Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Gà Việt 'ào ạt' xuất sang Nhật Bản

Thị trường 24h

25/09/2017 10:02

Ngày 9/9 vừa qua, tại Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Bộ NN-PTNT đã công bố xuất khẩu chính ngạch lô hàng thịt gà (gần 400 tấn) đầu tiên của VN sang thị trường Nhật Bản.

Đây là điều rất đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh rất nhiều mặt hàng nông sản luôn đối mặt với tình trạng dư thừa, mất giá, chưa tìm được đầu ra...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khảo sát một trang trại nuôi gà xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Đ.A

Sản phẩm của chuỗi liên kết sản xuất sạch

Lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên của Việt Nam (gần 400 tấn) sang thị trường Nhật Bản đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam . Đó là chuỗi liên kết sản xuất sạch, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động xây dựng ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ cao vào tháng 2.2017.

Để cho ra lô hàng gà thịt xuất sang Nhật, một nhóm doanh nghiệp đã cùng phối hợp thực hiện gồm: Cty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus – Hà Lan) cung cấp thức ăn; Cty cổ phầnBel Gà (Bỉ) cung cấp giống; Tập đoàn Hùng Nhơn Group (Bình Phước) thực hiện chăn nuôi đàn gà trong các trang trại gà đạt chuẩn và Cty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín - sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, theo chất lượng của thị trường Nhật Bản, đồng thời lo luôn việc xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nhật Bản là thị trường rất khắt khe. Vì vậy, việc chuỗi liên kết các doanh nghiệp sản xuất và xuất được thịt gà sang Nhật là một thành công mang ý nghĩa chiến lược, mở lối ra cho nông nghiệp Việt Nam . Sau thịt gà, Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt lợn, sữa, thịt bò... Đây là quyết tâm của các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước”.

Trong lúc đó, ông Vũ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group (Bình Phước), cho biết: “Kể từ hôm nay, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp chúng tôi sẽ đáp ứng khoảng 300 tấn thịt gà để xuất sang thị trường Nhật Bản. Để được phía Nhật Bản chấp nhận, toàn bộ gà phải được tinh chọn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ khâu giống, cho đến quy trình nuôi, giết mổ và bảo quản, phải tuân thủ những quy định hết sức gắt gao từ phía nhà nhập khẩu đưa ra.

Thí dụ: Gà phải nuôi trong các trang trại đạt chuẩn; quá trình nuôi, không được sử dụng các loại thuốc; gà phải nuôi trong vùng không bị dịch cúm... Trước khi gà đưa tới nhà máy giết mổ, phải được cách ly kiểm dịch từng con.v.v… Điều may mắn, chúng tôi đã xây dựng được 28 trại gà theo tiêu chuẩn quốc tế ở tỉnh Bình Phước. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ Nhật Bản đưa ra, nên kể từ đây, các trại gà của chúng tôi đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất - xuất khẩu thịt gà sạch sang thị trường Nhật Bản”.

Triển vọng xuất khẩu nông sản sạch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD. Hiện cả nước có 10 ngành hàng, đạt giá trị xuất khẩu trên dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, có điều trăn trở đối với ngành NN-PTNT là trong 10 ngành hàng trên, không hề có sản phẩm thực phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, Việt Nam có một tiềm năng, khả năng sản xuất rất lớn. Bình quân mỗi năm, cả nước có thể sản xuất đạt khoảng 30 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa.v.v…

Tức là mỗi năm, Việt Nam đủ sản xuất ra 5,2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60kg thịt/người, bên cạnh mức bình quân 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người… Song, nhiều năm qua, sản phẩm của người nông dân làm ra vẫn long đong, lận đận đầu ra. Chuyện xuất khẩu nông sản lại càng hiếm hoi. Vì vậy, “cả hệ thống cùng nỗ lực, để đến hôm nay có lô thịt gà đầu tiên xuất khẩu được. Ý nghĩa không phải ở 1 công-te-nơ hàng, mà nó mở ra một triển vọng, khi thị trường khó tính nhất còn tiếp cận được thì các nước khác cũng sẽ vào được”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Với Công ty Koyu & Unitek (Đồng Nai), từ đầu năm 2017, doanh nghiệp đã chuẩn bị mọi mặt để xuất khẩu lô thịt gà trên sang Nhật Bản. Ông Jame Hiếu – Tổng GĐ Cty Koyu & Unitek – cho biết: “Doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy trị giá 6 triệu USD, với nhiều thiết bị máy móc hiện đại, với công suất giết mổ khoảng 50.000 con gà thịt/tháng. Kế đó, một quy trình nuôi, chế biến gà thịt đúng quy cách, đạt chuẩn quốc tế đã được công tynỗ lực thực hiện, được cấp chứng nhận và duy trì.

Nhờ đó, thịt gà mới được xuất khẩu vào Nhật Bản. Hàng năm, thị trường Nhật Bản tiêu thụ ngót nghét gần 1 triệu tấn gà thịt. Riêng Koyu & Unitek, có thể xuất khoảng 2.000 tấn gà/tháng. Tuy nhiên, hiện số lượng gà đạt chuẩn để xuất sang Nhật vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trên. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều số lượng gà đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật”.

Còn ông Gabor Fluit – Tổng GĐ Cty De Heus - cho rằng: “Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm từ 5 -10% chi phí để có được thực phẩm sạch. Mặt khác, giá xuất khẩu gà sạch cao hơn giá bán trong nước tới 30%. Vì vậy, phải thấy được triển vọng xuất khẩu thịt sạch của Việt Nam là rất lớn. Muốn xuất khẩu được thịt sạch, không thể một đơn vị, một giải pháp, mà phải bao gồm cả một tổ hợp giải pháp, chuỗi quy trình sản xuất, chế biến sạch”. Trong lúc đó, theo ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: “Việt Nam là một thị trường mở. Vì vậy, ngay cả tiêu thụ thịt trong nước, sản phẩm cũng phải đạt tiêu chuẩn như xuất khẩu.

Đó là sản phẩm phải đáp ứng các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh.v.v… Việc các doanh nghiệp xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật sẽ là phát súng đầu tiên rất có ý nghĩa đối với Việt Nam – là xuất khẩu thịt gà ra nước ngoài. Sắp tới, không chỉ có gà, mà cả thịt heo, các loại nông sản khác cũng phải nỗ lực đạt tiêu chuẩn và tìm đường xuất ngoại. Điều đó sẽ giúp rất nhiều cho các trang trại, người nông dân tiêu thụ được nông sản, thoát khỏi tình trạng hết “giải cứu” này đến “giải cứu” khác, mà thiếu tính bền vững, căn cơ”.

ĐÔNG ANH (Lao động)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement