05/04/2023 18:47
Gần 27.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động trong tháng 3
Trong tháng 3/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự khởi sắc với 13 đợt phát hành đạt giá trị gần 27.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản.
Theo thống kê của Mekong ASEAN trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 3/2023 có 13 đợt phát hành trái phiếu được hoàn tất, với tổng giá trị đạt 26.856 tỷ đồng. Mới nhất là 2 lô trái phiếu của CTCP Encapital Holdings (120 tỷ đồng) và Chứng khoán Rồng Việt (311 tỷ đồng), hoàn tất phát hành vào những ngày cuối tháng 3.
Trong tháng 3, giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên phát hành hơn 9.000 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam phát hành gần 4.700 tỷ đồng; Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living phát hành 4.800 tỷ đồng; Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas phát hành 2.300 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Kinh Doanh Nam An phát hành 4.700 tỷ đồng.
Tập đoàn Masan cũng huy động thành công 2.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu ra công chúng. Ngoài ra là các đợt phát hành của doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác như Nông nghiệp BAF Việt Nam (600 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô (40 tỷ đồng), CTCP phân phối HDE (45 tỷ đồng)…
Trước đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là gần 14.300 tỷ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022).
Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỷ đồng (chiếm 35% tổng giá trị mua lại) và 3.400 tỷ đồng (chiếm 24% tổng giá trị mua lại). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022), theo mekongasean.vn.
Theo VBMA, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4/2023 là 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4.500 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
Trong tuần 3/4-9/4, doanh nghiệp có lượng trái phiếu đáo hạn lớn là Ngân hàng VPBank (1.150 tỷ đồng), Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp (500 tỷ đồng), CTCP APEC (190 tỷ đồng), Khải Hoàn Land (300 tỷ đồng), Tập đoàn Tiến Phước (200 tỷ đồng)…
Theo báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, trong quý 2, sẽ có hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với lượng trái phiếu đáo hạn ghi nhận trong quý 1 trước đó.
Trong đó, bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ hai là nhóm tài chính ngân hàng với hơn 37% tổng giá trị đáo hạn, theo Zing.
VNDirect ước tính đến quý 3 sẽ có thêm 83.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng quý 4.
Sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch phát hành trái phiếu trở lại. Theo thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau hơn 10 ngày từ khi Nghị định 08 có hiệu lực, đã có 9 đợt huy động vốn thành công qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 23.825 tỷ đồng. Trong đó, đa số doanh nghiệp phát hành trái phiếu trở lại là nhóm kinh doanh bất động sản và đều phát hành dưới hình thức riêng lẻ.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp