24/11/2017 11:10
Gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động ra sao
Tỷ suất sinh lời, chất lượng nợ cao hơn hẳn các ngân hàng nhưng mô hình quỹ tín dụng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vụ việc giám đốc một Quỹ tín dụng nhân dân ở Đồng Nai bỏ trốn gần đây khiến hàng chục gia đình nguy cơ mất tiền tỷ đã đặt ra không ít nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của mô hình quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vẫn không thể phủ nhận đây là mô hình huy động và cho vay hiệu quả nhất trong khu vực nông thôn hiện nay, dẫn vốn tốt cho những khách hàng vốn rất khó vay được ngân hàng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hệ thống hiện có 1.178 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động ở 57 tỉnh, thành với tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng. Trong số các loại hình tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân đang là mô hình có tỷ suất sinh lời dẫn đầu hệ thống, cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại. Trong cả giai đoạn 2007-2015, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) của các quỹ tín dụng luôn cao hơn bình quân toàn ngành, lần lượt đạt 0,49% và 5,49%.
Riêng trong năm 2016, số liệu từ báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng cho thấy, mô hình quỹ tín dụng nhân dân đạt ROA 0,89% trong khi cá ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ là 0,61%. Tương tự, ROE của loại hình này đạt 13,29%, chỉ thua nhóm công ty tài chính vốn có biên lợi nhuận cao, còn lại đều vượt trội so với các ngân hàng thương mại.
Số liệu tới hết tháng 10/2017 cũng cho thấy, gần 1.200 quỹ tín dụng huy động trên 82.000 tỷ đồng và cho vay khoảng 76.000 tỷ, cung cấp tín dụng cho khoảng 8-9 triệu người.
Khác với ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân chỉ được hoạt động theo địa bàn, huy động từ các thành viên trong địa phương và cũng chỉ được cho vay chính các thành viên đó. Chính nhờ vậy, các quỹ tín dụng nắm bắt khá rõ về khách hàng vay vốn, tỷ lệ nợ xấu cũng thấp nhất trong hệ thống khi chỉ dưới 1%.
Trao đổi vớiVnExpress, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có địa bàn khá rộng ở khu vực nông thôn thừa nhận, họ không có nhiều thế mạnh trong cho vay bằng các quỹ ngay cả khi lãi suất vay từ các quỹ tín dụng cao hơn hẳn nhà băng. "Chủ yếu do điều kiện vay của ngân hàng vẫn quá khắt khe, người dân sẵn sàng trả lãi suất cao một chút nhưng vay được vốn còn hơn không. Chưa kể, mô hình quỹ tín dụng là huy động và cho vay tại chỗ, các thành viên hiểu rất rõ nhau, cho vay xong sẽ thu hồi vốn, lãi rất nhanh", ông lý giải.
Lãi suất cho vay tại các quỹ tín dụng tuy cao hơn ngân hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nếu so với các "hụi", dịch vụ cầm đồ hay tín dụng "đen". Do đó, mô hình quỹ tín dụng nhân dân vốn được Ngân hàng Nhà nước cho là cách thức tốt để hạn chế tín dụng "đen" trong nông thôn.
Tuy nhiên, một số quỹ tín dụng nhân dân lại đang làm điều ngược lại với "sứ mệnh" này khi hoạt động quy định, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tình kình tinh tế xã hội.Trước sự việc Giám đốc Quỹ tín dụng tại Đồng Nai bỏ trốn sau khi mượn uy tín quỹ huy động và cho vay trái quy định, dùng tiền cho mục đích cá nhân, trên cả nước cũng xảy ra không ít sự việc tương tự tại một số quỹ. Không ít giám đốc quỹ tín dụng đã vướng vòng lao lý.
Ngoài "chiêu" mượn uy tín để huy động và dùng vào việc riêng, không ít cán bộ quỹ tín dụng đã lợi dụng trái phép tiền nhàn rỗi tại quỹ ở một số thời điểm để gửi tiết kiệm tại ngân hàng (dưới tên cá nhân). Theo quy định, quỹ tín dụng nhân dân không được phép gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. "Việc này là họ đang vi phạm kép, họ không được phép lạm dụng tiền gửi tại quỹ để đứng tên cá nhân mình rồi hưởng khoản lãi suất như vậy", lãnh đạo một thành viên trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tại Hà Nội bình luận.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, người có kinh nghiệm trong xây dựng quy trình nghiệp vụ tín dụng, trong ngành ngân hàng nhận xét: "Quỹ tín dụng nhân dân là mô hình rất hiệu quả nhưng còn nhiều vấn đề trong khâu quản lý. Tại các ngân hàng đều có những quy trình huy động, cho vay, quản trị bài bản. Trong khi đó, tại các quỹ, hầu hết bị xem nhẹ và cái họ cần hiện nay là một quy trình huy động và cho vay hiệu quả hơn, giám sát được rủi ro, trong đó có rủi ro lớn đến từ con người", ông nói.
Riêng với sự việc tại Đồng Nai, sau khi sự việc vỡ lở, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chủ động phát hiện những sai sót tại quỹ tín dụng ở Đồng Nai và chuyển cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu phát hiện sớm đã không có chuyện Giám đốc quỹ tín dụng Thái Bình bỏ trốn ra nước ngoài như vậy.
Những yếu kém trong quản lý các quỹ tín dụng nhân dân mới đây cũng vừa được Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) chất vấn Thống đốc tại Quốc hội. Về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, dù tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 1% nhưng có một số các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém mà cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây mất trật tự an ninh.
Ông Hưng cho biết sẽ mạnh tay xử lý theo hình thức sáp nhập, hợp nhất các quỹ không có khả năng phục hồi. Thậm chí, phương án cuối cùng là cho phá sản cũng được tính đến. "Nhưng trong bất luận trường hợp nào chúng tôi cũng sẽ phải phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chính quyền địa phương để xử lý một cách bài bản, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo không gây mất trật tự an toàn, đặc biệt là vấn đề về xã hội cũng như lòng tin của người gửi tiền trên các địa bàn tỉnh, thành phố", Thống đốc nói.
Advertisement
Advertisement