Coal to PVC) nhưng chúng vẫn vấp phải nhiều sự phản đối vì chưa đủ thân thiện môi trường.
Hiện tại Adani đã là nhà vận hành cảng biển lớn nhất Ấn Độ nhưng tập đoàn này chưa chịu dừng lại ở đó. Năm 2019, Adani đấu giá thành công quyền phát triển và vận hành 6 sân bay trên khắp Ấn Độ với thời hạn 50 năm. Cuối năm 2020, Adani mua lại 74% cổ phần sân bay lớn thứ 2 Ấn Độ là Mumbai International Airport.
Không chỉ với mảng cảng biển và sân bay, Adani còn tham vọng với ngành nông nghiệp khi định hợp tác với tập đoàn Wilmar International trong mảng này nhưng hiện vẫn chưa được chính phủ thông qua.
Gần đây, tỷ phú Adani cũng tuyên bố sẽ đầu tư 20 tỷ USD cho mảng điện sạch, nhằm rũ bỏ hình ảnh năng lượng bẩn trước đây đã làm nên sự giàu có cũng như tai tiếng của ông.
Vào đầu năm 2020, ông Adani mua lại Aditya Estates với giá là 40 rupee crore - khoảng 5,5 triệu USD. Bất động sản nằm ở Lutyens 'Delhi, khu dân cư đắt đỏ nhất ở New Delhi, có diện tích 1,4 ha đất và bao gồm một ngôi nhà gỗ có diện tích khoản 7.600 m2.
Theo GQ India, ngôi nhà này có 7 phòng ngủ, 6 phòng khách và phòng ăn, cùng khu đất rộng 7.000 m2 dành cho nhân viên. Bất động sản cũng bao gồm những khu vườn rộng lớn, qua đó ông Adani thích dành thời gian đi dạo nhàn nhã.
Giống như nhiều tỷ phú khác, Adani cũng sở hữu một loạt siêu xe và chuyên cơ giá trị. Bộ sưu tập của ông gồm một đội xe BMW, một chiếc Ferrari màu đỏ rực rỡ mua tặng con trai Karan và xe limousine để di chuyển thường ngày, 2 chiếc máy bay phản lực, 3 chiếc trực thăng và 1 chiếc máy bay sử dụng động cơ tuốc-bin cánh quạt.
Tỷ phú Adani có một mối quan tâm rõ ràng đối với hàng không. Năm 2020, Tập đoàn Adani mua lại 74% cổ phần kiểm soát tại Sân bay Mumbai, trở thành nhà phát triển sân bay tư nhân lớn nhất Ấn Độ.
Mối quan tâm đến du lịch hàng không này thể hiện rõ trong cuộc sống cá nhân khi ông thích bay theo phong cách riêng, có 3 chiếc máy bay riêng: một chiếc Bombardier Challenger 600 (trị giá 700.000 - 900.000 USD, theo evojets.com), một chiếc Embraer Legacy 650 (trị giá 15-19 triệu USD) và một chiếc Hawker 800 (trị giá 2 triệu USD).
Tuy nhiên, tỷ phú và gia đình cũng né tránh giao thông bằng 3 chiếc trực thăng của mình. Năm 2011, tờ The Times of India cho biết ông đã mua một chiếc trực thăng 15 chỗ ngồi Augusta Westland AW139 trị giá 12 crore rupee (hiện nay là 1,65 triệu USD).
Trong khi bắt đầu đi lại trên chiếc xe tay ga Bajaj Super màu xám của mình vào những năm 1980, ông Adani đã nhanh chóng học cách đi lại theo phong cách và đã tích lũy một bộ sưu tập xe hơi sang trọng đáng ghen tị.
Những chiếc xe này bao gồm một chiếc BMW 7 Series limousine, một chiếc Rolls-Royce Ghost và một chiếc Ferrari California màu đỏ, mà những người thân cận với ông nói là chiếc xe yêu thích của vị tỳ phú này.
Bên cạnh khối tài sản kếch xù, Gautam còn khiến nhiều người kinh ngạc bởi vận may thần kỳ của mình. Ông đã 2 lần gặp nguy hiểm về tính mạng, nhưng đó cũng là hai lần tử thần để vuột mất ông.
Ngày 1/1/1998, khi đang trên đường tới một câu lạc bộ ở Ahmedabad, Adani và bạn mình đã bị bọn xã hội đen dùng súng khống chế và bắt cóc. Chúng đòi khoản tiền chuộc lên đến 2 triệu USD. Bọn bắt cóc nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó và nhận mức án 20 năm tù giam.
Adani khá rụt rè khi nhớ lại về sự cố này. "Cuộc đời tôi từng xảy ra 2-3 chuyện không may, và đây là một trong số đó", ông nói. 10 năm sau, Adani lại tiếp tục đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Ngày 26/11/2008, khi đang ăn tối cùng đối tác trong nhà hàng thuộc khách sạn Taj ở Mumbai, ông nhìn thấy nhóm khủng bố xông vào tòa nhà. Chúng xả súng điên loạn tại khu vực hồ bơi và trong thang máy, khiến hơn 160 người thiệt mạng.
Sau đó, vị tỷ phú này nhanh chóng cùng nhiều người khác trốn dưới tầng hầm. Phải mất vài tiếng họ mới được ra ngoài, khi lực lượng cảnh sát kiểm soát được tình hình.
"Chúng tôi có hơn 100 người, ai nấy đều cầu nguyện cho mạng sống của mình. Một số người trốn dưới ghế sofa, trong khi những người khác trốn ở những nơi kín đáo. Ngồi trên ghế sofa, tôi bảo họ hãy tin tưởng vào Chúa. Đồng thời, tôi gọi điện cho gia đình mình ở Ahmedabad và người tài xế đang chờ trong xe bên ngoài khách sạn", ông cho biết.
"Tôi đã đứng cách cái chết chỉ 4,5m", vị tỷ phú này vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại chuyện xưa.